Khách hàng Đức mua sắm ở siêu thị chắc chắn sẽ đem theo tiền mặt
Theo trang Quartz, Đức là một trong những nền kinh tế tiên tiến dùng tiền mặt nhiều nhất thế giới. Trung bình, ví của dân Đức giữ gần gấp đôi số tiền mặt, khoảng 123 USD, so với người Úc, Mỹ, Pháp và Hà Lan, theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về cách người tiêu dùng chi trả cho các món hàng ở bảy nước.
Gần 80% toàn bộ giao dịch ở Đức được thực hiện bằng tiền mặt. Tại Mỹ, con số này dưới 50%. Tiền mặt là hình thức thanh toán thống trị ngay cả với những giao dịch lớn. Không ai biết chính xác lý do vì sao người Đức có sở thích mạnh mẽ với tiền mặt, dù số liệu điều tra cũng cung cấp vài gợi ý. Người Đức trả lời khảo sát cho hay dùng tiền mặt khiến việc theo dõi và chi tiêu của họ dễ dàng hơn.
“Quan sát túi tiền cá nhân cho thấy tín hiệu về mức độ chi tiêu và ngân sách còn lại. Với việc tiền mặt trong chi tiêu lớn, chất lượng của tín hiệu là cao. Chúng tôi đoán rằng với một số người tiêu dùng, tín hiệu này cho thấy giá trị. Do đó họ dùng tiền mặt”, giới phân tích Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) viết.
Một số câu trả lời khác tiết lộ người Đức thích trạng thái ẩn danh của tiền mặt. Đây là câu trả lời phù hợp với độ nhiệt tình của họ trong việc bảo vệ chặt chẽ quyền riêng tư. Dù vậy, thái độ của người Đức đối với tiền cũng phần nào liên quan đến lịch sử tiền tệ hỗn loạn của đất nước. Giữa thảm kịch siêu lạm phát thời chính phủ Cộng hòa Weimar, vốn đạt đỉnh vào năm 1923, giá cả tăng khoảng 1.000 tỉ lần khi nước Đức cố gắng xoay sở chiến phí nặng nề bằng việc phá giá đồng mark.
Khi đó, một ổ bánh mì có giá 428 tỉ mark, 1 kg bơ sẽ làm bạn tốn 6.000 tỉ mark. Người sử dụng lao động phải ngừng làm việc vào giữa buổi sáng để trả từng cọc giấy bạc cho nhân viên. Ngày làm việc bị ngưng trệ trong khoảng một giờ vì nhân viên chạy ra đường ngay sau khi lãnh lương, tìm mua càng nhanh càng tốt mọi thứ họ cần trước khi tiền chỉ còn như mẩu giấy vụn. Hẳn nhiên trong thời kỳ này, người ta dùng những tờ bạc vô giá trị để làm nhiều thứ ngớ ngẩn, chẳng hạn như giấy dán tường, nhiên liệu cho lò và diều.
Giấy dán tường thời Weimar
Song đó không phải là lần cuối đồng tiền Đức vô giá trị trong thế kỷ 20. Hậu Thế chiến thứ hai, tiền tệ Đức rơi vào tình trạng hỗn loạn lần nữa. Adolf Hitler phần lớn tài trợ cuộc chiến tranh bằng cách in tiền, giữ lạm phát thấp thông qua chính sách phát xít là kiểm soát giá chặt chẽ và đe dọa bạo lực. Hitler từng nói: “Lạm phát là thiếu kỷ luật. Tôi thấy giá cả vẫn ổn định”.
Hậu chiến, quân Đồng minh giữ lương, kiểm soát giá cả. Song ngày càng nhiều hoạt động chuyển về thị trường chợ đen. Gói Chesterfields và Camels, vớ nylong và bút Parker trở thành tiền trên thực tế. Cải cách tiền tệ ngày 20.6.1948, khi người Đức bị buộc đổi tiền của họ sang đồng mark Đức mới với tỷ giá hơn 10 reichsmark đổi 1 D-mark cũng đầy đau đớn, làm bốc hơi hơn 90% tiền tiết kiệm của cá nhân.
Tuy nhiên đồng tiền mới giúp kéo hàng hóa lại vào cửa hàng, làm yếu tác động từ thị trường chợ đen. Đây được xem là bước đi khó khăn nhưng cần thiết, giúp nền kinh tế hậu chiến của Đức chuyển mình. Mark Đức trở thành niềm tự hào, đầu tiên là cho Tây Đức và đến năm 1990 là cho Đông Đức. Nhiều người từng kinh ngạc khi Đức chuyển nội tệ sang đồng euro vào năm 2002.
Lịch sử đóng vai trò ra sao với niềm yêu thích tiền mặt? Các nhà nghiên cứu phát hiện ký ức về siêu lạm phát có sức mạnh lớn. Dân ở các nước từng chịu khủng hoảng ngân hàng khá thích tiết kiệm bằng tiền mặt (dù thường là bằng ngoại tệ như đô la Mỹ) chứ không phải gửi tiền vào ngân hàng. Các nước như Bulgaria và Romania – những cái tên trải qua bất ổn tiền tệ và khủng hoảng tài chính cách đây không lâu – cũng dùng tiền mặt khá nhiều.
Thế nhưng điểm chính ở đây không phải là người Đức yêu tiền, mà là họ ghét nợ. Yếu tố này cũng xuất phát từ lý do lịch sử. Mức nợ tiêu dùng ở Đức rất thấp. Ác cảm của người Đức với nợ thế chấp là một phần lý do vì sao nước này có tỷ lệ sở hữu nhà thấp nhất trong các nước phát triển. Năm 2011, chỉ 33% người Đức cho hay họ có thẻ tín dụng song hầu như chẳng bao giờ dùng chúng. Năm 2013, chỉ 18% thanh toán ở Đức được trả bằng thẻ, trong khi ở Pháp và Anh, tỷ lệ trên lần lượt là 50% và 59%.
Tình yêu tiền mặt có thể được hiểu như là dấu hiệu của sự nghi ngờ sâu xa về tương lai. Doanh nhân Đức nổi tiếng với chuyện bi quan. Nỗi sợ về ngày mai chắc chắn bắt nguồn từ quá khứ. Nói cách khác, chuyện xu hướng giải quyết mọi thứ bằng giấy bạc phản ánh thực tế thế kỷ qua là điều khó có thể phủ nhận.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC