Theo kết quả từ cuộc khảo sát do tờ Bild của Đức tiến hành và công bố hôm 7-11, một nửa số người dân Đức được hỏi cho biết họ sợ không có đủ tiền để sống sót về mặt tài chính trong mùa đông tới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày một trầm trọng.
Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu INSA Đức thực hiện cho thấy hầu hết những người được khảo sát tin rằng các biện pháp cứu trợ của chính phủ để giảm bớt tác hại của cuộc khủng hoảng năng lượng là không đủ.
Chỉ 36% người được hỏi cho biết họ tin các biện pháp của chính phủ sẽ giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng.
Trước đó, vào cuối tháng 10, một cuộc thăm dò khác cũng của INSA cho thấy hơn một nửa số người dân Đức tin rằng Thủ tướng Olaf Scholz không đủ sức đối mặt với những thách thức mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy khoảng 1/3 người được hỏi (31%) thừa nhận họ sẽ không thể mua bất kỳ món quà Giáng sinh nào cho người thân trong mùa lễ năm nay do thiếu tiền.
Bên cạnh đó, hơn 1/4 người được khảo sát (28%) cho biết họ sẽ không thể tiếp tục thanh toán hóa đơn điện nước trong những tháng tới. 1/5 người cũng lo sợ về công việc của mình trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng tiếp tục diễn ra.
Những cuộc khảo sát trên được tiến hành trong thời điểm Đức đang vật lộn với tình trạng thiếu năng lượng, một phần nguyên nhân do Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm phản đối chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.
Cuộc khủng hoảng đã đẩy giá dầu và khí đốt lên cao, làm dấy lên lo ngại về một “mùa đông lạnh giá” có khả năng xảy ra trên khắp nước Đức.
Vào tháng 10, chính quyền Berlin đã công bố một kế hoạch trị giá 200 tỉ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp cũng như các hộ gia đình trong suốt mùa đông.
Kế hoạch này đặc biệt chú ý việc trợ cấp nguồn lượng năng lượng nhất định cho các hộ gia đình và các công ty để hạn chế tác động của giá khí đốt tăng cao và việc thiết lập giới hạn giá năng lượng. Tuy nhiên, đến nay khối lượng năng lượng chính xác sẽ được trợ cấp vẫn chưa được tiết lộ.
Nguồn: plo.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC