Xin giới thiệu tới các Bạn một góc nhìn của một Bạn trẻ Việt Nam về cuộc sống ở Đức, về cách sinh hoạt cũng như vài điều lạ lùng đặc trưng của người Đức
1. Ăn sáng bằng bánh mỳ
Người Đức vốn là một dân tộc thích ăn bánh mỳ. Có thể nói, nó đối với người dân ở đây giống như cơm của người Việt mình, ngày nào cũng có thể ăn nhiều bữa bánh mỳ mà không ngán, học sinh đi học mang thêm đồ ăn cũng là bánh mỳ cắt lát kẹp xúc xích hoặc pho-mát/phô-mai, nói chung từ người lao động đến người tri thức đều rất “nghiền”!
Khác với người Việt, người Đức thường ăn các đồ nguội vào bữa sáng và bữa tối, ăn kèm với bánh mỳ. Bữa trưa hầu như là bữa chính nên họ ăn nóng.
Nói về ẩm thực, người Đức có câu rằng:
„Esse morgens wie ein Kaiser, mittags wie ein König und abends wie ein Bettelmann!“ – nghĩa là:
“Hãy ăn sáng như một hoàng đế, ăn trưa như một vị vua và ăn tối như một kẻ ăn mày!” – để nói lên khẩu phần nên ăn của mỗi bữa.
Như vậy, ăn sáng theo quan niệm của người Đức là bữa ăn quan trọng nhất. Nó giúp người ta nạp đủ năng lượng để khởi đầu một ngày mới đầy lạc quan và vui vẻ! Các nước Bắc Âu lạnh giá như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển v.v… thường ăn sáng bằng những món “nặng bụng”, ví dụ bánh mỳ với phô-mai, xúc xích, trứng luộc, trứng đảo v.v…
Vài gia đình tôi quen biết thậm chí còn dậy sớm vào cuối tuần để tự tay nhào bột làm bánh mỳ. Tất nhiên, người Đức cũng thích ăn ngọt vào bữa sáng, nhất là bánh mỳ mạch đen (Roggenmischbrot) ăn với mứt nhừ.
Đặc biệt nhà nào có vườn thì hay tự làm mứt theo hoa quả từng mùa. Mỗi lần họ làm tới cả chục lọ, rồi đem tặng cho bạn bè, bà con làng xóm nữa.
2. Phơi quần áo đúng … công thức
Trong cuộc sống hàng ngày, người Đức có những “công thức” rất riêng và rất đặc biệt, nhưng chúng giống như “nguyên tắc bất thành văn” mà dường như ai cũng tuân thủ theo.
Một đặc điểm nổi bật mà tôi quan sát thấy và học được từ người Đức là “phong cách phơi quần áo” của họ:
Họ chia các dây phơi ra thành nhiều phần, mỗi một đoạn dây lại phơi một kiểu quần áo như nhau, quần dài đi với quần dài, áo đi với áo, đồ lót phơi chung với nhau, cả khăn và tất (vớ) cũng phơi gộp cùng chủng loại, thành từng đôi, chứ không phơi lung tung cái này lẫn lộn cái kia bao giờ.
Quả thật, khi bạn phải mang phơi quần áo thì cũng hơi mất công, nhưng khi rút quần áo lại đỡ được rất nhiều công đoạn.
Thêm vào đó, bạn sẽ rất dễ dàng tìm được đồ của mình, tất phơi theo từng đôi nên bạn sẽ nhanh chóng phát hiện chúng có bị thất lạc không v.v…
3. Lịch sự giống như … bộ quần áo để mặc!
Một thói quen đơn giản của người Đức nhưng cũng khá khác lạ so với nhiều người Việt là dù bất cứ ai, từ trẻ con đến người lớn, cũng đều rất lịch sự.
Những câu “cảm ơn”, “không dám” hay “xin lỗi” mà nhiều người Việt hay cho là “khách sáo”, thì lúc nào cũng thường trực trên môi người Đức, bất kể già trẻ lớn bé, và đúng là nếu không nói những câu đó thì bạn sẽ cảm giác như đang “trần truồng”, sẽ bị mọi người nhìn ngó và soi mói ngay! Trẻ em dù nhỏ đến mấy khi chào hỏi ông bà cũng bắt tay rất bình đẳng.
Thậm chí lúc nói chuyện với trẻ, người ta thường hay ngồi xuống để làm sao mặt đối mặt.
Từ bé, trẻ đã được học cách bày tỏ ý kiến của mình, dù đúng hay sai hay “khác người” thế nào trẻ vẫn được mọi người tôn trọng.
4. Hòa mình cùng thiên nhiên!
Người Đức có 3 đặc điểm mà có lẽ đi đâu bạn cũng thấy họ giống nhau:
- Thích ra ngoài hít thở không khí – Frische Luft schnappen;
- Hưởng thụ ánh nắng mặt trời – Die Sonne genießen
- Thích tổ chức các chuyến dã ngoại bằng xe đạp – Radtouren machen!
Trong nhà người Đức trồng rất nhiều cây xanh. Nhà nào không có đất làm vườn thì thường thuê một khoảnh riêng, mùa hè cả nhà lại cùng nhau ra đó trồng cây, chăm sóc hoa và nướng thịt.
5. Trân trọng các nghề thủ công và cả những món quà tự tay bạn bè làm tặng!
Các ngành nghề thủ công ở Đức đã có truyền thống rất lâu đời, càng nhiều tuổi và nổi tiếng thì các sản phẩm của họ càng đắt giá, từ thợ làm nhạc cụ, thợ kim hoàn, thợ đồng hồ đến thợ làm bánh mỳ, thợ mộc, thợ làm gốm sứ …
Nếu chơi thân với bạn người Đức, bạn sẽ được họ tự tay làm tặng những món quà nho nhỏ, có khi là tự ướp trà, tự móc những con thú treo chìa khóa be bé, có khi lại tự vẽ tranh, tự làm vòng đeo tay v.v…
Không chỉ bạn thời học sinh mới làm thế đâu nhé, nếu bạn sống hòa đồng và vui vẻ với hàng xóm, bạn cũng sẽ rất nhanh nhận những món quà như vậy.
Bạn có thể thấy không là gì, nhưng đối với họ, khi bỏ công sức và tâm huyết để làm ra chúng, nghĩa là họ thật sự rất yêu quí và trân trọng bạn, coi bạn như một “món quà có một không hai”, không thể tìm ở đâu khác.
6. Hưởng thụ mùa Giáng Sinh Đức!
Có thể nói lễ Giáng Sinh ở Đức là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm, còn quan trọng hơn cả Năm Mới, giống như dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam mình vậy. Khá đặc trưng phải kể đến kỳ Advent (Adventszeit) là quãng thời gian trước Noel mà người người háo hức, nô nức chuẩn bị mọi thứ.
Người ta bắt đầu làm bánh Plätzchen hoặc cầu kỳ hơn là Stollen, mua quà, lên kế hoạch cho những ngày nghỉ và tranh thủ đi thăm các chợ Noel với những phong tục, tập quán nổi tiếng trong vùng, rồi còn viết thiệp gửi đi chúc mừng nhau.
Thời kỳ Advent vì thế mà chẳng khác nào một lễ hội đặc biệt. Advent hàng năm thường bắt đầu bằng ngày chủ nhật đầu tiên từ sau ngày 26.11., hay nói cách khác, đó là ngày chủ nhật đầu tiên trong số 4 ngày chủ nhật trước khi đến ngày 25.12. (1.Weihnachtstag) – năm nay, 1. Advent sẽ rơi vào ngày 29.11..
Trải qua rất nhiều năm, tùy theo tập tục các vùng mà lễ hội Advent cũng dần có những nghi lễ khác nhau, như những lễ diễu hành, những buổi trình diễn thánh ca, những đêm tưởng niệm cuối năm, trong đó có lễ hội Thánh Nikolaus dành cho trẻ em (6.12.) hay ngày Nữ Thánh Barbara cũng rất đặc biệt (4.12.) … Tất cả đều thể hiện thế giới tâm linh đa thần thánh của tổ tiên người Germani (Teutons).
Biểu tượng quan trọng nhất của những phong tục, tập quán này chính là ánh sáng, được thể hiện qua ngọn lửa và ánh nến mà từ xa xưa, người Đức thời cổ đại đã thích thắp lên khắp nơi trong nhà vào những tháng mùa đông, nhằm đuổi đi tà ma, quỷ dữ khi bóng đêm và sự lạnh giá bao phủ khắp nơi.
Như vậy, nến là thứ không thể thiếu trong kỳ lễ Advent và vào dịp Giáng Sinh.
Vào ngày Chủ nhật 1.Advent, người ta bắt đầu thắp lên ngọn nến đầu tiên, và cứ thế mỗi ngày chủ nhật tiếp theo lại thắp thêm một ngọn nến, cho đến khi 4 ngọn nến cháy hết thì cũng là lúc người ta sẽ thắp sáng cây Noel.
Theo truyền thống thì phải đến chiều ngày 24.12., Heiligabend, người ta mới bắt đầu trang trí cây thông bằng những hình thiên thần, những quả cầu thủy tinh đủ màu sắc, cũng như rất nhiều hình thù khác nhau nữa như hình sao, hình bông tuyết, hình bánh gừng (Lebkuchen), và quan trọng nhất là những ngọn nến hoặc chuỗi đèn thắp sáng được mắc xung quanh cây …
Cẩm Chi - Những nẻo đường nước Đức
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC