Tôi cười đến nỗi nước mắt chảy dàn dụa và hoan hô nhiệt liệt đến đỏ cả bàn tay. Nhưng tôi lại thấy ngạc nhiên trước phản ứng đó của mình, bởi tôi đang cười không ngớt khi xem một diễn viên hài người Đức trong Câu lạc bộ Hài kịch Quatsch ở Béc-lin, và tình huống này là sự kết hợp của những điều trái ngược.
Rõ ràng là người Đức đánh giá cao một buổi biểu diễn hài kịch hay. Đây là một thực tế rõ ràng bởi vì các sân khấu hài kịch tại Béc-lin ngày càng được yêu thích. Trên thực tế, hài kịch có gốc rễ sâu xa trong nền văn hoá Đức và người ta đánh giá rất cao thể loại hài châm biếm chính trị cũng như hài vui nhộn. Thế nhưng theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2011 của Badoo.com, Đức là dân tộc có tính hài hước đứng chót bảng, khiến cho cái ấn tượng rằng người Đức không có khiếu hài hước lại càng sâu sắc.
“Tôi không hề biết là người ta có cái ấn tượng như thế. Tôi chỉ tình cờ biết được nhờ nói chuyện với những người nói tiếng Anh,” Nicole Riplinger, một giáo viên dạy tiếng Anh và Pháp đến từ Saarbrücken kể cho tôi nghe. “Tôi không nghĩ người Đức chúng tôi lại cho rằng mình không có khiếu hài hước đâu.” Cô còn nói, “Tôi cực kỳ thích sự hài hước, đặc biệt nếu đó là hài châm biếm các vấn đề xã hội quan trọng.”
Thứ mà cô miêu tả có truyền thống lâu đời ở Đức. Tại đây việc lấy những điều cấm kỵ trong xã hội và trong chính trị làm nền tảng của hài kịch là đặc trưng của các talk show châm biếm và những chương trình truyền hình kabarett vốn khá giống với nhiều chương trình ngày nay nhưng nặng về châm biếm chính trị.
Thế thì, nếu người Đức từ trước đến nay vẫn luôn có khiếu hài hước thì tại sao mọi người lại có ấn tượng như thế đối với họ?
Nicola McLelland, giáo sư ngôn ngữ học người Đức của Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, tin rằng cách mà các ngôn ngữ khác nhau được xây dựng nên có thể ảnh hưởng tới cách thể hiện và tiếp nhận sự hài hước của những nền văn hoá khác nhau.
Bà lý giải rằng sự hài hước thường sử dụng tính mập mờ nước đôi trong cách giải thích từ ngữ và câu chữ nhằm tạo ra những nghĩa khác của ngôn từ để thêm yếu tố khôi hài vào trong tình huống. Ví dụ, câu ‘tôi vừa được ăn con ngỗng’ có hai cách hiểu: hoặc là tôi vừa mới thưởng thức món thịt ngỗng, hoặc tôi vừa bị điểm kém.
Tuy nhiên, cách mà ngôn ngữ của người Đức được tạo nên thì lại rất khác. Danh từ có thể có đến ba giới tính khác nhau (nam tính, nữ tính và trung tính) và bốn trường hợp khác nhau (tương ứng với bốn vai trò khác nhau mà một danh từ có thể có trong một câu). Động từ cũng có rất nhiều dạng khác nhau. Nghĩa thực sự của một câu phụ thuộc vào việc dùng đúng giới tính và trường hợp mà gắn liền với nghĩa cuối cùng của nó. Điều này ảnh hưởng đến cách thể hiện sự hài hước của ngôn ngữ Đức. Về cơ bản là việc chơi chữ trong tiếng Đức sẽ khó khăn hơn khi ngữ pháp của nó khiến cho câu từ trở nên ít mập mờ đi rất nhiều.
Tuy nhiên, điều đặc biệt ở ngôn ngữ Đức là khả năng tạo ra từ ghép.
Tiếng Đức là một trong số ít các ngôn ngữ sử dụng phổ biến từ ghép – là những từ được tạo ra bởi nhiều từ đơn ghép lại, chẳng hạn như schadenfreude (hả hê) được ghép bởi hai từ schaden(gây hại) và freude (niềm vui). Thường thì chúng ta không thể dịch được từ ghép một cách trực tiếp sang ngôn ngữ khác, thế nên những câu chuyện cười được tạo nên nhờ từ ghép rõ ràng là sẽ khó mà gây cười cho những người không nói tiếng Đức.
Trên thực tế, có lẽ chính khả năng diễn đạt cực kỳ chính xác của ngôn ngữ Đức là lý do vì sao ngay cả khi nghe một người Đức nói tiếng Anh giỏi cũng sẽ thấy họ diễn đạt chính xác một cách thái quá – và do đó người ta lại càng có ấn tượng rằng người Đức có vẻ nghiêm túc hơn là hài hước.
Christian Baumann là một luật sư người Nuremberg từng đi đến rất nhiều nơi trên thế giới và do đó được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau. Anh cũng cho rằng sự khác biệt ngôn ngữ chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra cái ấn tượng về sự kém hài hước của người Đức.
Trong những chuyến đi nước ngoài đầu tiên đến Mỹ, anh phải liên tục dịch những gì mình nghĩ từ tiếng Đức sang tiếng Anh, kể cả lúc kể chuyện cười. Kết quả là mọi người chẳng thấy có gì hài hước. Thậm chí còn có người cho rằng lối nói thẳng thừng của anh thật khiếm nhã.
Baumann nói rằng, “Tôi nghĩ khi bạn cố gắng dịch một cách chính xác từ tiếng Đức sang tiếng Anh thì bạn sẽ làm mất đi chính những gì tạo nên một câu chuyện cười. Và rồi khi bạn phải giải thích câu chuyện đó để người ta hiểu thì nó lại chẳng còn là chuyện cười nữa. Thế nên người ta nghĩ tôi không có chút hài hước nào là điều dĩ nhiên.”
Nhưng anh cũng cho rằng những khác biệt văn hoá cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Baumann nói, “Khi nói tiếng Anh thì lúc nào bạn cũng rất lịch sự ngay cả khi bạn đang chỉ trích điều gì đó. Nhưng người Đức thì lại khác. Chúng tôi sẽ nói ra những gì mình nghĩ, vậy nên tôi cho rằng những người nói tiếng Anh tất nhiên sẽ có ấn tượng là người Đức rất logic và rất thô và không thể hài hước.
Đây là cảm nghĩ mà diễn viên hài người Đức Christian Schulte-Loh chia sẻ. Hiểu rõ rằng người Đức bị gán cho là thiếu hài hước, anh viết trong cuốn sách mới của mình, Zum Lachen auf die Insel (Gửi Tiếng cười tới Anh Quốc), rằng người Đức quá chân thật để lịch sự còn người Anh lại quá lịch sự để chân thật.
Thế nhưng Schulte-Loh, người thường xuyên biểu diễn tại Câu lạc bộ Hài kịch Quatsch ở Béc-lin và cả những chuyến lưu diễn quốc tế, nói rằng ấn tượng đặc biệt này thực ra lại giúp anh trong công việc. Ví dụ như khi đứng trước đám đông tại một buổi biểu diễn cháy vé ở Câu lạc bộ Hài kịch Top Secret tại Luân Đôn, anh mở màn bằng cách nhằm thẳng vào bản sắc dân tộc mình.
“Xin chào, tôi là Christian và tôi là diễn viên hài đến từ Đức!” Rồi dừng lại một chút trước tiếng cười nhạo từ đám đông. “Ồ tôi thấy sự hào hứng của các bạn đã giảm bớt rồi. Không sao, vậy thì tôi sẽ cố gắng hết sức!”
Trịnh Ngọc Hoa (Theo lifehack.vn)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC