Foto: Quy tắc bàn tay phải để ghi nhớ cách nhường đường cho xe ưu tiên ở Đức. Ảnh: ADAC
Xuất hiện đầu những năm 2010, "Rettungsgasse" - từ tiếng Đức có nghĩa làn cứu hộ, hay làn đường tự do, là thứ có thể cứu mạng ai đó bởi các loại xe ưu tiên như xe cấp cứu có thể chạy xuyên qua ngay cả những đoạn tắc đường.
Đến 2016, làn cứu hộ đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong tiếng Đức và có trong luật giao thông tại quốc gia Tây Âu, được áp dụng ở cả quốc gia láng giềng là Áo. Quy tắc đơn giản nhưng hiệu quả, với làn cứu hộ là khoảng trống giữa làn đường ngoài cùng bên trái và những làn còn lại.
Cụ thể, với đường có ít nhất hai làn ở mỗi chiều, làn ngoài cùng bên trái sẽ dạt hết mức sang trái, trong khi những làn còn lại dạt hết mức sang phải và tất cả dừng lại nhường xe ưu tiên đi qua. Để dễ nhớ, có thể gọi là quy tắc bàn tay phải, với làn ngoài cùng bên trái sẽ giống ngón tay cái, và những làn còn lại như các ngón tay còn lại. Làn cứu hộ sẽ là khoảng cách giữa ngón cái và các ngón còn lại.
Ở Đức, cũng giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, có làn đường khẩn cấp. Nhưng xe ưu tiên ít khi chạy ở làn khẩn cấp, chỉ trừ những quãng đường ngắn và không phải đang làm nhiệm vụ. Nguyên nhân là làn khẩn cấp hoàn toàn có thể gặp chướng ngại vật, như một ôtô hỏng đang đỗ để chờ cứu hộ.
Nguyên tắc làm đường ở Đức cũng tính đến cả khoảng trống của làn cứu hộ, để dù đường tắc nhưng khi các làn xe dạt hết sang hai bên vẫn đủ không gian cho xe ưu tiên đi qua.
Ngoài ra, khi xe ưu tiên đầu tiên đi qua, các xe vẫn phải giữ trạng thái đứng im như cũ, phòng trường hợp còn những xe tiếp theo phía sau.
Tài xế không kịp thời tránh sang bên để tạo ra làn cứu hộ có thể bị phạt 850 USD, còn nếu cản trở xe ưu tiên, mức phạt tới 2.600 USD.
Mỹ Anh (theo ADAC, Wikipedia)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC