Những thói quen tôi KHÔNG học từ người Đức

Các bạn hiện đang sống ở Đức chắc chắn có thể quan sát thấy dân Đức đi chợ vào các thứ 6, thứ 7 hàng tuần như thế nào:

Xe hàng chất cao và hầu như ai cũng lăm lăm một tờ danh sách!!

Họ mua khá nhiều đồ đông lạnh, đồ hộp, nước uống và các sản phẩm từ sữa.

cover 1589427 640

1. RỬA BÁT “KIỂU ĐỨC”

Tuy lúc đó là một đứa trẻ, nhưng tôi còn nhớ như in những ngày đầu mới cùng gia đình sang Đức, có lần đến nhà một bác kia ăn cơm, xong xuôi thì mẹ bảo tôi giúp bác rửa bát đĩa.

Bác ấy gạt đi và bảo:

“Bác làm nhanh lắm, học của người Đức đấy, ra bác chỉ cho!” Vậy là bác ấy hứng đầy một bồn nước, cho khá nhiều nước rửa bát vào và bắt đầu rửa.

Tôi đang nghĩ có gì khác người Việt đâu thì đã thấy bác ấy úp ngay từng chiếc bát, đĩa lên giá để bên cạnh, rồi bác bảo tôi lấy khăn lau cho khô. Quả thật tôi rất ngỡ ngàng Tôi ấp úng hỏi:

“Bác … rửa vậy có … bẩn không ạ?”

Bác ấy cười ha ha rồi diễn thuyết cho tôi nghe một bài dài về nước rửa bát của Đức, nào là nó vừa sạch vừa không hại da, nào là người ta còn rửa tay được nữa cơ ấy, nào là người Đức chỉ rửa vậy thôi vì họ lau luôn nên không cần tráng làm gì cho tốn nước, hại môi trường vân vân và mây mây

Thế nhưng đã hơn 20 năm trôi qua tôi vẫn không thể quen với việc rửa bát như vậy, mặc dù khi đến nhà bạn Đức tôi vẫn “nhập gia tùy tục” (nhưng thông thường người Đức lại toàn dùng máy rửa bát nên cũng không rửa tay nữa rồi ạ!!).

Còn trước đây, khi nhà tôi chưa “học theo người Đức” tậu máy rửa bát, thì tôi vẫn cứ theo công thức “một lần bằng nước rửa bát – một lần tráng”, bởi tôi luôn cảm thấy chỉ như vậy bát đĩa của mình mới sạch mỡ và khử triệt để mùi nước mắm.

Các bạn hãy thử và cùng chia sẻ kinh nghiệm nhé!

2. WANDERN - đi hành quân việt dã

adventure 1839147 640

Một trong những sở thích chung của người Đức mà tôi luôn … “tránh xa” là “đi hành quân việt dã”, tiếng Đức gọi là “wandern”, kiểu như một hội đoàn hay tập thể bạn bè nào đó, có được ngày nghỉ thì họ liền rủ nhau … “tay bị tay gậy” … “trèo đèo lội suối” đi ngắm núi non sông hồ vậy đó!!

Để thực hiện được sở thích này, người Đức không những dành rất nhiều thời gian “nghiên cứu” những đoạn đường mòn, chạy ngoằn nghoèo qua rừng qua núi, thậm chí họ còn đầu tư khá nhiều tiền để mua những bộ quần áo và giầy dép, khăn, mũ, túi … phù hợp nữa.

Đặc biệt, ở Đức còn có Hội “Wanderverband” dành riêng cho những người cùng chung sở thích này (www.wanderverband.de) bạn nào có nhu cầu thì vào trang mạng của hiệp hội này để tham khảo thêm nhé!

3. CHỈ THÍCH ĐI DU LỊCH MỘT NƠI HOẶC THEO MỘT KIỂU

Tôi quen và chơi với nhiều bạn Đức ở đủ mọi lứa tuổi và sinh sống nhiều nơi khác nhau, ngoài ra, qua các câu chuyện của hàng xóm láng giềng thì tôi có thể nói rằng, người Đức khá sợ thay đổi, nhất là khi họ rời khỏi nước Đức.

Có những gia đình hàng mấy chục năm chỉ đi du lịch đến đúng 2 điểm:

nghỉ đông thì đi Ostsee (Biển Đông) mà nghỉ hè thì sang Mallorca (Tây Ban Nha);

có nhà thì thích tự đi kiểu camping và cứ đến hè là họ “khăn gói quả mướp” chạy xe hơn 11 tiếng (từ bang Sachsen) qua Áo rồi Ý để sang Kroatien (Croatia) cắm trại; người khác thì lại thích đi Thổ Nhĩ Kỳ và năm nào cứ vừa đi chơi về là họ lại đặt ngay chỗ đó cho năm sau luôn.

Nếu có dịp đi du lịch quanh Châu Âu, các bạn sẽ thấy dân bản xứ ở rất nhiều điểm du lịch giỏi tiếng Đức như dân từng sống ở Đức vậy, thậm chí họ còn có thể “khoanh vùng” đâu là nơi người Đức thích và đến nhiều nhất nữa.

Người Đức hay lựa chọn một nơi duy nhất để đi trong kỳ nghỉ có lẽ vì họ vừa lo sợ gặp phải những phiền phức và bất tiện, nên cứ thấy ở đâu hay, tốt, đẹp, rẻ … là không muốn thay đổi gì luôn.

Hơn nữa, họ cũng không muốn trong kỳ nghỉ ngắn ngủi phải làm quen với quá nhiều thứ, kiểu mất thời gian quá hay sao ấy??!!

Vì lặp đi lặp lại hàng năm như vậy nên nhiều người còn quen thân với hàng xóm láng giềng nơi họ đến nghỉ như họ hàng, thỉnh thoảng gửi quà, gửi thư cho nhau, quan tâm đến gia đình, con cái nhau …

Tất nhiên, cũng là một cách sống khá hay, tuy nhiên, đối với tôi thì du lịch là khám phá, là những trải nghiệm trên đường đi, vì vậy mà có dịp đi nghỉ tôi thường chọn những nơi khác nhau để có thể học hỏi, để nhìn thấy nhiều cái mới cái lạ hơn, đơn giản vậy thôi.

4. ĂN HOA QUẢ CHÍN NHŨN

Thói quen ăn hoa quả còn xanh, cứng, chua chua giòn giòn rồi chấm muối ớt của người Việt là một sở thích mà chắc vĩnh viễn tôi chẳng thể bỏ được 

Thế nhưng người Đức thì khác! Có hai loại quả họ thích ăn giòn và xanh là táo và … chuối  – đúng vậy, đối với họ thì “chuối chín trứng cuốc” là chuối đã cũ rồi và người Đức nói rằng, ăn lúc đó sẽ cảm thấy chuối bị lên men, không còn độ ngọt nữa. Còn các loại hoa quả khác thì hầu như họ để cho chín mềm, thậm chí là nhũn nhũn mới thích ăn – khó thích nghi thật!!!

5. ĐI CHỢ CHO CẢ TUẦN

20170516 11 22 0 1

Foto: healthmeup.com

Nhiều gia đình người Đức thường có thói quen đi chợ – khác hẳn người Việt – là một tuần chỉ đi chợ một, nhiều nhất là hai lần. Họ là những người thích lên kế hoạch, nhất là trong việc chi tiêu, mua sắm, vì thế họ thường đi chợ một lần trong tuần để có thể bao quát được mức chi của gia đình.

Và tất nhiên, vì họ mua đồ ăn cho cả tuần như vậy nên người Đức rất rành cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và dưới hầm, ví dụ những hộ gia đình thường có tủ đông lạnh to đặt riêng dưới hầm, hoa quả, rau dưa cũng được cất theo các ngăn hoặc khay dưới đó, thậm chí là có cả ngăn để các loại đồ hộp.

Họ tuân thủ qui tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một cách rành rọt, có người mở đồ gì ra là ghi chú ngày tháng cẩn thận.

Người Việt hay cho rằng đồ đông lạnh không tươi mới như khi ta mua trực tiếp ngoài hàng thịt, hàng rau, nhưng thực tế thì ngược lại, bởi những đồ đông lạnh của Đức thường được đóng đá theo phương pháp “Schockgefrieren” – nôm na là “đóng đá đột ngột”, nghĩa là chỉ trong vòng vài phút đã đạt mức -18°C.

Phong cách sống này cộng thêm xu hướng mở những trung tâm buôn bán lớn tại các khu vực ngoại ô thành phố khiến vô số doanh nghiệp nhỏ và truyền thống trong nhiều thành phố bị phá sản, bởi người dân thích chạy xe đi shopping, kết hợp mua sắm ở những khu siêu thị to lớn như vậy luôn

Nói chung là một thực trạng khá buồn và tôi rất hi vọng có nhiều người nhận thấy để cải thiện tốt hơn …

 

 

 

Theo: Cẩm Chi - FB Những nẻo đường nước Đức

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan