Nơi chịu nhiệt độ cao nhất là ở phía Tây và Tây Nam nước Đức, có lúc lên đến 41 độ C. Đây là mức nhiệt mà nhiều người Đức không quen, nhất là người già. Tỉ lệ người cao tuổi nhập viện trong mấy ngày qua cao bất thường.
Bà con Việt kiều tại Đức đã quen với cái nóng ở quê nhà nên luôn chuẩn bị sẵn sàng từ mũ, quạt điện đến kem chống nắng, đồ ăn giải nhiệt… Tuy nhiên, do người Việt tại đây chủ yếu buôn bán và làm trong nhà hàng nên cũng bị ảnh hưởng do lượng khách giảm đi rõ rệt. Đa phần người dân né nhiệt độ cao bằng cách ở trong nhà hoặc tìm đến bể bơi, sông hồ, rừng cây…
Bộ Y tế Đức đã khuyến cáo người dân chỉ nên hoạt động thể chất lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Giao thông trên đường cao tốc vào thời điểm nghỉ hè rất đông, làm nhiệt độ tăng cao hơn và khiến mặt đường nhựa bị mềm đi, rất dễ xảy ra tai nạn khi xe cộ chạy nhanh. Ngoài ra, nắng nóng luôn đi kèm nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, theo dự báo thì mấy ngày tới, nhiệt độ sẽ giảm xuống khi có mưa, giông và bão.
Đường phố Giessen vắng vẻ dưới cái nóng như thiêu đốt
Trong khi đó, giá nhiên liệu vẫn tăng ở mức cao, giá điện tăng kéo theo tiền nhà, tiền nước… tăng chóng mặt. Chị Hương, một Việt kiều đang sinh sống tại TP Frankfurt, kể rằng chị giật mình khi nhận hóa đơn điện phải trả thêm, với mức giá đội lên gấp đôi so với giá cũ.
Còn khi đi chợ, chị phải đắn đo, suy tính bởi tất cả rau củ quả, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống đều tăng đồng loạt trong khi lương chưa tăng. Gia đình chị tiết kiệm tối đa trong đun nấu, sử dụng điện, nước; cắt giảm việc ra ngoài ăn hàng, mua sắm, đi du lịch… Tất cả là để phòng khi giá cả còn tăng cao hơn vào mùa đông.
Anh Thành ở Giessen cho biết trước đây, anh đổ đầy bình xăng chỉ hết gần 60 euro, nay 100 euro mà vẫn chưa đầy bình. Anh vừa chuyển sang đi làm bằng xe đạp vì nếu di chuyển chậm trong thành phố bằng xe hơi sẽ rất tốn xăng.
Còn anh Thắng, chủ một nhà hàng tại tiểu bang Sachsen, tâm sự anh đã phải tăng giá đồ ăn lần thứ 3 chỉ trong 4 tháng qua. Khi khách tỏ ý không hài lòng, anh chỉ còn biết giải thích rằng do giá nguyên liệu nhập khẩu rất cao, mọi thứ đều tăng nên không đủ trang trải. Lạm phát tăng cao khiến thu nhập của các hộ kinh doanh rất bấp bênh.
Chính phủ Đức đã áp dụng các chính sách can thiệp như giảm giá vé giao thông công cộng, giảm thuế nhiên liệu, giúp lạm phát giảm nhẹ xuống còn 7,6% trong tháng trước. Tuy nhiên, giờ vẫn là giữa hè. Đáng lo ngại là khi mùa đông đến, nhu cầu sưởi ấm tăng mạnh sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng mà bất cứ người dân Đức nào cũng lo ngại.
Bài và ảnh: Trần Thủy (từ Giessen - Đức
Theo nld.com
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC