Bà Bộ trưởng Gia đình Đức Franziska Giffey xin từ chức vì dính nghi án đạo văn (Ảnh: DPA).
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 19/5, trước đó, tuần báo Focus (Tiêu điểm) đã đưa tin rằng Đại học Tự do Berlin sẽ tuyên bố hủy bỏ bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị của Bộ trưởng Franziska Giffey, chính trị gia Đảng Xã hội đã giữ chức Bộ trưởng Gia đình Liên bang từ tháng 3/2018. Vào tháng 11/2020, bà được bầu làm chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Berlin và là ứng cử viên chính cho chức Thị trưởng Berlin.
Bà Bộ trưởng Franziska Giffey, 43 tuổi, nói rằng lý do bà quyết định từ chức là tranh cãi xung quanh tấm bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị. Bà nói, trong vài ngày qua, tranh cãi về luận án Tiến sĩ giao nộp vào năm 2010 của bà đã bùng phát trở lại; Đại học Tự do Berlin đã cho bà thời gian để đưa ra giải trình về những vấn đề tranh cãi chậm nhất là vào đầu tháng 6 và bà đã sẵn sàng chấp hành.
Bà Annette Schavan, cựu Bộ trưởng Giáo dục mất chức vì đạo văn (Ảnh: Deutsche Welle). |
Giffey cũng tuyên bố, "nhưng các thành viên của chính phủ liên bang, đảng chính trị của tôi và công chúng bây giờ có quyền được biết rõ ràng mọi việc. Về vấn đề này, tôi đã quyết định đề nghị Thủ tướng Liên bang yêu cầu Tổng thống bãi bỏ chức vụ Bộ trưởng Gia đình, Người cao tuổi, Phụ nữ và Thanh niên của tôi”.
Bộ trưởng Giffey cho biết dù đưa ra quyết định này nhưng bản thân bà vẫn kiên định quan điểm ban đầu, đó là bà không có gì phải hối hận đối với luận án Tiến sĩ của mình. Bà nói: "Nếu có sai sót trong luận văn, tôi rất lấy làm tiếc. Nếu Đại học Tự do đưa ra quyết định hủy bỏ bằng Tiến sĩ sau lần xem xét thứ ba, tôi sẽ chấp nhận quyết định này. Hôm nay tôi xin chịu hậu quả về các thủ tục kéo dài, mang lại gánh nặng cho người khác và do đó thực hiện cam kết của mình”.
Không từ bỏ tư cách ứng cử viên Thị trưởng Berlin
Jiffey nhấn mạnh rằng bà sẽ vẫn tiếp tục đầu tư cho cuộc bầu cử nghị viện ở Berlin tới đây với tư cách là ứng cử viên chính của Đảng Dân chủ Xã hội khu vực Berlin và sẽ tập trung tinh lực cho việc này.
Ông Karl Theodor Guttenberg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị mất chức năm 2011 vì đạo văn (Ảnh: Deutsche Welle). |
Vào tháng 2 năm 2019, công chúng biết rằng do nghi ngờ đạo văn, Đại học Tự do Berlin đã kiểm tra lại luận án Tiến sĩ của Bộ trưởng Giffey vào năm đó. Tháng 10/2019 kiểm tra xong, nhà trường ra văn bản phê bình. Vào tháng 11/2020, bà Jiffey tuyên bố từ nay đừng gọi bà là Tiến sĩ nữa. Sau đó, Đại học Tự do bắt đầu thẩm tra lại các luận văn của Jiffey; việc thẩm tra đã kết thúc. Theo một bài viết trên tạp chí tin tức "Focus", Đại học Tự do Berlin sẽ thông báo hủy bỏ bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị của bà Giffey.
Nhiều chính trị gia quan trọng Đức bị dính bê bối đạo văn
Đây không phải là lần đầu tiên một chính khách hàng đầu của Đức bị dính vào bê bối gian lận bằng cấp. Năm 2013, bà Annette Schavan, một chính trị gia Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang vào thời điểm đó, đã bị buộc phải từ chức do bị cáo buộc đạo văn trong luận án Tiến sĩ Giáo dục học của mình. Sau khi một blogger ẩn danh tung tin này, Đại học Dusseldorf đã kiểm tra lại luận văn 32 năm trước của bà Schavan và đưa ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ Giáo dục của bà. Với cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, việc bị mất học vị do gian lận học thuật thực sự là điều không hay ho.
Bà Silvana Koch-Mehrin, ngôi sao chính trị đang lên của Đảng Dân chủ Tự do Đức, phải chia tay chính trường do bê bối đạo văn năm 2011 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Một người khác là Bộ trưởng Đức đầu tiên bị buộc phải từ chức do bê bối đạo văn. Vào tháng 2/2011, Đại học Tổng hợp Bayreuth đã tước bằng Tiến sĩ Luật của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ là Karl Theodor Guttenberg sau một cuộc đánh giá học thuật. Chính trị gia của Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) này sau đó đã từ chức. Gutenberg từng là một ngôi sao trong Đảng CSU và được coi là ứng cử viên có tiềm năng cạnh tranh chức thủ tướng. Lúc đầu ông phủ nhận việc đạo văn, nhưng sau đó thừa nhận đã "mắc một sai lầm lớn trong nghiên cứu học thuật".
Một người khác dính bằng giả là thành viên Nghị viện Liên minh Châu Âu Jorgo Chatzimarkakis. Năm 2011, khi các chính trị gia gặp phải cao trào "chống gian lận học thuật", Đại học Bonn vào tháng 7/2011 đã tuyên bố sẽ thu hồi bằng Tiến sĩ Kinh tế của thành viên Đảng Dân chủ Tự do Liên minh Châu Âu Jorgo Chatzimarkakis vì một số lượng lớn nội dung đạo văn được tìm thấy trong các bài viết của ông. Nguyên nhân cũng là do một nền tảng chống gian lận tiết lộ. Chủ đề của bài báo được hoàn thành vào năm 2000 này là chính sách kinh tế toàn cầu. Chatzimarkakis, người mang hai quốc tịch Đức và Hy Lạp, từng là thành viên của Hội đồng Liên bang của Đảng Dân chủ Tự do và được bầu vào Nghị viện Châu Âu năm 2004.
Bà Ursula von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức và đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng bị cáo buộc đạo văn (Ảnh: Deutsche Welle). |
Nạn nhân tiếp theo là Ngôi sao mới nổi của Đảng Dân chủ Tự do Koch-Mehrin. Cuối năm 2011, Silvana Koch-Mehrin, ngôi sao chính trị đang lên của Đảng Dân chủ Tự do Đức, phải chia tay chính trường do bê bối đạo văn.
Sau khi Đại học Heidelberg xem xét lại luận án của bà, đã thu hồi bằng Tiến sĩ bà nhận vào năm 1998. Trước đó một tháng, nữ chính trị gia Đảng Dân chủ Tự do này đã từ chức Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do, Phó Chủ tịch Nghị viện và Thành viên Đoàn Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nghị viện châu Âu.
Bà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức và đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cũng bị cáo buộc đạo văn. Năm 2015, một nền tảng chống gian lận trực tuyến cáo buộc luận án Tiến sĩ của bà bị nghi ngờ là đạo văn.
Ursula von der Leyen đã yêu cầu Trường Y Hannover, nơi bà từng theo học, các chuyên gia và một cơ quan thanh tra trung lập xem xét các luận văn của bà.
Kết quả đánh giá được công bố vào năm sau đó cho rằng thực sự có một số vấn đề về sao chép của người khác trong luận văn của bà, nhưng chúng không nghiêm trọng; bà von der Leyen vẫn có thể giữ lại bằng Tiến sĩ của mình.
Thu Thủy
Nguồn: viettimes.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC