Người phụ nữ Đức chuyển sang đi xe ngựa vì giá xăng tăng quá cao

Người phụ nữ Đức chuyển sang đi xe ngựa vì giá xăng tăng quá cao

Ở thị trấn Schupbach của Đức, một nông dân kiêm huấn luyện viên cưỡi ngựa Stephanie Kirchner đã từ bỏ chiếc xe hơi và hiện dùng xe ngựa đi làm để tiết kiệm xăng.

“Tình hình không thể tiếp tục như thế này được nữa. Tôi biết rằng giá cỏ khô và mọi thứ khác cũng sẽ tăng vọt, vì vậy tôi quyết định tiết kiệm một số tiền”, người phụ nữ chia sẻ.

Bây giờ bà Kirchner dành 1 giờ thay vì 10 phút thông thường trên đường từ nhà đến cơ quan, nhưng điều này sẽ cho phép bà tiết kiệm tới 250 euro mỗi ​​tháng.

Bà Kirchner cho biết, với giá nhiên liệu tăng cao, nhiều người có thể chuyển sang phương tiện vận tải bằng xe ngựa nếu cơ sở hạ tầng của thành phố thích nghi tốt hơn.

1 Nguoi Phu Nu Duc Chuyen Sang Di Xe Ngua Vi Gia Xang Tang Qua Cao

Gần đây, Đức đưa ra kế hoạch mới nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào mùa Đông tới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 17/5 đã trình bày kế hoạch này, đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp hiệu quả nhất và rẻ nhất cho sự độc lập về năng lượng là tiêu thụ ít hơn.

Theo Công ty tư vấn năng lượng Aurora Energy Research có trụ sở tại Berlin, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, ngành công nghiệp và các hộ gia đình của nước này sẽ thiếu hụt từ 2-12 tỉ m3 khí đốt vào mùa Đông tới, tùy thuộc vào tình hình thời tiết.

Giá nhiên liệu của Đức đang ở mức cao nhất ở châu Âu. Số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho thấy nước này có giá nhiên liệu cao nhất ở châu Âu. Kể từ ngày 4/4, giá dầu diesel là 2,06 euro (tương đương 2,24 USD)/lít ở Đức, trong khi xăng E5 cũng có giá 2,06 euro/lít.

Đức cũng là một trong những quốc gia đắt đỏ nhất trong Liên minh châu Âu (EU) về giá nhiên liệu, chỉ sau Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Trong khi quốc gia láng giềng có giá xăng E5 rẻ nhất là Ba Lan, nơi 1 lít có giá 1,42 euro.

Theo Destatis, tháng 4/2022, giá năng lượng tại Đức đã tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu sưởi trong tháng 4/2022 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá nhiên liệu và khí đốt tự nhiên cũng tăng mạnh, lần lượt là 38,5% và 47,5%.

Người đứng đầu Destatis, ông Georg Thiel cho rằng, giá năng lượng tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động đáng kể đến tỷ lệ lạm phát. Giá thực phẩm cũng cao, với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh đáng kể so với mức tăng 6,2% của tháng trước.

Trong khi đó, lạm phát tại Đức đã tăng lên 7,4%, mức cao nhất trong 40 năm, trong tháng 4/2022 do giá năng lượng và nhiên liệu động cơ tăng cao. Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thậm chí còn cao hơn, ở mức 7,5%.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck mới đây cho biết, Đức đang kỳ vọng tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ chỉ ở mức 6,1% trong năm nay và 2,8% vào năm 2023.

Nguồn: Soha


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan