Không ai theo dõi kỷ luật, trẻ em không bị bắt học, thầy và trò xưng hô với nhau thoải mái, sau khi học xong tiểu học, nếu không vào được trung học phổ thông thì cơ hội học lên đại học rất khó.
Áp lực học tập từ bé
Trẻ em Đức đến trường năm lên 6 tuổi, sau nhà trẻ hay lớp dự bị – tùy theo sự lựa chọn của bố mẹ. Và học 4 năm ở trường tiểu học. Bầu không khí ở trường tiểu học Đức rất tự do, trẻ em không bị áp lực, không bị bắt học, các em được phép phát huy tính sáng tạo. Kết quả là không ai có thể quản lý nổi chúng, lớp học ồn ào, lộn xộn, vì vậy nhiều học sinh không thể tập trung, mệt mỏi và đau đầu.
Không có gì lạ là nhiều em gặp khó khăn: Một số em bộc lộ năng khiếu vẽ, viết, tính toán, nhưng không thể kết hợp với các môn khác, sau đó các em rất khó đuổi kịp chương trình ở tất cả các môn học.
Cuối cùng, tất cả đè nặng lên vai phụ huynh học sinh, nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện hàng ngày học với con. Đặc biệt, các nam sinh rất khó khăn. Các nữ sinh dù sao cũng tự tổ chức tốt hơn: Các em hiểu khi nào cần học bài, tô màu, chuẩn bị làm bài kiểm tra, các em biết ngồi và nghe giảng. Còn các nam sinh trở nên bơ vơ trong hệ thống đó.
Sau khi học xong lớp 4, tất cả học sinh đi theo hai hướng. Những em học giỏi, theo lời khuyên của giáo viên, vào học trung học phổ thông, gọi là vào tú tài. Ở đấy các em học 12 năm, rồi thi vào đại học. Tất cả những học sinh khác vào học trường phổ thông bình thường đến hết lớp 10, sau đó vào học trường trung cấp kỹ thuật và bắt đầu làm việc.
Nếu thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt, sau trung học cơ sở, các em có thể vào học tú tài – có điều ở đấy các em phải học thêm ba năm nữa. Vào học trung học phổ thông ở Đức rất khó khăn, có cảm giác như giáo viên cố tình cho điểm thấp để nhiều học sinh sớm vào học trung cấp kỹ thuật, đi làm và nộp thuế.
Phụ huynh ly hôn giả để con vào trường tốt
Giáo dục ở Đức hoàn toàn miễn phí. Có trường tư, nhưng rất ít (ví dụ ở thành phố Hamburg có không quá 5 trường) và học phí rất rẻ, khoảng 200 – 300 euro/tháng. Trường công nhận học sinh theo đăng ký cư trú. Để vào được một trường tốt, nhiều cặp vợ chồng thậm chí phải làm thủ tục ly hôn giả để mẹ và con có thể đăng ký cư trú ở nhà người quen hoặc người thân tại địa điểm cần thiết.
“Giáo dục ở Đức hoàn toàn miễn phí. Có trường tư, nhưng rất ít, và học phí rất rẻ, khoảng 200 – 300 euro/tháng. Trường công nhận học sinh theo đăng ký cư trú. Để vào được một trường tốt, nhiều cặp vợ chồng thậm chí phải làm thủ tục ly hôn giả để mẹ và con có thể đăng ký cư trú ở nhà người quen hoặc người thân tại địa điểm cần thiết”. Danh tiếng của nhà trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ở những quận được hình thành lâu đời, có nhiều người nước ngoài sinh sống, trường học ở đấy có quá nhiều người ngoại quốc.
Dân bản xứ không muốn cho con vào học những trường như vậy vì 4 năm đầu các em chủ yếu học tiếng Đức. Đôi khi hai trường cùng nằm trong một quận, trên những đường phố sát nhau, nhưng một trường được coi là tốt, còn trường kia thì ngược lại.
Học xong trung học cơ sở, học sinh bắt đầu nghĩ về nghề nghiệp. Thường thì ở tuổi 17 – 18 các em không biết mình muốn làm nghề gì, vì vậy các em được dành một “năm xã hội” để đi vào bệnh viện, nhà trẻ hay trường phổ thông. Ở đấy, các em làm việc ngày 8 tiếng với một đồng lương tượng trưng nào đó, nhưng cho phép các em thử sức mình, không rong chơi và quãng thời gian này rất tốt cho các em khi khai lý lịch.
Những học sinh tốt nghiệp tú tài thường tự thu xếp nghỉ học một năm trước khi vào đại học. Để không bị thiệt thòi và được hưởng các khoản ưu đãi do quy chế học sinh mang lại (bảo hiểm, thuế…), các em gửi bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của mình tới các chuyên ngành biết chắc chắn sẽ không được nhận.
Ví dụ như ngành y hay tâm lý học vốn cần điểm số rất cao. Như vậy, về hình thức, các em lọt vào danh sách những thí sinh chờ xét tuyển và có thể sử dụng năm này theo ý thích. Có em đi du lịch, kiếm tiền hay đi thực tập một chuyên ngành nào đó. Một số khoa ưu tiên nhận những học sinh có kinh nghiệm chuyên môn, ví dụ, để được vào trường y, nhiều em xin làm việc tại phòng cấp cứu của bệnh viện.
Không phê bình học sinh trong các cuộc họp chung
Ở Đức, không ai có thể tác động tới các trường công, giáo viên ở đây được coi là cán bộ nhà nước, và không thể bị sa thải. Nhưng nếu người ta phát hiện ra giáo viên quát mắng hay xúc phạm học sinh thì ngay lập tức bị “sửa sai” ngay trên sân trường.
Kể cả khi bản thân học sinh bị quát mắng không nói với ai, nhưng nếu những học sinh khác nhìn thấy, các em sẽ kể với bố mẹ mình, và những người này ngay lập tức báo với hiệu trưởng. Ranh giới giữa người lớn và trẻ con ở đây không có, tất cả xưng hô với nhau thân mật, học sinh có thể nói oang oang, đứng dậy bỏ đi và đóng sập cánh cửa ngay trước mắt thầy giáo. Giáo viên ở đây có ít quyền lực.
Tại các cuộc họp phụ huynh, trước cả lớp không ai phê bình về hạnh kiểm xấu hay kết quả học tập kém của học sinh. Các cuộc họp chung chỉ giải quyết những vấn đề chung: Đi picnic, du lịch, bầu trưởng ban phụ huynh… Việc phê bình học sinh: Học kém, hay đánh nhau… chỉ diễn ra trong các cuộc gặp riêng.
Học sinh cũng được mời dự và trong sự có mặt của bố mẹ, các em có thể ký cam kết với thầy giáo: Ví dụ, hứa học tốt hơn môn Thể dục và Toán. Nhưng nói chung, ở Đức giáo viên lúc nào cũng bận bịu với sổ sách, giấy tờ, họ luôn luôn phải viết báo cáo. Công việc này chiếm mất nhiều thời gian mà lẽ ra để dành cho học sinh. Từ đó dồn lại những vấn đề mà nếu phát hiện ra ngay thì có thể giải quyết rất đơn giản.
Ví dụ, ở Đức nhiều người không biết tính và đọc. Bởi ở đây, nếu bạn không thích toán thì không cần học, có thể học vẽ hay sinh vật. Nói chung, trường phổ thông Đức cung cấp một khối lượng thông tin rất lớn, nhưng ít kiến thức cơ bản.
Học sinh không mặc đồng phục
Ở Đức, học sinh không được bỏ học, việc đi học được theo dõi rất sát sao. Vào ngày cuối cùng của năm học, trước khi nghỉ hè, tại các sân bay diễn ra các cuộc lùng bắt của cảnh sát – vào ngày này, học sinh phải có mặt ở trường. Muốn nghỉ phải có lý do rất chính đáng và phải được hiệu trưởng cho phép.
Học sinh Đức không mặc đồng phục, ai thích gì mặc nấy, màu gì cũng được, thậm chí có em đeo khuyên mũi, xăm trổ đầy mình. Nói chung, người ta cố gắng không can thiệp vào các em, đặc biệt là các em ở tuổi vị thành niên, vì cho rằng mất thời gian vô ích.
Theo Kim Thanh Hằng
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC