Sống ở Đức, người đi làm phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn ở một số quốc gia khác, nhưng tiền thuế lại được sử dụng xoay vòng, giống như nước từ sông hồ bốc hơi lên cao, tụ lại thành mưa rồi lại rơi xuống chỗ cũ.
Hôm nay, làn sóng cuồng nhiệt đội bóng U23 của VN đã bắt đầu tạm lắng xuống. Vì mấy hôm trước, cứ mỗi lần vào mạng là thấy hầu hết trang cá nhân của bạn bè lẫn người khác gần như nhuộm đỏ hết mạng xã hội, còn ở Berlin thì nhiệt độ tương đối dễ chịu, khoảng 12oC.
Chỉ có mỗi hôm nay nhiệt độ lại xuống thấp, kèm theo mưa và gió khá mạnh...
Hôm thứ sáu vừa rồi, đang trên đường về nhà, thì gặp người quen, sau một hồi hỏi han chuyện gia đình công việc, tự nhiên anh ta chuyển qua đề tài về chuyện đóng thuế ở Đức.
Anh than phiền là đã sai lầm khi sang Đức, vì đây chỉ là xứ sở dành cho bọn nhà giàu, còn giới bình dân phải cày như trâu mới đủ sống.
Vì làm tới đâu đều bị trừ tiền tới đó và nặng nhất vẫn là thuế thu nhập, do anh còn độc thân nên được "ưu tiên " thuế loại một, do đó cầm tay chẳng được bao nhiêu, sống thua cả người ở trong nước (theo lời của anh ).
Nói chán chê, anh ta kết luận... " đi mua đồ mà trong hóa đơn cũng có thuế ở trong đó, quốc gia gì mà mở mắt ra chỉ thấy toàn thuế với thuế "
Nghe anh ta kể lể một hồi thấy cũng đúng, nhưng chỉ đúng phần nào.
Vì ai cũng biết, bất cứ ai đang sinh sống và làm việc hợp pháp ở Đức đều phải có nghĩa vụ đóng thuế và nhất là thuế thu nhập.
Nhưng chính phủ Đức không cào bằng loại thuế này mà chia ra làm vài bậc khác nhau, người độc thân được xếp vào bậc một thì sẽ bị trừ nhiều hơn người có gia đình (thuế bậc ba), người độc thân nhưng có con thì bậc hai, nếu hai vợ chồng lương ngang nhau thì bậc bốn, còn nếu chồng lương thấp hơn vợ hay ngược lại thì lấy bậc năm.
Ngoài ra, còn có miễn thuế cho người thu nhập dưới 450€ và ai đi làm đều có thể xin lại tiền thuế hàng năm bằng cách tự làm hay qua người chuyên về thuế (Steuerberater).
Chuyện về các loại bậc thuế thì ai ở Đức cũng đều biết, nên không cần phải nói thêm.
Cái chính mà tôi muốn nói ra đây là nếu không có thuế, thì guồng máy quốc gia sẽ lấy tiền từ đâu để hoạt động?
Không cần nói đâu xa, lấy nước Đức làm điển hình, ai cũng biết thuế thu nhập trừ theo bậc và tùy theo thu nhập cao hay thấp. Ngoài ra, khi mua đồ ăn hay đồ dùng cá nhân, mọi người đều có thể nhìn thấy trên hóa đơn đều ghi rõ tiền thuế, nghĩa là nếu mua đồ ăn thì phải trả thuế tiêu thụ là 49 cent...chưa kể nhiều loại thuế khác và tính trong những năm gần đây (2015 - 2016 - 2017), chính phủ Đức đã thu được tiền thuế của dân lên tới hàng nghìn tỷ Euro.
Tuy tiền thuế thu được nhiều, nhưng số tiền đó lại được chính phủ Đức chi ra cho an sinh xã hội, sửa đường xá, xây nhà trẻ, trường học, tiền trẻ em, tiền trợ cấp nhà cửa và nuôi hơn một triệu người tị nạn, người thất nghiệp..v..v.
Trường công lập thì từ tiểu học (Grundschule) tới trung học (Gymnasium, Sekundarschule) đều hoàn toàn miễn phí.
Trẻ em có cha mẹ đang hưởng trợ cấp đều được miễn gần như toàn bộ từ tiền ăn ở trường đến sách vở, đi chơi theo lớp..v.v...chưa kể đường xá, đèn giao thông luôn được sửa chữa hàng năm nhất là đèn giao thông nơi tôi hay đi qua, đang được thay mới hoàn toàn dù đèn cũ vừa mới sử dụng vài năm.
Ngoài ra, tiền thuế còn được chính phủ "đầu tư " vào việc bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh, xây thêm công viên cho người dân thi thoảng ra ngồi thư giãn, sân chơi công cộng cho trẻ em, các viện bảo tàng..v..v
Cho nên sống ở Đức, người đi làm phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn ở một số quốc gia khác, nhưng tiền thuế lại được sử dụng xoay vòng, giống như nước từ sông hồ bốc hơi lên cao, tụ lại thành mưa rồi lại rơi xuống chỗ cũ.
Hay nói chính xác, chính phủ Đức thu tiền thuế của dân, thì số tiền đó lại về với dân, vì đường xá họ đi, tiền trợ cấp, tiền trẻ em, trường học, bệnh viện được sửa chữa hoặc xây mới rất khang trang và sạch sẽ, đều là từ tiền thuế họ đóng.
Cho nên không thể nói như anh bạn của tôi là vì đóng thuế nhiều mà thua cuộc sống trong nước, mà người dân VN đã được hưởng gì từ tiền thuế họ đóng ? mà nếu có thì rất ít.Và tại sao thì không cần nói chắc ai cũng biết là do đâu rồi
Nói tóm lại, tiền thuế của dân luôn được chính phủ Đức sử dụng đúng chỗ, chứ không phải bỏ túi riêng hay được dùng vào mục đích cá nhân khác.
Và cũng nhờ vậy, mà cuộc sống của người dân Đức lẫn người nước ngoài sống hợp pháp ở Đức mới được tốt đẹp như nhau
Nguồn: An Thanh Le - Facebook
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC