Nếu họ nghĩ rằng thứ hạng của mình trên danh sách người giàu là quá thấp, các tỷ phú người Mỹ sẽ cảm thấy rất giận dữ. Tuy nhiên, điều ngược lại sẽ xảy ra với các tỷ phú người Đức, theo Heinz Dürr. Cách đây vài năm, khi 1 tạp chí gọi ông là tỷ phú, Dürr đã gọi cho tòa soạn để phân trần. Hóa ra các phóng viên đã tính nhầm về số cổ phần mà ông sở hữu ở Homag, công ty sản xuất máy xử lý gỗ mà gia đình ông đã mua lại năm 2014.
Nước Đức không thiếu người siêu giàu, với số lượng ngang ngửa Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo của Forbes hồi tháng 2 tính toán Đức có 114 tỷ phú USD, cao gấp đôi con số ở Anh. Con số này có nghĩa là cứ 727.000 người Đức thì sẽ có 1 người là tỷ phú USD, trong khi tỷ lệ ở Mỹ là 1 trên 539.000 người. Tổng tài sản của 45 người giàu nhất nước Đức tương đương với của toàn bộ tài sản của một nửa dân số nghèo hơn.
Các tỷ phú Đức bảo vệ sự riêng tư nghiêm ngặt hơn tỷ phú của bất kỳ quốc gia nào khác. Hầu hết mọi người trên thế giới đều biết Jeff Bezos, tỷ phú giàu nhất thế giới, ông chủ của Amazon, trông như thế nào. Hầu như tất cả người dân Pháp sẽ ngay lập tức nhận ra Bernard Arnault, ông trùm hàng hiệu hiện đang là tỷ phú giàu nhất nước. Nhưng trên trang Wikipedia (dù bằng tiếng Anh hay tiếng Đức) cũng không có nổi 1 tấm ảnh của Dieter Schwarz, người kiểm soát 2 chuỗi siêu thị Lidl và Kaufand. Và chúc bạn may mắn khi tìm kiếm ảnh của những người nhà Albrechts, chủ sở hữu của chuỗi tạp hóa giảm giá Aldi hay Reimanns, gia tộc siêu giàu kiểm soát JAB, tập đoàn tư nhân đứng sau nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng như Krispy Kreme và Panera Bread.
“Chúng tôi không muốn gây sự chú ý”, Nicola Leibinger-Kammüller, bà chủ của Trumpf, một trong những nhà sản xuất công cụ máy lớn nhất thế giới nói. Bà cùng với 2 em gái phải tuân theo một bộ quy tắc hành xử mà thế hệ thứ 3 của gia đình đã phải ký vào khi họ tròn 16 tuổi. Không chỉ có các quy định về thừa kế và bán cổ phần trong công ty, bộ quy tắc này còn chỉ dẫn về các phép tắc ứng xử.
1/3 các gia đình doanh nhân ở Đức có những quy tắc tương tự, trong đó có cả những điều khoản như tránh sử dụng mạng xã hội, tránh bị chụp hình ở nơi công cộng và từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn.
Có một số yếu tố dẫn đến tình trạng này, mà đầu tiên là do bản chất của hoạt động kinh doanh. Ở Mỹ, các tỷ phú thường xuất thân trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, trong khi ở Đức nhiều người có được thành công nhờ những ngành kinh doanh trầm tĩnh hơn, nơi các tiến bộ không phải là bước nhảy vọt mà được tích lũy dần dần qua năm tháng. Hơn một nửa tỷ phú Đức đến từ các ngành bán lẻ, sản xuất chế tạo và xây dựng. 10 gia đình giàu nhất sản xuất ô tô (BMW và Volkswagen), phanh xe (Knorr-Bremse) và phụ tùng ô tô (Schaeffler), hoặc điều hành các siêu thị (như ông Schwarz và nhà Albrechts).
Văn hóa cũng là một nguyên nhân. Theo Dirk Rossmann, nhà sáng lập của 1 chuỗi hiệu thuốc nhượng quyền, giới siêu giàu ở Đức khá rụt rè vì họ lo ngại có thể phát ngôn hớ hênh hoặc sự an toàn của họ bị đe dọa, đặc biệt là sau vụ bắt cóc và sát hại Jakob von Metzler, cậu bé 11 tuổi của 1 gia tộc trong ngành ngân hàng năm 2002. Giống như ở các nước khác, nhiều nhà báo Đức không có thiện cảm với giới siêu giàu và đó cũng là lý do các tỷ phú không muốn xuất hiện trên truyền thông.
Yếu tố lịch sử là 1 lý do khác khiến họ ẩn danh. Hầu hết các tỷ phú Đức không phải là tự thân mà là hậu duệ của những gia tộc có bề dày hoạt động trong ngành công nghiệp. Cách đây vài năm, nhà Reimanns, vốn có tài sản được xây dựng từ năm 1823, đã yêu cầu nhà sử học Paul Erker của ĐH Munich tìm hiểu về hành vi của gia tộc dưới thời Phát xít và phát hiện ra rằng tổ tiên của họ là những người ủng hộ Adolf Hitler.
Nhà Quandts (đứng sau BMW), nhà Krupps (tập đoàn sản xuất thép) và nhà Porsches cũng đều có quá khứ tương tự. Năm 2000, 4.760 doanh nghiệp Đức trong đó có cả Siemens, Daimler, Deutsche Bank và Volkswagen đã tạo ra 1 quỹ cùng với chính phủ huy động được hơn 4,8 tỷ USD ủng hộ cho những người đã bị đối xử tệ bạc và lao động như những nô lệ dưới thời phát xít. Riêng nhà Reimanns ủng hộ 5 triệu euro.
Chính quá khứ không mấy vui vẻ và sự riêng tư cũng là một phần nguyên nhân lý giải tại sao người Đức không thích giới siêu giàu. Theo khảo sát được Viện Allensbach thực hiện năm ngoái, những đức tính xấu mà công chúng gắn vào giới siêu giàu là ích kỷ (62%), coi trọng vật chất (56%), liều lĩnh (50%), tham lam (49%) và kiêu ngạo (43%). Chỉ 2% trả lời rằng trở nên giàu có là điều “rất quan trọng”, và 20% nói rằng đó là điều quan trọng, trong khi tỷ lệ ở Mỹ là 39%.
Người Đức cũng đổ lỗi cho giới nhà giàu đã gây ra những rắc rối cho thế giới nhiều hơn so với người Mỹ. Một nửa người Đức được hỏi cho rằng người giàu đã gây ra khủng hoảng tài chính hay những thảm họa nhân đạo, so với tỷ lệ 25% ở Mỹ.
Những thái độ này lý giải tại sao các tỷ phú người Đức luôn kín tiếng. Rossman không sử dụng smartphone hay đồng hồ đắt tiền và vẫn sống cùng vợ trong ngôi nhà đơn sơ mà họ đã mua cách đây 35 năm. 8 năm họ mới thay xe 1 lần.
Theo Thu Hương
Trí Thức Trẻ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC