Trang Studying in Germany đưa ra những việc bạn cần giải quyết ngay sau khi đáp máy bay xuống Đức.
1. Tìm chỗ ở
Khi bắt đầu cuộc sống xa nhà, điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến là chỗ ở. Đây là mối bận tâm lớn của du học sinh nếu như không có người quen tại Đức. Có rất nhiều lựa chọn cho bạn về chỗ ở tại quốc gia này, nhưng đối với những du học sinh không quá dư dả về tài chính, việc thuê nhà sẽ gặp đôi chút khó khăn.
Có các loại hình lưu trú du học sinh có thể lựa chọn là ký túc xá, homestay và thuê chung cư. Bạn nên cân nhắc và lựa chọn kỹ càng bởi chỗ ở ảnh hướng rất nhiều đến việc học tập và đi lại của bạn nơi xứ người.
Lời khuyên cho du học sinh là cần hoàn thành bước này trước khi đến Đức bởi có thể bạn sẽ không tìm được nhà ngay, việc đi thuê nhà trong một vài ngày có thể gây ra rắc rối.
2. Đăng ký địa chỉ nhà
Cũng giống như tại Việt Nam, khi chuyển đến sống ở nơi khác, bạn phải ra gặp công an để đăng ký tạm trú.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục thuê nhà tại Đức, bạn sẽ phải đến cơ quan hành chính gần nhất gọi là Anmeldung để khai báo thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, thời gian lưu trú và học tập tại Đức…
Việc đăng ký địa chỉ tạm trú tại Anmeldung phải được thực hiện trong 2 tuần kể từ khi bạn đến quốc gia này. Nếu không trình bày rõ ràng lý do và thời gian đến và rời Đức, bạn có thể bị trục xuất về nước.
Các tài liệu bạn cần mang theo khi đăng ký địa chỉ cư trú là:
– Chứng minh thư hoặc hộ chiếu. – Visa. – Hợp đồng thuê nhà đã có chữ ký của chủ nhà. – Thông tin liên lạc của chủ nhà. – Đăng ký kết hôn (nếu có).
Thành phố Munich, Đức. Ảnh: Exist
3. Làm giấy phép cư trú
Nếu không phải là sinh viên đến từ Liên minh châu Âu hoặc khối kinh tế châu Âu và ở lại Đức trong thời gian dài hơn 90 ngày, bạn phải đến văn phòng nhập cư địa phương để xin giấy phép cư trú.
Tùy thuộc vào quốc tịch, bạn có thể phải xin giấy phép cư trú từ nước bạn trước khi đến Đức. Để xin giấy phép, bạn cần chuẩn bị một số giấy tờ:
– Hộ chiếu.
– Giấy chứng nhận tạm trú do cảnh sát Đức cấp.
– Chứng chỉ tiếng Đức.
– Giấy chứng nhận sức khỏe.
– Thống kê tài chính.
– Quyết định cho phép nhập học của trường.
– Giấy đăng ký kết hôn (nếu có).
4. Đăng ký bảo hiểm y tế
Trong luật Đức, bảo hiểm y tế cho du học sinh là bắt buộc. Tất cả mọi người đến Đức cư trú dài hạn hay ngắn hạn, có việc làm hay thất nghiệp đều phải đóng bảo hiểm y tế cho khoảng thời gian sống tại đất nước này.
Bạn phải làm xong bước này thì mới có thể ở lại và học tập tại Đức.
Có hai loại bảo hiểm tại Đức là bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế cá nhân. Bảo hiểm bắt buộc áp dụng cho mọi đối tượng với các mức thu nhập khác nhau. Tuy nhiên, các chế độ được hưởng tại bệnh viên bị giới hạn. Nếu muốn nhận nhiều ưu đãi hơn khi điều trị và sử dụng cơ sở vật chất tại bệnh viện, bạn cần đóng bảo hiểm y tế cá nhân, áp dụng cho những người có mức thu nhập cao hơn.
Thành phố Frankfurt (Đức) về đêm. Ảnh: Cathay Pacific
5. Hoàn thành thủ tục nhập học
Để có thể đi học tại trường đã trúng tuyển, bạn cần hoàn thành thủ tục nhập học. Hồ sơ nhập học yêu cầu nhiều giấy tờ, tùy thuộc vào trường và chuyên ngành bạn đăng ký. Để chắc chắn việc cần những giấy tờ gì, bạn cần liên lạc trước với trường qua email và tìm hiểu thông tin ở website.
Một số giấy tờ bạn cần mang theo:
– Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. – Đơn xin nhập học (tải mẫu đơn từ website của trường). – Giấy chấp nhận nhập học của trường. – Bằng hoặc chứng chỉ bạn đã có. – Chứng chỉ ngoại ngữ.
Với bất kỳ loại giấy tờ nào, bạn cần chú ý về thời hạn giá trị sử dụng. Để tránh việc bị từ chối nhập học do chứng chỉ hết hạn, bạn cần đảm bảo mỗi chứng chỉ còn thời hạn ít nhất một năm.
6. Mở tài khoản ngân hàng
Tại Đức, bạn cần có một tài khoản ngân hàng để trả tiền thuê nhà, nhận lương và thanh toán các dịch vụ khác.
Đức là quốc gia có nhiều ngân hàng nhất châu Âu nên du học sinh có nhiều lựa chọn trong việc mở tài khoản tín dụng. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo thông tin từ dân bản xứ để lựa chọn phù hợp vì mỗi ngân hàng sẽ có mức phí khác nhau.
7. Mua sim điện thoại
Là du học sinh, thời gian lưu trú tại Đức của bạn sẽ từ 2 đến 5 năm. Thay vì mang theo số điện thoại khi còn dùng tại Việt Nam rồi chuyển vùng, bạn nên mua một sim điện thoại tại Đức để tiết kiệm chi phí.
Ba nhà khai thác mạng di động lớn nhất tại Đức là Deutche Telecom (trước đây là T- Mobile), Vodanfone và O2. Các công ty này cung cấp bộ dịch vụ toàn diện và các sản phẩm viễn thông với giá tương đối rẻ.
Nguồn: vnexpress
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC