Hôm qua , đi xem con gái và bạn bè của con diễn một vở kịch " Cỗ máy thời gian " , vở kịch nói về một nhà nghiên cứu đã làm ra một cỗ máy có thể quay ngược về quá khứ hay tương lai , và vì tò mò . con gái ông ta đã bấm sai nút và cỗ máy đã đưa ba người nổi tiếng trong lịch sử trở về thế giới hiện đại. Trong số ba người thì có hai nhà soạn nhạc nổi tiếng đó là Mozart và Beethoven...và từ đó có nhiều điều thú vị xảy ra xuyên suốt vở kịch Tuy diễn không được như chuyên nghiệp , nhưng đội kịch nghiệp dư vẫn nhận được sự chào đón và những tràng vỗ tay nồng nhiệt của những phụ huynh và các bạn cùng trường.
Khi tan buổi diễn , lúc vợ chồng tôi đứng chờ con gái để cùng ra về , thì những thanh thiếu niên khoảng 17,18 tuổi , đứng tập trung một chỗ để hát và nhảy múa theo tiếng nhạc , bất chấp ngoài trời âm độ. Nhìn chúng rất hồn nhiên và vô tư cộng thêm sự thoải mái và tự nhiên vốn sẵn có ở xã hội Âu châu , khiến cho tôi cũng cảm thấy như vui lây với niềm vui của những người trẻ tuổi .
Theo lời con gái của tôi , thì bạn bè của nó luôn có một kế hoạch cho tương lai , có nghĩa là khi tốt nghiệp xong trung học (Abitur) , thì chúng sẽ chọn cho bản thân nhiều con đường khác nhau , đứa thì học nghề , đứa thì học tiếp đại học ..v..v nhưng đa số lại chọn cho mình ra nước ngoài sống tự lập khoảng một năm , để thu nhập thêm kinh nghiệm về cuộc sống. Đó là một điều làm tôi rất ngạc nhiên vì trong số đó , có những đứa là con một , nhưng lại chọn cho bản thân một con đường không mấy phẳng lặng để thử sức mình ,và khi tôi hỏi chúng ..." Ra nước ngoài sống một mình , không có gia đình hay người thân bên cạnh , không thấy buồn và cô đơn sao ?"
Khi nghe câu hỏi của tôi thì chúng nhìn tôi bằng cặp mắt rất lạ và nói ngắn gọn .." Không ...mà ...tại sao ?"
Có một điều phải công nhận , nền giáo dục của châu Á, nhất là Hàn Quốc và Nhật bản , đã tạo cho trẻ em một áp lực nặng nề ,vì luôn câu nệ và mang nặng truyền thống trong giáo dục , khiến cho những đứa trẻ đó mất hết sự hồn nhiên, và khi lớn lên , chúng trở nên chậm chạp và không tự làm chủ được về tương lai như trẻ em ở Âu Mỹ , mặc dù Hàn quốc và Nhật bản là hai quốc gia giàu có và hiện đại , nhưng dù sao , châu Á vẫn cứ là châu Á . Có thể những nhận xét của tôi về Nhật và Hàn quốc hơi chủ quan , nhưng đáng tiếc , sự thật vẫn là sự thật ....
Còn truyền thống VN là "ba đồng bốn đại " , mang nặng tính chất bao bọc ,không tạo cho con cái một chút độc lập và tự do tư tưởng , nên hậu quả là khi những người trẻ tuổi bước chân ra nước ngoài , gặp chút khó khăn là kể khổ ầm ĩ , nào là thương cha nhớ mẹ hay ở Đức lạnh quá , nhớ và nhớ quá ..v..v
Mà khổ nỗi , mùa Đông ở Đức thì đương nhiên lạnh rồi , đâu thể vì bị kêu ca mà thời tiết thay đổi theo ý muốn của các bạn người Việt , phải chấp nhận thôi .
Tôi nhớ có một câu chuyện về chim mẹ tập cho chim con bay bằng cách đẩy con mình rơi vào khoảng không , nếu chim con không nỗ lực vẫy cánh liên tục thì sẽ bị rơi xuống tan xác , tuy cách của chim mẹ hơi khắc nghiệt , nhưng đã giúp cho những chú chim con biết bay và sớm rời tổ để tự lập , và mỗi khi gặp hiểm nguy , thì chúng sẽ tự vệ bằng cách vỗ cánh bay vút lên cao , hòa mình giữa bầu trời xanh thẳm để tránh những móng vuốt sắc nhọn của lũ mèo hoang , lúc nào cũng đang chực chờ để vồ lấy những chú chim non tội nghiệp
Nguồn: An Thanh Lê
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC