Tại sao nhiều người sống ở Đức rất lâu mà không cần biết tiếng Đức? Việc người nước ngoài có nên học tiếng Đức hay không, sau khi đã sinh sống ở nước sở tại một vài năm đang là chủ để được nhiều người bàn tán
Ảnh: dpa
Tiếng Anh ngày càng phổ biến tại Đức.
Jens Spahn, một chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Kitô giáo, từng nói việc tiếng Anh trở nên phổ biến tại Đức là một trở ngại đối với người bản địa không biết tiếng Anh và với cả người ngoại quốc đang học tiếng Đức.
Điều này đã dấy lên những cuộc tranh luận về việc người nước ngoài có nên học tiếng Đức hay không, sau khi đã sinh sống ở nước sở tại một vài năm.
Một cuộc thăm dò trên Facebook được tiến hành bởi báo The Local. Kết quả là 43% người tham gia cho biết người ngoại quốc nên học tiếng Đức, trong khi 7% lại cho rằng điều đó không cần thiết. Các nhà báo đã liên lạc với nhóm 7%, để tìm lời giải thích.
Martha Numata, một nữ y tá người Mỹ, hiện đang sống tại vùng Tây Nam Đức, cho biết cô cảm thấy bình thường và không gặp trở ngại gì kể cả khi không nói được tiếng Đức.
Numata hiện đã và đang làm việc cho một hãng hàng không Mỹ có trụ sở tại Rhinelannd – Palatine, Kaiserlautern.
“Phần lớn người Đức tôi làm việc cùng đều biết tiếng Anh. Tôi gặp các bác sĩ người Mỹ và một nha sĩ người Đức nhưng anh ta cũng nói tiếng Anh. Học tiếng Đức rất khó. Nếu muốn sống ở đây lâu dài, bạn nên học. Tuy nhiên, bạn sẽ vẫn sống tốt kể cả khi không biết tiếng Đức.”
Ảnh: dpa
Rất nhiều người ngoại quốc đã sinh sống rất lâu tại Đức mà không cần phải biết ngôn ngữ nước sở tại.
Trong khi một số người cảm thấy việc học một ngôn ngữ mới là không cần thiết, số khác tuy có động lực, nhưng lại không có cơ hội thực hành.
Anthony, đến từ Canada, đã theo học khoá tiếng Đức khi chuyển đến đây 2 năm về trước.
“Khi tôi nói tiếng Đức, người Đức sẽ chuyển qua nói tiếng Anh,” Anthony cho hay. Điều này khiến anh thấy tự ti và vì thế mà lười học hơn.
Anthony đang học thạc sĩ bằng tiếng Anh và tất cả bạn bè ai nấy đều nói tiếng Anh. Cuộc sống đối với anh vẫn khá dễ dàng kể cả khi trình độ tiếng Đức của mình còn “non.”
Mặc dù vậy, Anthony thừa nhận đôi khi mình có gặp trở ngại khi làm việc với chính quyền hoặc khi gặp bác sĩ. Và anh cũng cảm thấy áy náy vì chưa thể hoà nhập hoàn toàn với nơi đây sau một thời gian dài như vậy.
Alicia, 31 tuổi, cùng chồng rời Mỹ để đến Braunschweig một năm về trước, cũng không sử dụng tiếng Đức nhiều trong đời sống hàng ngày.
Dù trình độ tiếng Đức không đủ để giúp cô tạo dựng các mối quan hệ, Alicia không coi đó là vấn đề lớn bởi phần lớn bạn bè cô cũng là người ngoại quốc.
Quả thực, nhiều người vẫn sống rất ổn trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỉ mà chẳng cần học tiếng Đức.
Nhạc công Jerry Tilitz, đã sống ở Đức hơn 30 năm, cho biết ở Hamburg, anh cũng không cần phải dùng tiếng Đức bởi đồng nghiệp đều nói tiếng Anh. Tilitz không phải là trường hợp hiếm hoi. Có vô vàn người ngoại quốc ở Đức vẫn sống bình thường nhờ tiếng Anh.
Nói đến sự phổ biến của tiếng Anh thì phải nhắc đến Berlin. Không một thành phố nào ở Đức lại có nhiều người nói tiếng Anh như ở thủ đô. Tiếng Anh thịnh hành đến nỗi nhiều công việc giờ đây cũng đòi hỏi nhân viên phải biết thứ tiếng này.
Một số người không biết tiếng Đức, đơn giản vì họ không muốn học.
Louisa, một phụ nữ người Anh 42 tuổi có thể nói tiếng Pháp và Thuỵ Điển, cho biết cô thích dành thời gian cho con cái hơn là học một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, cô cũng dự định theo học lớp tiếng Đức bởi cô thấy rất khó xoay sở nếu không biết ngôn ngữ của nước sở tại, kể cả trong một thành phố như Berlin.
Giống như Anthony, Alicia hay rất nhiều người ngoại quốc khác, Louisa ngại đầu tư thời gian cho việc học tiếng Đức bởi suy cho cùng, dù có học hay không, mọi chuyện sẽ vẫn diễn ra bình thường.
Nhưng theo cô, để có một cuộc sống trọn vẹn tại đất nước này, bạn nên học tiếng Đức.
“Đó là một phần quan trọng của quá trình hoà nhập và thích nghi,” cô nói.
©Khánh Linh - Tạp chí NƯỚC ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC