Nói về tính cách của người Đức

Có một anh người Việt giọng miền Trung hỏi tôi là ở Đức bao lâu và sau đó là hàng loạt câu hỏi làm tôi hơi bất ngờ đó là : " Có đi làm gì không đó " " Lương bao nhiêu?" , "Có giàu không vậy ?"..v..v .

bochum 1587977 640

Bao lâu nay cứ mải mê nói về phong cảnh và cuộc sống của nước Đức mà quên mất nói tới sự khác nhau về tính cách giữa người Đức và người Việt .

Mới nghe về tính cách của người Đức và người Việt, chắc thế nào cũng có người cho đó là một sự so sánh khập khiễng.

Vì hai tính cách khác nhau do giữa Đức và VN là hai nước có một nền giáo dục và văn hóa hoàn toàn khác

Cho nên cũng chẳng có gì khó hiểu vì mỗi đất nước đều có tính cách riêng biệt , đôi khi cách sống của Á châu chỉ phù hợp với VN nhưng sang Âu Mỹ lại không phù hợp, và ngược lại nếu đem lối sống và tính cách Âu Mỹ đưa sang VN áp dụng thì có khi lại khó được chấp nhận ...

Nhưng thôi , đó là chuyện về văn hóa và bản sắc thì tạm thời không nói tới Mà cái tôi muốn nói ở đây là tính cách khác nhau giữa người Đức và người Việt

Tôi vẫn biết rằng mỗi một đất nước đều có một cách sống và nền văn hóa không giống nhau, nhưng riêng bản thân tôi vẫn luôn thích cách sống cũng như tính nói thẳng nói thật của người Đức hơn.

Cái gì không thích thì nói không thích hoặc không tới được thì cứ nói không tới. Chứ đừng vòng vo tam quốc hay giải thích dài dòng cho mất thời gian

Về việc giờ giấc thì người Đức luôn đúng hẹn, nếu họ mời nhau tới nhà hay đi uống Kaffee thì phải nói trước vài tuần, để họ sắp xếp thời gian hay xem lời mời của bạn có trùng với ngày đi đâu của họ với gia đình hay không, rồi sau đó họ sẽ gọi điện nhận lời hoặc từ chối.

Cho nên trong thư mời luôn có câu ::

" Wenn Du nicht kommen kannst , gib mir bitte bis zum ....Bescheid. Telefonnummer :123...( Nếu bạn không thể tới được thì từ đây cho tới ngày ....hãy báo cho tôi biết .)

Đa số người Việt sống ở Đức không quan tâm lắm chuyện tới hay không tới , nhưng đối với người Đức thì dù bạn tới hay không cũng phải báo cho họ biết để họ mua thêm phần của bạn hoặc không phải mua nếu bạn không tới được.

Còn nếu cứ lơ lửng con cá vàng hoặc chẳng nói năng gì cả thì họ sẽ chẳng bao giờ mời bạn tới lần sau nữa 

Khác với người Việt thì bạn bè và đồng nghiệp đều coi như nhau, nhưng người Đức thì khác. Đồng nghiệp là đồng nghiệp mà bạn bè là bạn bè . Hai cái hoàn toàn khác nhau không thể lẫn lộn được.

Tôi thường thấy khi người Đức và đồng nghiệp nói chuyện với nhau, thì đề tài về công việc thường được đề cập đến nhiều nhất trong cuộc trò chuyện, còn chuyện gia đình thường ít khi được họ nhắc tới.

Còn riêng với bạn bè thì họ mới kể cho nhau nghe về chuyện gia đình và cuộc sống là chủ yếu.

Còn những chuyện về công việc cũng được nói đến nhưng ít hơn . Đó là đặc điểm riêng biệt của người Đức về bạn bè và đồng nghiệp

Người Đức ít khi nào quan tâm đến cuộc sống riêng tư cũng như không bao giờ hỏi những câu liên quan tới tiền lương và nhất là những câu hỏi mang tính chất tò mò như

  • " Sao li dị vậy?" ,
  • "Lương tháng bao nhiêu?",
  • "Chừng nào lấy chồng/vợ?"( vì những câu như vậy chỉ dành cho người trong gia đình hay bạn bè hỏi) .

Có thể đối với người Việt thì đó là những câu bình thường và ai cũng có thể hỏi được, nhưng đối với người Đức thì lại là chuyện riêng của họ, nếu bạn lỡ miệng hỏi mà gặp người dễ tính thì không sao,nhưng đa phần họ sẽ khó chịu và thường trả lời ngắn gọn.

Riêng bản thân tôi đã từng gặp một chuyện vô cùng hài hước khi bị hỏi về chuyện riêng tư.

Đó là một lần lên Sứ Quán VN để xin Visa về VN.

 Nếu chỉ là bạn bè hoặc đồng nghiệp mà rủ nhau đi uống Kaffee thì tiền ai nấy trả , còn nếu không có tiền thì cứ nói không có và có thể không đi .Nhưng thông thường thì bạn bè hoặc đồng nghiệp họ sẽ trả cho bạn lần này , và lần sau bạn mời họ đi rồi bao lại là xong .

Còn trong cuộc sống vợ chồng,thì họ đều có sự tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ như thư từ gởi đến mà đề tên chồng hoặc vợ thì người chồng hoặc vợ để nguyên vậy chứ không được tự ý mở ra, trừ khi thư đó đề tên cả chồng lẫn vợ.

Cũng không tự nhiên lục ví chồng hay kiểm tra giỏ xách của vợ, vì họ quan niệm là không phải đồ của mình thì không nên đụng tới .

Không biết mấy bạn lấy chồng hay vợ Đức thế nào, chứ một lần, có chị người Việt phàn nàn với tôi về ông xã người Đức đã "mắng" chị là tại sao mở thư của chồng ra ,vì trên thư đâu có đề tên chị hay bực bội về việc tự ý mở ví của anh ta ..v. v

Đối với người Việt thì khi đã là vợ chồng thì chuyện đó bình thường, nhưng đối với người Đức thì lại là những việc không nên làm như mở thư hay tự ý mở ví chồng .

Ngay trong gia đình tôi , trừ khi một trong hai người phải đi công tác dài ngày, thì tôi hoặc ông xã mới mở thư của nhau ra xem, vì để biết có việc gì còn kịp thời báo cho người kia biết.

Còn bình thường thì thư chồng chồng đọc còn thư vợ vợ đọc. Trừ những thư đề tên chung của hai người thì ai mở cũng được

Nói chung, tính cách của người Đức là như vậy, luôn đơn giản:

không tò mò chuyện người khác và cũng chẳng quan tâm đến đời tư của ai trừ khi người kia tự nói ra.

Cho nên, muốn hiểu thêm nhiều tính cách Đức và cuộc sống của người Đức, thì điều trước tiên phải biết tiếng thì mới dễ dàng tiếp cận và hiểu thêm về nền văn hóa cũng như tính cách Đức, thì mới biết tính cách đó hay dở thế nào .

Chứ chỉ một vài dòng ngắn ngủi được tóm gọn trong bài viết này về tính cách của người Đức thì làm sao hiểu hết được về họ 

Andere Länder , andere Sitten

Nguồn: An Thanh Le - Trang FB cá nhân

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan