Đơn giản là vì ở những nước công nghiệp như Đức, máy móc thay thế nhân công. Trước kia để gặt một cánh đồng lúa, người ta cần 100 người nông dân còng lưng đi gặt, thì nay đã có máy gặt tự động, chỉ còn cần đúng một người điều kiển cỗ máy. Tức là 1 người và cỗ máy có thể tạo nên của cải vật chất tương đương với sức của 100 người ở những nước nông nghiệp nghèo nàn.
Làm bánh Brezel cũng vậy. Bình thường phải có 10 người làm các công đoạn trộn bột, nhào bột, tạo form…. Nhưng giờ thì chỉ cần đúng 1 người điều khiển hệ thống máy sản xuất Brezel nữa thôi.
Đó là lí do vì sao dân số Đức không bằng dân số Việt Nam, nhưng thu nhập bình quân đầu người gấp 24 lần, mà giá cả thực phẩm thì nhìn chung cũng không hề đắt hơn những nước nông nghiệp.
Là bởi nền kinh tế của họ hiệu quả hơn ta rất nhiều, và nhờ vậy tạo ra được nhiều của cải vật chất
.Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc, vô vàn những người gặt lúa, thợ làm bánh, công nhân sx oto, vv… bị máy móc, robot thay thế. Họ sẽ bị thất nghiệp một thời gian, phải được đào tạo sang một nghề khác, học những ngành nghề mà máy móc chưa thể thay thế.
Điều này cần thời gian. Thậm chí, có những người quá nản chí vì bị sa thải, họ bỏ cuộc và không bao giờ đi làm lại được nữa.Đó là lí do tại sao những nước như Đức có hệ thống trợ cấp xã hội.
Thứ nhất là nền kinh tế gánh vác được, thứ hai, là để cho những người kém may mắn bị thất nghiệp có cơ hội làm lại cuộc đời.
Và thứ 3, là để những người thất nghiệp dài hạn ít ra được sống một cuộc sống đàng hoàng, ở mức tối thiểu. Đó cũng là cách để giữ an ninh cho xã hội.
Bởi thường thì ít ai đi ăn cướp, ăn cắp nếu không bị số phận đẩy đến đường cùng.
Khi những người cơ nhỡ, kém may mắn không phải chịu cảnh đói ăn, không phải vô gia cư, chịu nhục ăn xin, thì khả năng họ bị đẩy vào con đường tội phạm cũng thấp hơn rất nhiều.
Nhiều người Việt mới sang hay chỉ trích hệ thống trợ cấp xã hội của Đức nói riêng và Châu Âu nói chung.
Họ không hiểu được tại sao nhà nước Đức lại thu thuế của dân lao động ở mức cao để “nuôi bọn lười biếng ăn không ngồi rồi”.
Thực ra đằng sau đó là sự tính toán rất kĩ càng. Nếu nộp mức thuế thấp, xã hội không nuôi những người cơ nhỡ, nhưng người dân ra đường lúc nào cũng phải nơm nớp sợ ăn cướp ăn cắp, cảnh sát luôn phải lo dẹp loạn, thì rốt cục chi phí chung mà xã hội phải gánh cũng đắt đỏ bằng huề.
Nguồn: Hoàng Hà Phan
Link gốc: http://vnwok.de/2017/04/tai-sao-duc-co-thong-tro-cap-xa-hoi-tot/
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC