Pháp
Ở Pháp, học sinh năm cuối THPT sẽ tham gia kỳ thi Tú tài (Baccalaureáte hay Bac) để tốt nghiệp trung học và tiếp tục các bậc học khác. Kỳ thi tú tài để vào ĐH là Baccalaureát général (Tú tài tổng quát), gồm 3 ban: ban Khoa học (Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học vật lý), ban Văn (Pháp văn, Ngoại ngữ, Triết học và Nghệ thuật), ban Kinh tế và Xã hội (Toán, Kinh tế học, Khoa học xã hội, Lịch sử và Địa lý).
Hầu hết các bài thi được đưa ra dưới hình thức tự luận. Học sinh có thời gian đáng kể (tùy thuộc vào kỳ thi, từ 2 đến 5 giờ) để làm bài luận dài và phải đạt điểm 10/20 ở tất cả các môn thi để vượt qua kỳ thi. Thời gian diễn ra Tú tài tổng quát thường là tháng 6 hàng năm.
Ngoài Tú tài tổng quát còn có Baccalaureát technologique (Tú tài kỹ thuật) chuyên về thực hành và lý thuyết ngành nghề để học sinh có thể học lên cao hơn và Baccalaureát professionalnel (Tú tài chuyên môn) đào tạo về kiến thức để học sinh tham gia thị trường lao động.
Đức, Na Uy, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ
Khác với Pháp, một số quốc gia khác ở châu Âu không tổ chức thi đại học (ĐH). Điểm từ Abitur (bằng tốt nghiệp THPT) ở Đức sẽ là điều kiện nộp đơn vào ĐH theo lựa chọn cá nhân.
Tương tự, Na Uy tuyển sinh ĐH dựa trên điểm số, chuyên ngành cũng như các môn học ở trường THPT qua Dịch vụ Tuyển sinh các trường ĐH và Cao đẳng của nước này.
Học sinh ở Áo, Thụy Sĩ và Bỉ đậu Matura (kỳ thi tương đương Abitur hoặc Baccalaureát) đều có thể đăng ký vào bất kỳ ngành nào tại một trường ĐH công.
Nga
UST (Unified State Exam) là kỳ thi mà học sinh Nga phải tham gia để xét tốt nghiệp trung học và vào ĐH, cao đẳng chuyên nghiệp. Các môn thi gồm: tiếng Nga, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Văn học, Lịch sử, Xã hội học, Khoa học máy tính. 2 môn thi bắt buộc là tiếng Nga và Toán, các môn còn lại tùy thuộc yêu cầu của trường ĐH hoặc ngành mà học sinh muốn ứng tuyển.
Mỗi môn thi có 2 phần là trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm là các câu hỏi ở dạng trả lời ngắn, được chấm bằng máy; phần tự luận yêu cầu thí sinh phải vận dụng khả năng sáng tạo để hoàn thành, có thể là bài toán khó, viết bài luận hoặc một vấn đề cần tranh luận (tùy theo môn) và được giáo viên bộ môn chấm.
Tháng 3 là thời điểm học sinh ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi UTS. Kỳ thi quan trọng này được tổ chức vào tháng 6 hàng năm trên phạm vi toàn quốc với cùng 1 đề thi để tránh gian lận trong thi cử
Trung Quốc
Kỳ thi Tuyển sinh ĐH toàn quốc hay Cao khảo (Gaokao) là kỳ thi chung được tổ chức hàng năm ở Trung Quốc. Cao khảo là điều kiện tiên quyết để vào hầu hết các cơ sở giáo dục bậc ĐH tại nước này, thường dành cho học sinh năm cuối cấp THPT, mặc dù đã không giới hạn độ tuổi kể từ năm 2001.
Kỳ thi gồm 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga, Đức và Tây Ban Nha) và 1 môn thuộc Khoa học xã hội (Lịch sử, Chính trị và Địa lý) hoặc thuộc Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học). Về hình thức thi, ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác của kỳ thi Cao khảo là dạng đề thi kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm, trong đó phần lớn là dạng thức thi trắc nghiệm với tổng thời lượng làm tất cả các bài là 9 tiếng.
Theo thông lệ, Cao khảo diễn ra từ ngày 7 đến 8/6 hàng năm, mặc dù ở một số địa phương có thể kéo dài thêm 1 ngày. Với số lượng thí sinh dự thi lớn (có thể đến 10 triệu) và tỷ lệ "chọi" cao, Cao khảo được xem là một trong những kỳ thi ĐH khốc liệt nhất thế giới.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ
Ở đa số các quốc gia châu Á khác đều có kỳ thi ĐH. Nhật Bản tổ chức thi ĐH vào tháng 1 và thường qua nhiều vòng thi. Kỳ thi tuyển sinh ĐH ở Hàn Quốc là CSAT (College Scholastic Aptitude Test) hay còn gọi là Suneung, chủ yếu thuộc dạng trắc nghiệm và thường tổ chức vào giữa tháng 11.
Trong khi đó, ở Ấn Độ, nhiều trường ĐH sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Một trong những kỳ thi nổi bật là JEE-Main (Joint Entrance Examination - Main ) để vào các trường kỹ thuật công lập hàng đầu của Học viện Công nghệ Quốc gia.
Mỹ , Canada
Tuyển sinh ĐH ở Mỹ khá linh động. Nước này không tổ chức một kỳ thi chung toàn bang hay cả nước mà các trường sẽ chủ động xét tuyển. Các trường ĐH có thể tuyển sinh 1-2 lần trong năm với kỳ mùa thu (tháng 8 hoặc 9) và kỳ mùa xuân (tháng 1 hoặc 2) hoặc tuyển đến khi nào đủ sinh viên.
Thông thường, học sinh sẽ tham gia 1 trong 2 kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) hoặc ACT (American College Testing) để xét tuyển vào ĐH. SAT tập trung nhiều hơn vào các kỹ năng logic và suy luận, với 215 câu hỏi cho các bài thi tiếng Anh, Toán, Đọc hiểu và Khoa học và 1 bài luận tùy chọn.
Khác với SAT, ACT đánh giá kiến thức các môn đã học tại trường, gồm 154 câu hỏi cho các bài thi Ngôn ngữ viết, Toán, Đọc hiểu cùng 1 bài luận tùy chọn. Không có sự phân biệt giữa 2 kỳ thi, vì vậy điều quan trọng là học sinh phải chọn kỳ thi phù hợp cho bản thân.
Ngoài điểm thi SAT và ACT, nhiều trường có thể yêu cầu thêm bảng điểm trung học, thư giới thiệu, bài luận hay phỏng vấn và dựa trên những kết quả này để lựa chọn sinh viên mới.
Tương tự Mỹ, nước láng giềng Canada cũng không có kỳ thi tuyển sinh ĐH chung mà chỉ sử dụng hình thức xét tuyển, mỗi trường sẽ có một tiêu chuẩn riêng.
Nguyễn Ngọc
Nguồn: Phụ nữ Việt Nam
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC