Hiến tạng được hiểu đơn giản là cho đi sẽ còn mãi. Sự sống không mất đi mà nó chỉ di chuyển từ người này sang người khác. Cách đây vài năm Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã hiến tặng cho người vợ thân yêu của mình một quả thận để có thể tiếp tục kéo dài sự sống.
Người Việt của chúng ta cũng từng được người Đức hiến tạng để cấy ghép thành công đem lại không ít hạnh phúc cho một số gia đình ở Leipzig, Berlin và Erfurt. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều điều bất cập xảy ra hạn chế những thành công của nền y học Đức.
Tạp chí chuyên ngành Apotheken Umschau tháng trước đã đăng bài phân tích, đánh giá những tồn đọng đó.
Số người hiến tạng giảm
Năm 2017 toàn nước Đức chỉ có 797 người hiến tạng, ít hơn gần 500 người so với 7 năm về trước. Đây là một sự cố đáng buồn đối với hàng vạn bệnh nhân đau ốm nặng đang khẩn cấp chờ đợi nội tạng mới do người khác hiến tặng. Kết quả là cứ một trong năm bệnh nhân đã chết do không có người hiến kịp thời. Sau khi chết, nội tạng và mô của người hiến tặng được chuẩn bị và tiến hành theo quy trình rất nghiêm ngặt, nhanh chóng và đảm bảo nguồn hiến không bị nhiễm khuẩn. Mặc dù 84% người Đức ủng hộ việc này, nhưng hiện nay mới chỉ có 36% số người quyết định hiến tạng được lập hồ sơ theo dõi tại Trung tâm lưu trữ Liên bang về sức khỏe (Bundeszentrale für gesundheitliche Aufklärung).
Vì sao người hiến tạng giảm?
Báo Bác sỹ Đức số 6.2018 đã đưa ra lời giải thích như sau: người có khả năng hiến tạng rất hiếm được phát hiện và hơn nữa không chịu thông báo kịp thời cho Trung tâm điều phối ghép tạng Liên bang (Deutsche Stiftung Organtransplantation DSO) biết. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra sự khác biệt khá lớn giữa các bệnh viện với nhau. Số người hiến tặng thực tế ở 6 bệnh viện trong diện điều tra đã dao động có lúc tới 20 lần. Một số cơ sở y tế đã không tuân thủ quy định pháp luật về việc thông báo người có khả năng hiến tạng dẫn đến mong muốn của người chết không thực hiện được. Bác sỹ Kevin Schulte, khoa thận bệnh viện đa khoa Schleswig-Holstein cho hay, nếu tất cả bệnh viện đều tổ chức làm tốt việc này, số lượng người hiến tạng ở Đức có thể tăng lên gấp 3 lần hiện nay.
Bộ luật mới của Bộ y tế liên bang
Trước tình trạng trên, Bộ y tế đã ban hành luật cải cách mới đồng thời mong muốn các bệnh viện trong ngành phải làm tốt hơn nữa. Điều ưu tiên của cải cách là phải tăng cường vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cán bộ chuyên trách về hiến tạng tại các bệnh viện, phân loại và định giá các mô tạng của người hiến tặng và nghiêm túc thực hiện báo cáo theo quy định. Ngoài ra, luật còn quy định phải phân tích, đánh giá lại tất cả trường hợp đã chết có liên quan đến hư hại về não nhằm giúp bệnh viện phát hiện thêm tiềm năng có thể đối với người hiến tạng và tối ưu hóa quá trình triển khai.
Coi sự hiến tạng là một quy trình tổng hợp từ khâu chuẩn bị đến việc lấy, ghép tạng và chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ. Đối với bệnh nhân câu hỏi cần được trả lời là trường hợp chết não đó do tai nạn gây ra hoặc đã mắc một chứng bệnh nào đó? Bác sỹ điều trị cần phát hiện kịp thời và thông báo cho Trung tâm điều phối ghép tạng Liên bang biết. Sau đó hai bác sỹ chuyên ngành được giao nhiệm vụ thẩm định lại hoàn toàn độc lập với nhau. Việc hiến tạng chỉ được tiến hành sau khi bác sỹ có sự đồng thuận của người hiến hoặc thân nhân họ.
Vì nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện nhỏ không có đủ trang thiết bị chuyên ngành để tiến hành các xét nghiệm cần thiết nên ngay từ bây giờ, khi nhận được thông báo, Trung tâm điều phối ghép tạng Liên bang có trách nhiệm giới thiệu ngay 1 bác sỹ thần kinh hay 1 bác sỹ phẫu thuật thần kinh ở gần đó giúp đỡ. Đây là điểm cải tiến mới trong quyết định của Bộ y tế Liên bang. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thiện xong hệ thống kết nối thông tin và liên hệ trên toàn Liên bang.
Tại bang Sachsen, Sachsen –Anhalt và Thüringen năm 2016 có 2442 người chết. Về mặt lý thuyết, qua phân tích bằng phần mềm máy tính chỉ có duy nhất một người có khả năng hiến tạng. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế hồ sơ bệnh nhân phát hiện thêm 79 bệnh nhân có khả năng hiến tạng nhưng bệnh viện lại không làm. Trong năm đó ở 3 tiểu bang kể trên đã có tới 121 người hiến tạng. Vậy tại sao không tận dụng thêm những cơ hội có thể?
Việc hiến tặng chỉ có thể thực hiện khi người chết còn đang trong giai đoạn thở nhân tạo cho tới khi lấy xong tạng, nhưng các bác sỹ thường ngừng quá trình điều trị hồi sức cấp cứu trước đó bởi các biện pháp giữ cho bệnh nhân sống trước khi chết còn có những mâu thuẫn. Do đó các bác sỹ đã phải tự điều chỉnh theo cách của mình.
Đồng thời với việc ban hành Luật cải cách mới, Bộ trưởng y tế liên bang Jens Spahn, đã bày tỏ mong muốn trong tương lai mỗi công dân Đức đều trở thành người hiến tạng trừ khi người đó và thân nhân không đồng ý.
Nguyễn Văn Bộ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC