Cũng như mọi đất nước trên thế giới, người dân nước Đức cũng có những ngày lễ lớn trong năm mang nhiều ý nghĩa.
Ostern – Lễ phục sinh (tính từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4)
Lễ phục sinh là một ngày lễ tôn giáo để tưởng nhớ sự hồi sinh của Chúa từ cõi chết, ngày lễ này chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong Đức tin của Kitô giáo. Vào cuối tuần lễ Phục sinh, du khách tour du lịch Đức sẽ có dịp thấy mọi người đốt lửa trại Phục sinh. Ở giữa đống lửa trại là một hình nộm bằng rơm Judas, tượng trưng cho kẻ phản bội. Việc đốt lửa Phục sinh từ lâu tại Đức đã trở thành truyền thống vốn có chứ cũng không mang ý nghĩa nhiều về tôn giáo.
“Săn” trứng Phục Sinh
Một phong tục nữa chính là những quả trứng phục sinh với mọi kích cỡ, đủ loại màu sắc và chất liệu mà mọi người thường thấy rất nhiều trên phim ảnh. Trứng thường được trang trí với cây và bụi. Những quả trứng bằng sô cô la dành cho trẻ em thường được coi là do thỏ phục sinh giấu đi vào ngày chủ nhật Phục sinh và tất nhiên sẽ có những cuộc tìm kiếm thú vị. Đến du lịch Đức vào dịp này, nhìn những quả trứng Phục Sinh đủ màu sắc chắc hẳn bạn sẽ vô cùng thích thú và cảm giác như tâm hồn trở nên bé lại.
Erster Mai (Ngày 1.5)
Cũng giống Việt Nam, đây là ngày quốc tế lao động được bắt nguồn từ thế kỉ 19, xuất phát từ những cuộc đấu tranh dài ngày để giành quyền làm việc chỉ 8 tiếng một ngày của công nhân ở nhiều nước trên thế giới. Thực tế, đối với nhiều người Đức thì ngày 1.5 chỉ là một ngày nghỉ thông thường. Họ thường tận dụng ngày nghỉ này để đi tham quan, dã ngoại cùng gia đình hay bạn bè.
Muttertag – ngày của mẹ (ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5)
Người sáng lập ra ngày lễ này là nhà nghiên cứu về quyền của phụ nữ Anna Marie Jarvis. Bà đã luôn cố gắng để thành lập một ngày lễ tôn vinh cho các bà mẹ cũng như nâng cao vai trò chính trị và xã hội của phụ nữ trong cộng đồng. Ngày của mẹ chính thức lần đầu tiên được kỉ niệm vào năm 1908 tuy nhiên đến năm 1923 mới được kỉ niệm tại Đức. Trong ngày lễ này, mọi người thường tặng hoa cũng như nước hoa hay sô cô la nhân rượu cho mẹ.
Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 là ngày của Mẹ
Christi Himmelfahrt (40 ngày sau lễ phục sinh)
Ngày lễ này luôn rơi vào thứ 5 và để tưởng nhớ ngày Chúa về trời, trong tín ngưỡng Kitô giáo được gọi là “Bitttage”. Vào dịp này, những người theo đạo thường đi dạo qua cánh đồng và cầu khấn cho một vụ mùa bội thu. Ngoài ra còn có một phong tục khác thông dụng hơn cũng vào dịp lễ này chính là Ngày của cha. Vào dịp này, đàn ông thường đi dã ngoại hoặc dạo quanh các nhà hàng khác nhau, họ thường mang theo xe đẩy với bia hoặc một số loại rượu mạnh khác.
Pfingsten – Lễ Hiện Xuống/Lễ Hạ Trần (50 ngày sau lễ Phục Sinh)
Dịp lễ này bao gồm ngày chủ nhật và ngày thứ 2 theo truyền thống là ngày nghỉ. Đây là ngày kỉ niệm Chúa Thánh Thần hiện xuống sau khi Chúa Giếu về trời. Tuy nhiên đây không phải dịp lễ lớn mà chỉ là một dịp để người Đức đi đến nhà thờ, ăn một bữa thật ngon, gặp gỡ gia đình họ hàng là những việc thông thường vào dịp lễ.
Tag der deutschen Einheit – Ngày Quốc khánh Đức (03.10)
Đây là ngày nghỉ duy nhất được ấn định theo luật của toàn liên bang, kỉ niệm sự tái thống nhất giữa hai miền đông và tây Đức. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, trải qua nhiều thập kỷ, nước Đức xảy ra những bất đồng với hệ thống chính trị, khi quyền lợi của công dân bị ảnh hưởng nhiều mặt. Những ai không đồng tình với chính sách của chính phủ thì sẽ bị bỏ tù.
Bức tường Berlin đã được xây dựng để ngăn tình trạng người dân cố trốn từ đông sang tây. Cuộc biểu tình năm 1989 dẫn đến sự sụp đổ của bức tường này. Vào ngày 3.10.1990, hiệp ước thỏa thuận của Đức bắt đầu có hiệu lực. Vào ngày này ở Đức, cờ thống nhất được treo khắp nơi và hàng ngàn người đổ ra đường để ăn mừng lễ kỉ niệm này.
Lễ quốc khánh của nước Đức
Weihnachten – Giáng sinh (24.12 – 26.12)
Ngoài việc đi nhà thờ, tham dự lễ giáng sinh thì ở nhiều thành phố, chợ giáng sinh được tổ chức nhộn nhịp. Người Đức trang trí ngôi nhà của mình bằng cách treo những chiếc vòng hoa làm từ cây thông, được trang trí với nến. Những ngày trước khi đến đêm Giáng Sinh (24.12), trên quyển lịch vọng người ta lại có những ô chứa kẹo thường là sô cô la, mỗi ngày người ta lại bóc 1 ô nhỏ trên lịch để lấy kẹo ăn dần cho đến ngày lễ giáng sinh.
Người Đức thường tận hưởng đêm Giáng sinh và 2 ngày nghỉ lễ tiếp theo bên gia đình. Họ có truyền thống cùng nhau trang trí cây thông Noel và ăn một bữa thật ấm cúng. Bữa tiệc này gồm có món xúc xích nhỏ, salat khoai tây và ngỗng quay. Sau đó, đến đêm họ quây quần và trao đổi quà cho nhau. Ngày lễ này đối với người Đức vô cùng quan trọng, là dịp họ nghỉ ngơi, sum họp gia đình và quây quần bên những bữa tiệc ấm cúng.
Silvester – Giao thừa (31.12)
Silvester là một lễ để đưa tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Trong ngày lễ, người Đức sẽ bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, sau đó thường là màn ăn uống tiệc tùng cùng với bạn bè và gia đình. Vào dịp năm mới, người Đức quan niệm rằng tạo ra càng nhiều tiếng ồn càng tốt.
Đây là truyền thống có lịch sử lâu đời từ ngày xưa, khi những người Giéc-manh đã luôn cố gắng dùng tiếng động lớn để xua đuổi ma quỷ, ngày nay họ thay những tiếng động đó bằng tiếng nổ của pháo hoa.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC