Trong những năm gần đây, các nhà chức trách Đức phải đương đầu với nạn trộm cắp xe ô tô tăng vọt và chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, áp dụng công nghệ cao.
Trong những năm gần đây, các nhà chức trách Đức phải đương đầu với nạn trộm cắp xe ô tô tăng vọt và chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, áp dụng công nghệ cao.
Trước đây, bọn trộm cắp xe ô tô thường sử dụng đồ dùng kim khí để cậy cửa, đập kính, phá khóa để ăn cắp ô tô thì giờ đây, chúng thường sử dụng máy tính xách tay, thiết bị công nghệ cao để thu phát tín hiệu, mở khóa, lừa phần mềm an ninh trong xe để ăn cắp, lái xe đi tiêu thụ.
Foto: THOIBAO
Từ nhiều năm nay, các băng đảng ăn cắp ô tô xuyên biên giới đã thách thức cảnh sát ở Berlin và Brandenburg với một phương thức đặc biệt. Chúng làm chủ những kỹ thuật số tinh vi và có những thiết bị công nghệ tiên tiến để có thể chỉ đứng gần mà thu được tín hiệu đóng, mở cửa xe ô tô, khi chủ xe bấm khóa từ xa, sau đó, có thể ung dung mở khóa, dùng chương trình máy tính lừa phần mềm an ninh (Wegfahrsperren) để có thể lái xe đi.
Những băng đảng này có tổ chức chặt chẽ và phân chia công việc rõ ràng cũng như nhận được „đơn đặt hàng“ từ các Trung tâm tại Đông Âu, mà rất ít các hung thủ biết được những người đặt hàng là ai. Nhằm đối phó với những băng đảng này, các nhà điều tra phải hợp tác chặt chẽ với nhau trên bình diện quốc tế.
Sự hợp tác này sẽ được cải thiện trong khuôn khổ một dự án mới mang tên „Limes“, được gọi theo tên của bức tường biên giới La Mã trước đây.
Với dự án „Limes“, các cơ quan hình sự bang Berlin, Brandenburg cũng như Sachsen và Sachsen-Anhalt của Đức mong muốn tăng cường hợp tác có hiệu quả với các đồng nghiệp ở Ba Lan, Cộng hòa Séc cũng như các nước Baltic.
Hầu hết hung thủ đến từ những nước này và trùm của các băng đảng tội phạm có tổ chức phần nhiều nói tiếng Nga. Chúng ăn cắp xe hơi cá nhân, xe bán tải và xe tải, chủ yếu ở Berlin và Brandenburg, đưa những xe đánh cắp được này qua biên giới sang Đông Âu, bàn giao toàn bộ chiếc xe hoặc tháo dỡ linh kiện để bán cho những kẻ tiêu thụ hàng ăn cắp.
Ông Frank Adelsberger, phụ trách vấn đề về tội phạm xuyên biên giới liên quan tới tài sản trong Cơ quan hình sự bang Brandenburg đã đưa ra những con số so sánh để nhấn mạnh vấn đề này đối với các vùng sát biên giới với Ba Lan:
Trong năm 2015 ở bang Brandenburg đã có khoảng 2.500 xe ô tô bị đánh cắp và ở Berlin thậm chí tới 6.690 xe. Ba phần tư những kẻ tình nghi điều tra được không phải là người Đức.
Ngược lại trên toàn nước Áo, cảnh sát chỉ ghi nhận được 1.855 vụ ăn cắp ô tô trong năm 2015.
Thành công của cảnh sát hình sự Brandenburg và cảnh sát hình sự Ba Lan năm ngoái đã cho thấy sự cần thiết phải thiết lập các đội điều tra xuyên biên giới: Sau một thời gian dài nghiên cứu và hợp tác điều tra, các nhà điều tra đã thành công trong việc bắt giữ những thành viên cầm đầu một băng đảng chuyên trộm cắp xe ô tô có trụ sở ở Gorzow, Tây Ba Lan.
Từ năm 2014, băng đảng này đã ăn cắp được khoảng 90 xe vận tải hạng nhỏ Mercedes loại „Sprinter“, chủ yếu ở Brandenburg và Berlin và đưa qua biên giới tiêu thụ. Khoảng 30 xe Sprinter được bán ở đó, số còn lại được tháo rời thành linh kiện trong các xưởng bí mật và đem bán cho những người tiêu thụ đồ ăn cắp. Trong quá trình lục soát, cảnh sát đã phát hiện được ba xưởng bí mật này.
Tuần qua, lãnh đạo Cơ quan hình sự của bốn bang ở Đức tham gia dự án „Limes“ đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên để bàn các biện pháp tiếp theo. Dự kiến, họ sẽ tổ chức một hội nghị bàn tròn với các đồng nghiệp ở Đông Âu cũng phụ trách về vấn đề tội phạm xuyên biên giới.
Ông Dirk Jacob, Vụ trưởng Tội phạm có tổ chức trong Cơ quan hình sự Berlin cho biết, trong tổng cộng 10 hội nghị này, các nhà điều tra sẽ phát triển những chiến lược để hoàn thiện việc tìm kiếm hung thủ. Vấn đề là tìm hiểu cơ cấu của các băng đảng và phương thức liên lạc của chúng. Liên minh châu Âu đã tài trợ khoảng 500.000 Euro để xây dựng mạng lưới các nhà điều tra chặt chẽ này.
Theo ông Jacob, khác với quan niệm thông thường là bọn chúng chỉ ăn cắp những xe „xịn“, trên thực tế, chúng ăn cắp tất cả các loại xe. Thậm chí linh kiện của những xe đời cũ cũng rất được ưa chuộng trên chợ đen xe ô tô. Thông thường, những chiếc xe này bị đánh cắp trong đêm và chỉ vài giờ sau đã được đưa sang Ba Lan.
Việc phân chia lao động của những băng đảng mafia này như sau:
Những tên trùm đưa ra „đơn đặt hàng“, sau đó có những kẻ chuyên dò tìm việc mua bán xe đã qua sử dụng trên Internet để tìm ra những địa điểm có xe được chào bán phù hợp với yêu cầu.
Những tên trộm chuyên nghiệp sẽ được phái tới hiện trường, mang theo những công cụ được phát triển bất hợp pháp để mở khóa và vượt qua hàng rào an ninh. Nếu thành công, chúng sẽ đưa xe tới biên giới. Thông thường, chúng sẽ để một nhóm tiền trạm đi trước, nếu bị cảnh sát kiểm tra, chúng sẽ chuyển hướng đi.
Như vậy, việc ăn cắp ô tô có tổ chức được phối hợp qua một đường dây từ kẻ chủ mưu, chuyên gia điện tử, trinh sát viên, chuyên gia tháo dỡ xe, kho bãi, những người buôn trung gian và người tiêu thụ cuối cùng, trong đó, từng hung thủ chỉ biết một vài thành viên khác trong nhóm.
Ông Jacob cho rằng vì các băng đảng trộm cắp ô tô được tổ chức chặt chẽ như vậy, nên việc cấp thiết là các nhà điều tra phải hợp tác với nhau trên bình diện quốc tế, nếu không thì không thể tìm ra được những kẻ chủ mưu ở Ba Lan và các nước Đông Âu khác.
Văn Long – THOIBAO
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC