Sau bài viết này mình mong có thể giải đáp 1 số thắc mắc cho các bạn có ý định du học Đức cũng như cho các bạn một số lời khuyên trong việc lên kế hoạch đi du học. Vì lượng thông tin khá nhiều có thể làm các bạn choáng ngợp nên mình chỉ đưa một số thông tin mà mình xem là quan trọng nhất vào bài viết.
1. Tại sao lại chọn nước Đức?
Câu này khó. Mỗi người có một lý do khác nhau. Câu này mình không trả lời cho từng người được, chỉ có thể nói lý do của mình để các bạn tham khảo: bản thân mình muốn đi du học từ nhỏ nhưng lại sợ gia đình không có đủ chi phí cho mình đi, cũng không muốn dựa quá nhiều vào họ.
Đi du học Đức vừa có thể tiết kiệm học phí cũng như phí làm hồ sơ.
Ngoài ra Đức còn là một trong những nước dẫn đầu về kỹ thuật khoa học, đặt biệt là kỹ thuật chế tạo máy, ngành mình muốn học trong tương lai. Đắn đo duy nhất của mình lúc đó là không biết có nên nghỉ học đại học để học tiếng Đức hay không.
Mình đó giờ học khối A, không có năng khiếu về ngôn ngữ, nói thẳng ra là học tiếng Anh còn chưa xong mà sao còn nghỉ đến chuyện học tiếng Đức. Nhưng vẫn làm liều đi học, sau 1 năm rưỡi kể từ lúc bắt đầu học tiếng Đức thì bây giờ chuẩn bị vào đại học rồi.
2. Học tiếng Đức có khó không?
Khó. Lúc mới bắt đầu học A1 mình mới được mở mang tầm mắt là trên đời thực sự có một ngôn ngữ kì lạ đến thế. Ngữ pháp khó và nhiều trường hợp đến mức lố bịch. Nhưng sau đó mình vẫn vượt qua. Nói chung là cần động lực và phương pháp học tập đúng.
3. Học phí tại Đức
Tính tới thời điểm hiện tại (8/2017), chính sách miễn học phí cho những trường công tại Đức vẫn được áp dụng trên 15/16 bang, trong đó bang Baden-Württemberg thu học phí 1500e/1 học kỳ từ kỳ đông 2017 và bang Nordrhein-Westfalen đang đưa ra đề án thu học phí cũng với mức 1500e/1 học kỳ.
Ngoài học phí ra bạn vẫn phải đóng 1 khoảng nhỏ gọi là Semesterbeitrag (tạm hiểu là phí quản lý sinh viên) từ 100e đến 300e/1 học kỳ tùy trường, bù lại khi là sinh viên bạn được mua vé phương tiện công cộng, vé xem phim, nghe nhạc, software, laptop,… rẻ hơn bình thường.
4. Phí sinh hoạt tại Đức
Thông thường trong tiền sinh hoạt tháng, phí thuê nhà là phí cao nhất. Một số báo cáo về phí sinh hoạt của sinh viên Việt Nam thì các bạn có thể xem ở đây.
Theo mình thì phí sinh hoạt hiện tại có tăng lên chút đỉnh so với năm 2015. Nếu bạn không ở các thành phố đắt đỏ như München, Hamburg, Frankfurt thì khoảng 600e/1 tháng là ổn.
5. Điều kiện du học Đức có khó không?
Theo mình so với những nước như Anh, Úc, Mỹ nếu bạn muốn nhận được học bổng thì phải chuẩn bị từ rất sớm để có nhiều thành tích, bản điểm đẹp và chứng nhận hoạt động xã hội.
Thì ngược lại đi du học Đức bạn bắt đầu tìm hiểu sớm hay muộn đều không quan trọng, bạn không hề biết 1 chữ tiếng Đức nào cũng không sao.
Tuy nhiên việc du học Đức phải qua nhiều bước nên việc quan trọng nhất là phải vạch ra được 1 kế hoạch du học chi tiết và tỉ mỉ. Tóm lại là điều kiện du học Đức (chưa tính ngôn ngữ) thì gần như tất cả những học sinh bình thường đều đạt được cả, nghĩa là đầu vô rất dễ (so với việc học miễn phí hoặc với học phí thấp), nhưng qua được hay không thì phụ thuộc vào bản thân bạn.
Trường dự bị (hay còn gọi là Studienkolleg, viết tắt là STK) là gì?
Do Đức không công nhận nền giáo dục của các nước đang phát triển nên họ buộc bạn phải học 1 khóa học dự bị tại một trường dự bị (Studienkolleg) trước khi vào đại học, mỗi trường dự bị đều được một trường đại học quản lý. Trong khóa học này bạn sẽ được học thêm tiếng Đức, toán, lý, hóa, kinh tế, lịch sử, tin học,… tùy thuộc vào khối ngành sau này bạn muốn học.
Sau khi bạn hoàn thành STK thì có thể dùng điểm tốt nghiệp STK cùng với điểm tốt nghiệp ở Việt Nam để xét vào bất kỳ trường đại học nào ở Đức. Khóa dự bị kéo dài từ 1 kì (6 tháng) đến 2 kì (1 năm), bù lại chương trình học ở Đức kéo dài từ 3 đến 3 năm rưỡi.
Việc học STK vẫn miễn phí trên toàn nước Đức, kể cả Baden-Württemberg, nhưng bạn vẫn phải đóng phí quản lý sinh viên (Semesterbeitrag). Việc học dự bị khối gì phụ thuộc vào ngành học bạn đậu vào ở VN và ngành bạn có ý định học ở Đức.
Studienkollegs.de
Đây là các khối dự bị phổ biến nhất.
Điều kiện THI dự bị tại Đức
Mỗi năm điều kiện du học Đức sẽ khác một chút đáp ứng với thay đổi của bộ giáo dục và đào tạo, nhưng nhìn chung thì có thể tóm tắt như sau: tổng điểm thi tốt thiểu là 60%, trong đó không có môn nào dưới 4, đậu 1 hệ đại học chính quy thì được học dự bị cùng nhóm ngành.
Về mặt ngôn ngữ bạn cần chứng chỉ tiếng Đức ít nhất là B1. Sau khi nhận được giấy báo của trường dự bị (gọi là Zulassung hoặc Zu, tiếng Anh là admission) thì bạn có thể xin visa để lên đường đến Đức.
Khoan đã! Trước khi được phép học dự bị thì bạn phải thi đầu vào dự bị nữa.
Do lượng học sinh muốn học dự bị đông hơn số lượng chỗ học mà trường có thể cung cấp nên các bạn phải thi 1 kì thi đầu vào (tên là Aufnahmetest) để lấy được 1 suất học.
Bài thi thông thường bao gồm 1 bài thi tiếng Đức và một bài thi toán (thường khối T M W sẽ thi thêm toán). Nếu lỡ trượt thì bạn có thể kiếm 1 khóa học tiếng Đức (mất tiền) để gia hạn visa và nâng cao trình độ tiếng trong khi chờ kì sau thi lại. Bạn có thời hạn 2 năm để hoàn thành việc học dự bị. Lỡ như bạn thi dự bị hoài không đậu thì có thể vào học trường dự bị tư (mất tiền).
Thi dự bị có khó không?
Nhìn chung thì lượng thí sinh Việt Nam tạch kì thi này tại lần đầu cũng khá nhiều. Không phải do bài thi toán mà là do bài thi tiếng Đức. Học cấp tốc lên B1 trong chỉ 1 năm không thể nào bằng các bạn nước ngoài học 4 5 năm từ khi còn học phổ thông cả.
Nhưng theo mình các bạn vẫn có cơ hội tốt nếu chịu khó tiếp xúc tiếng Đức từ sớm và học tiếng Đức đoàng hoàng, nghiêm túc khi còn khi ở nhà.
Học dự bị xong có bảo đảm 1 suất học tại 1 trường đại học Đức không?
Sau khi tốt nghiệp dự bị xong bạn được phép chuyển vào chương trình đại học tùy theo khố dự bị bạn. Ở Đức có hơn 10.000 chương trình đào tạo nên miễn là bạn tốt nghiệp trường dự bị thì chắc chắn sẽ kiếm được 1 suất học, đừng lo trong tất cả các khối dự bị (nhóm ngành) luôn luôn có những ngành không giới hạn suất học.
Nên đúng ngành học hoặc trường học mà bạn mong muốn không thì mình không dám nói trước vì ngược lại có 1 số ngành giới hạn về suất học. Để vào được ngành và trường mong muốn bạn nên cố gắng hoàn thành STK thật tốt để điểm tốt nghiệp cao.
Có thể vào thẳng đại học Đức mà không qua dự bị không?
Được. Ngoài điều kiện trên thì bạn cần hoàn thành 4 học kỳ ở 1 đại học tại Việt Nam và ít nhất bằng tiếng Đức DSH-2 (tương đương C1). Do ở VN không có chỗ dạy và thi DSH nên thông thường các bạn đi theo dạng này vẫn phải qua Đức học 1 khóa DSH kéo dài khoảng 6 tháng trước khi vào đại học.
Có thể học ở Đức bằng tiếng Anh không?
Được. Tuy nhiên chương trình miễn phí tiếng Anh ở bậc Bachelor vẫn khá hạn chế. Các ngành kỹ thuật dạy bằng tiếng Anh gần như là không có luôn. Các trường dự bị đều dạy bằng tiếng Đức nên các bạn muốn học bằng tiếng Anh cũng phải học ít nhất 4 học kỳ đầu tiên tại 1 đại học ở Việt Nam.
6. Du học sinh ở Đức được phép làm thêm bao nhiêu giờ?
Theo điều luật hiện hành, sinh viên được phép đi làm 120 ngày và 240 nửa ngày trong 1 năm. 1 ngày được phép làm tối đa làm 8 tiếng, nửa ngày 4 tiếng. Để biết thêm chi tiết cụ thể thì vào đây.
Đối với sinh viên mới qua thì dạng công việc phổ biến là làm bồi bàn. Theo luật Đức thì khi đang học dự bị bạn chỉ được làm trong Ferien (tức kì nghỉ).
Nếu bạn làm cho quán Việt thì thường không có hợp đồng (tức là làm chui) nên muốn làm lúc nào cũng được, không giới hạn số giờ nhưng bù lại lương thấp hơn lương tối thiểu ở Đức. Làm cho quán Việt bạn có thể kiếm tới 1500e/1 tháng nếu chịu làm hơn 50 tiếng 1 tuần.
Làm cho Đức thì có thể bạn phải trả thuế, bị giới hạn số giờ làm nhưng bù lại được trả lương cao hơn. Kiếm được một công việc như ý muốn cũng không phải đơn giản, đòi hỏi sự chủ động và khả năng tiếng Đức của bạn.
Ngoài ra ở một vài Studienkolleg nếu điểm số khi học của bạn cao thì trong kì nghỉ có thể đi làm tutor cho Vorkurs (khóa chuẩn bị cho việc học đại học, mục đích tương tự như Studienkolleg nhưng dành cho các bạn có thể học thẳng đại học muốn bổ sung thêm kiến thức).
7. Ở Đức có học bổng không?
Có. Nếu các bạn không biết thì học bổng phần lớn là một phần tiền học phí của những sinh viên khác. Vậy nên do ở Đức miễn học phí rồi nên học bổng ít và khó lấy, nhất là ở bậc thấp như Bachelor nữa.
8. Tự làm hồ sơ hay qua trung tâm du học?
Nhiều bạn nghe tới việc tự làm hồ sơ có thể sẽ thấy lạ, vì đó giờ muốn du học toàn qua trung tâm du học tư vấn cả.
Mình không có người thân ở Đức, cũng chả có bạn bè học ở đây, chả ai định hướng cả nhưng do thấy qua trung tâm đơn giản là quá tốn tiền mà có khi chả được như muốn nên cũng tự mày mò tìm hiểu đại học Đức và làm hồ sơ, ráng chịu khó tìm hiểu và chủ động 1 tí thì mọi thứ đều suôn sẻ cả.
Nhưng nói chung thì mình cũng không ép mấy bạn tự làm hồ sơ như mình vì tiền của bạn, xài sao là quyền của bạn. Lời khuyên của mình: dù qua trung tâm hay không bạn cũng phải nắm rõ thủ tục du học Đức, đừng phó mặc hết mọi thứ cho họ. Trước khi tới bất kì trung tâm du học nào thì mình khuyên hãy tới DAAD để được tư vấn chính xác nhất. DAAD không phải trung tâm tư vấn du học nhé, muốn biết là gì thì vào đây.
9. Làm hồ sơ du học Đức
Khi còn đang ở phổ thông, tuy chưa thể làm hồ sơ ngay được nhưng bạn có thể dành thời gian tìm hiểu và chuẩn bị vài thứ.
Người thân ở Đức (nếu có) có thể giúp đỡ gì cho bạn không?
Có người thân ở Đức là một lợi thế, trong bài dưới đây ghi quá đủ rồi nên mình không nói thêm nữa.
Người thân ở Đức
Tuy nhiên, không có thì cũng không sao. Nhiều bạn không có người thân hoặc không đi theo diện bảo lãnh vẫn sống và xoay sở tốt.
Những việc cần làm
- Xác định rõ ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân (đối với những bạn chưa thi tốt nghiệp): việc này cực kì quan trọng nhé, biết rõ mình thích ngành gì, muốn làm gì giúp bạn định hướng rõ hơn, lập kế hoạch chính xác và tỉ mỉ hơn. Ngoài ra thì trong điều kiện du học Đức cũng ghi rõ là việc bạn được phép học nhóm ngành nào phụ thuộc vào ngành mà bạn đậu vào ở Việt Nam, nên chú ý mà ôn thi cho đúng. Tham khảo thêm: Theo cách các bạn Đức tìm trường và ngành học
- Tìm hiểu cơ hội việc làm của ngành nghề tại Đức (nếu muốn học xong ở lại Đức): hiện nay nhóm ngành đang khát nhân lực nhất vẫn là nhóm ngành kỹ thuật. Tuy nhiên những ngành này học khá khó, nếu không có sở thích và năng lực cũng không nên giượng ép bản thân.
- Cập nhật điều kiện du học Đức
- Tìm hiểu về trường đại học ở Đức, Fachhochschule và Universität là gì?: trường đại học ở Đức thì vô số kể và chất lượng đào tạo khá ngang nhau. Một số trường top có tiếng hơn đối với nhà tuyển dụng và tất nhiên cũng khó vào hơn (nếu chỉ xét 1 ngành cụ thể). Fachhochschule (hoặc Hochschule, gọi tắt FH) tạm hiểu là trường đại học khoa học ứng dụng (tiếng anh: University of Applied Sciences) còn Universität là trường đại học hàn lâm
- . Ở Uni dạy thiên lý thuyết, theo hướng nghiên cứu, còn ở các FH dạy thiên về thực hành. Nói vậy thôi chứ ở đâu thì bạn cũng được học đầy đủ lý thuyết lẫn thực hành cả. Mới nghe lúc đầu thì cảm thấy FH hay hơn Uni, thực ra mỗi loại hình đều có ưu điểm và nhược điểm, nên học các nào tùy vào bản thân muốn làm gì sau này. Mình từng đi nghe tư vấn của trường thì họ nói thế này: nếu sức học vừa phải, thích thực hành hơn lý thuyết, muốn ra trường kiếm việc nhanh thì nên học FH, còn nếu sức học tốt, muốn tham gia nghiên cứu hoặc thăng tiến nhanh hơn trong công việc sau này thì nên học Uni.
- Làm quen với tiếng Đức: nếu việc học tập trong trường không là gánh nặng đối với bạn thì bạn có thể đi học tiếng Đức từ sớm. Còn không thì để sau khi tốt nghiệp. Dù thế nào bạn vẫn nên tập làm quen với tiếng Đức từ sớm để việc học tiếng sau này thuận lời hơn:
Cố gắng học tập và thu thập thêm kiến thức (đối với những bạn chưa tốt nghiệp cấp 3): tiếng Đức là một ngôn ngữ khó, cộng thêm kiến thức ở Đại Học cũng không hề dễ nuốt nên chuyện học sẽ rất vất vả. Tốt nhất là bạn nên chuẩn bị từ sớm để việc học sau này được thuận lợi hơn. Ví dụ nếu bạn đã xác định sau này muốn học kỹ thuật rồi thì nên tập trung học toán lý hóa thật tốt, ngoài ra có thể bổ sung thêm kiến thức bằng cách học lập trình, đọc những bài báo về công nghệ,…
- Tìm hiểu DAAD: DAAD là một cơ quan do chính phủ Đức lập ra để tư vấn cho học sinh có ý định du học Đức, điều kiện du học Đức hằng năm sẽ được cập nhất sớm nhất và chính xác nhất trên trang web của DAAD Việt Nam, lưu ý DAAD không phải trung tâm tư vấn du học nhé.
Nguồn: http://hotrosv.de/
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC