2 tỷ đồng Du học có đổi được một người Văn minh?

Tôi làm phép toán cấp 1, mỗi năm trung bình để nuôi một đứa trẻ du học tự túc, rẻ nhất cũng mất 400 triệu, 5 năm là 2 tỉ đồng. 4 giờ sáng, bạn của con trai tôi nhắn tin: "Cô ơi cháu được trường ở New York nhận rồi cô ạ".

2 tỷ đồng Du học có đổi được một người Văn minh? - 0

Vui quá, mừng cho cháu quá, cô cháu mừng mừng tủi tủi chat chít mất một hồi. Mùa hè nào cũng vậy, có lẽ toàn thế giới mừng mừng tủi tủi, xứ sở nào cũng có những bạn trẻ bắt đầu rời nhà lên đường đi học xa.

Nông thôn lên thành thị, tỉnh lẻ về thủ đô, nước này chạy sang học nước khác.

Bố mẹ ở đâu cũng vậy, đều chắt chiu để cho con có điều kiện sống và học tập tốt nhất, đều hy vọng cho con mình có cuộc sống sung sướng và hạnh phúc.

Nhưng ở Việt Nam, có lẽ chuyện con đi học xa mang mầu sắc đặc biệt hơn nơi khác nhiều.

Từ ngày đất nước khá giả, giấc mơ cho con du học có lẽ gia đình nào cũng có, bạn bè anh em họ hàng tôi, nhà nào cũng có kế hoạch tích trữ của cải cho con "lên đường".

Đã nhiều lần tôi quan sát bạn bè, người thân và các bạn du học sinh mà tôi quen biết, tôi dò hỏi xem trước khi họ lên đường cha mẹ họ đã dặn con những gì.

Hầu như đều là: "Giữ gìn sức khỏe, cố gắng học giỏi con nhé", thêm nữa thì là "nhớ giữ mình, đừng đàn đúm ăn chơi hư hỏng nhé", cao cấp hơn thì sẽ "tranh thủ đi đó đi đây cho mở mang đầu óc nhé ".

Đa số dừng ở đấy.

Cũng dễ hiểu, đó là những điều căn bản để con cái có cuộc sống an toàn khi xa gia đình, có cơ hội để trở thành người bình thường - có nghề nghiệp trong xã hội, nhưng nhiều khi tôi cứ thấy tiếc.

Thấy tiếc là có lẽ với tất cả mồ hôi, công sức và hy vọng mà cha mẹ bỏ ra ấy, vẫn nhiều đứa trẻ không nên người. Ý tôi là trở thành một người văn minh như cần phải.

Tôi làm phép toán cấp 1, mỗi năm trung bình để nuôi một đứa trẻ du học tự túc, rẻ nhất cũng mất 400 triệu, 5 năm là 2 tỉ đồng.

Tôi không dám lấy con số 60.000 USD/năm như nhiều gia đình tôi biết đang nuôi con ăn học ở những trường hàng đầu của Mỹ. Như vậy, sau 5 năm (là ít nhất) những cháu nào không có may mắn kiếm được việc tại những nước theo học sẽ trở về Việt Nam.

2 tỉ đồng đầu tư ấy nếu không tham nhũng, không đánh quả gian lận, không xuất sắc tài năng, tôi nghĩ ít người có thể tích cóp ngay lại được.

Bài toán cấp 1 ngây ngô này của tôi dẫn đến đâu?

Chỉ để chứng minh một điều rằng: số tiền đầu tư ấy chắc chắn không đẻ ngay ra lợi nhuận, nghĩa là nó không phải bài toán kinh tế, 100% là bài toán đầu tư cho những giá trị bền vững.

Nó giúp con cái chúng ta có cơ hội được sống và học tập ở một nước phát triển, có một cái nghề, và như cha mẹ nào cũng hay nói - mở mang đầu óc.

Vậy điều gì để phân biệt một người đã được “mở mang đầu óc”?

Tôi nghĩ kiến thức nghề nghiệp chỉ chiếm 50%, phần còn lại là những tri thức khác nữa của nhân loại.

Thiếu đi 50% này, quả thật đáng tiếc, và nghĩ đến tận cùng, không thể gọi là một trí thức - chỉ là một người có tay nghề. Và như vậy, công cuộc đầu tư không thể gọi là thành công.

Tôi theo dõi nhiều diễn đàn của các bạn lưu học sinh du học, tôi gặp gỡ người này người khác, tôi thấy có một lỗ hổng lớn trong những lời cha mẹ gói ghém gửi theo con - ấy là hãy học thêm những thứ cha mẹ đã không có cơ hội được học, xem thêm những thứ cha mẹ đã không được xem và học lấy một thứ mà chúng ta vì điều này hay điều khác đã mai một - là tinh thần của một trí thức.

Tôi ngồi đếm topic trên diễn đàn hay forum của các em du học, vừa thương các em mà vừa buồn lắm. Rao bán son, nhận chuyển hàng, nhận làm bún, bánh, nộm, xôi, chè, gỏi, lòng, bánh tráng trộn...

Thông báo ở đâu có hàng hạ giá, làm sao đón bố mẹ sang chơi, nhận làm hộ hồ sơ đăng ký học tại các trường danh tiếng, khoe trải nilon ăn lẩu, khoe hàng hiệu.... Chẳng thiếu gì.

Các em đáng yêu, các em năng động, các em biết kiếm tiền để phụ cha mẹ hoặc tích lũy cho bản thân, lương thiện thôi. Nhưng tôi cứ thấy thiếu.

Tôi chờ những thông báo rủ rê nhau đi xem, nghe những buổi hoà nhạc đáng giá, tôi chờ các em thông báo cho nhau ở đâu có ra mắt sách và trao đổi với tác giả, tôi thèm thấy các em khấp khởi với tin có triển lãm hay, lan truyền nhau những hoạt động thiện nguyện.

Có, nhưng mà hiếm vô cùng. Nếu có chăng hầu như là của những gia đình cha mẹ cũng đã từng du học hay đi đây đi đó, hiểu thế nào là giá trị của người được khai sáng tinh thần.

Tôi biết nhiều em du học gần 10 năm chưa bao giờ đi xem kịch, tôi biết nhiều em mua túi LV để đi chơi nhưng chưa bao giờ tò mò muốn biết “Giselle” là tác phẩm ballet nào.

Tôi bị đánh gục khi đọc tin có em ăn học ở nước Pháp (nghĩa là đi học gần như miễn phí, hàng tháng chính phủ trợ cấp ít nhất 30% tiền nhà, đi tàu xe, xem phim giảm giá một nửa, chữa bệnh gần như bao cấp) vậy mà lúc đi làm lại khai gian nuôi cha mẹ ở Việt Nam để trốn thuế thu nhập, rồi bị phát hiện rằng cha mẹ có nhà có tài khoản nhiều ngàn đô. Sao buồn thế.

Tinh thần ham học hỏi của một trí thức đã được mở mang đầu óc, tính chính trực của một người sống trong xã hội nhân văn và tôn trọng kỷ cương - là phần 50% còn lại để làm nên giá trị con người.

Phải chăng nỗi ám ảnh về cái nghèo và những năm tháng trí thức ít được coi trọng đã khiến nhiều bậc cha mẹ quên gói ghém trong hành trang du học của con tinh thần ấy?

Tôi vẫn nghe câu nhiều người nói: "Thôi, Việt Nam phải chờ thế hệ trẻ nó lớn lên, chờ bọn trẻ con du học về nó thay đổi thì xã hội mới tiến được".

Ừ thì hy vọng, nhưng lịch sử đã chứng minh nhiều thành tựu của con người có được là nhờ kiến thức và cũng chứng minh nhiều thảm họa phát sinh cũng chính từ tri thức mà thiếu tinh thần chính trực và lòng nhân.

Hè lại đến, tôi chắc năm nay sẽ lại chào nhiều con cháu bạn bè hàng xóm quen biết đi du học.

Các em thật may mắn, nhưng chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và biết giá trị của xã hội văn minh hơn nếu cha mẹ gói trong ba lô ít hạt mầm khát vọng để thành người.

Chữ “Người” viết hoa của văn minh và tri thức.

Lên đường may mắn nhé!

Theo DUHOCDUC.DE


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan