Đồ đạc cần mang khi du học Đức

Mình chỉ muốn các bạn nhớ là với khoảng 40kg hành lý, các bạn nên suy nghĩ và cân nhắc đem những thứ thật cần thiết cho bản thân.

Nghe thì nhiều nhưng xếp vèo cái là hết kg mà. Vân toàn phải tự hỏi là mình đã để những gì vào trong vali mà nặng thế, trong khi vẫn còn đồ đạc khác ở ngoài.

Vâng, khi bạn phải “tự hỏi” như thế, nghĩa là bạn đang sắp xếp hơi lệch và nên điều chỉnh lại.

14451 One Day I ll Travel The World

Thật ra bây giờ chưa phải là ngày mới đâu, đang là nửa đêm nhưng mà Vân chợt nhận được tin nhắn từ một cô em sắp sang Đức làm điều dưỡng viên và du học trong mấy tháng tới. Rất mừng cho em và biết rằng nhiều bạn cũng sẽ có cùng thắc mắc như cô nàng, thế nên mình phải bật dậy viết bài chia sẻ về chủ đề:

Mang gì sang Đức?

1. Có một lưu ý chung mình mong các bạn nhớ, đó là:

Đừng mang quá nhiều những thứ có thể mua ở bên đấy, chỉ mang những vật dụng khó/không thể mua thôi nhé. Những vật không nên mang nhiều: quần áo, giày dép, đồ dùng học tập (sách, vở).

Những vật nên mang:

nồi cơm điện, ổ cắm, giắc cắm điện chuyện từ 2 đầu sang 3 đầu (ở Đức hầu hết dùng giắc cắm 3 đầu), những loại gia vị Việt Nam mà bạn cần phải có trong trường hợp bạn không quen ăn đồ Tây và các loại thuốc bạn quen dùng…

2. Những loại quần áo nên mang:

Ở Đức, bạn tha hồ chọn và mua quần áo nhất là khi đến mùa sale, giá có khi còn thấp hơn ở Việt Nam mà chất lượng tốt.

Tất nhiên, nếu là con gái, sẽ không tránh được việc phải mang những bộ cánh must-have đẹp ơi là đẹp, không thể thay thế hay mua ở bên kia rồi đúng không?! Vân rất hiểu nỗi niềm đấy của các nàng nhé, vì trong suốt 5 năm ở châu Âu lúc nào mình cũng trong tình trạng bỏ quần áo đi thì không được vì quá thích, nhưng giữ lại cũng không xong vì không có cơ hội/thời tiết phù hợp để diện mà rất là tốn chỗ.

Thế nên trước khi sang, bạn nên tưởng tượng ra mình sẽ dùng bộ đồ đó như thế nào, tần suất nhiều không, có thể mua ở bên đó được không, thời tiết có phù hợp để mặc không… rồi mới quyết định cho vào vali mang đi nhé.

Thời tiết ở Đức thường là mát – lạnh – rất lạnh.

Rất ít khi trời nóng, và gần như chả bao giờ rất nóng cả. Kể cả vào giữa mùa Hạ khi ban ngày khá nóng thì đến chiều tối vẫn mát lạnh nhé. Nên dù các bạn có muốn diện váy ngắn mỏng tang vào những ngày nóng thì mình dự là cũng chẳng được mấy hôm đâu.

Tuy vậy, đồ kiểu, độc đáo bạn nên xem xét để mang, vì thời trang Đức khá là thô và hàng loạt í.

Bạn rất nên mang áo khoác mùa đông. Nhưng mỗi loại / kiểu dáng chỉ mang một chiếc nhé.

Ngày xưa mẹ Vân cứ sợ Vân mặc hay bị bẩn phải giặt nên cứ bảo mang theo mấy chiếc áo khoác giống nhau, to đùng. Mà tính Vân thì cũng khá điệu nên chẳng bao giờ chịu mặc đi mặc lại một kiểu áo.

Thế nên là thừa, mà vẫn thiếu! Tóm lại mang vài ba chiếc áo khoác kiểu dáng, màu sắc khác nhau nhé bởi vì cũng chẳng mấy khi bẩn đâu, bên đấy sạch lắm.

Ngoài ra, quần jeans, legging, quần len, (và với con gái, chắc không cần phải nhắc, nhưng thôi cứ nhắc – bra – vì cơ thể chúng ta rất nhỏ nhắn xinh xắn hơn so với các bạn Tây thế nên không có size cho chúng ta đâu.

Ngoài ra, phụ kiện mùa đông gồm khăn len, mũ len, găng tay và tất len là những thứ bạn cần mang theo nhiều nếu không muốn rét co lại như một quả chanh khô.

Kim chỉ cũng có thể đem theo phòng khi bạn vô tình làm rách quần áo. Chỉ vì một chỗ rách hay một chiếc khuy đứt mà không dùng được một bộ đồ mấy chục Euro thì cũng đắng đấy.

Ngoài hành lý ký gửi, bạn chỉ nên đem theo 1 vali nhỏ đựng laptop, máy ảnh và những thứ giá trị khác + 1 túi xách tay đựng Passport, ví, thẻ ngân hàng và vé máy bay.

3. Những loại đồ điện cần mang

Laptop là cái chắc chắn rồi, thứ quý giá nhất của một sinh viên đấy. Mà để laptop chạy thì sao?

Cần có ổ cắm 2 chân đầu tròn. Thật ra, bạn sang Đức rồi đến Media Markt mua cũng được.

Nhưng mình dự là trong ít nhất 3 ngày đầu bạn sẽ không biết đi đâu ngoài nhà, trường, và siêu thị. Thế nên tốt nhất là mua trước ở Việt Nam để tránh cảnh phải đi dùng laptop, điện thoại nhờ nhé.

Vâng, tiếp theo đúng là nồi cơm điện!

Mình chưa thấy ai mua nồi cơm điện ở Đức cả, và cũng chẳng thấy ở đâu bán. Nên dù thế nào cũng hãy cho bằng được nồi cơm điện vào vali nếu không muốn suốt ngày ăn spaghetti, hamburger, bánh mỳ, khoai tây nhé!

Ấm đun nước là thứ không cần thiết. Nước thì cứ uống thẳng từ vòi thôi bạn ạ.

Còn khi nào cần có nước nóng thì đun ở bếp vài ba phút là được. Hơn nữa là bạn có thể mua dễ dàng ở Media Markt, sale thường xuyên. Bàn là cũng vậy. Suy cho cùng, chúng ta là sinh viên, nên đi và trải nghiệm trên tinh thần gọn nhẹ, thân thiện, suồng sã, dễ di chuyển.

Chắc một năm sẽ có 1-2 lần cần phải là lượt tươm tất, lúc đó bạn có thể mượn ai đó trong cùng khu nhà.

4. Thuốc, các vật dụng y tế nhỏ

Nếu bạn hay bị ngạt mũi vào mùa đông, hãy đem theo thuốc xịt mũi yêu thích của bạn. Hồi năm 1 Đại học, mỗi lần Vân bị ngạt mũi là chỉ có đúng 1 loại thuốc của Việt Nam chữa được thôi.

Có mỗi 1 lọ, cứ vừa dùng vừa “run” vì sợ hết. May mà có một anh cùng lớp rất tốt bụng có mang theo và cho Vân hẳn một vỉ.

Thế là mình đã sống sót qua mùa đông năm đó với chiếc mũi thông suốt.

Thuốc cảm, thuốc đau bụng và các vật dụng sơ cứu, băng bó nho nhỏ bạn cũng nên đem theo. Bình thường thì không thấy cần đâu nhưng đến lúc “có biến” là sẽ thấy Vân chỉ được cái nói đúng đấy.

5. Các loại gia vị, đồ ăn khô bạn thích

Hành lý của Vân ngày đầu tiên chuyển đến Đức đây. Một vali to 30 kg, một vali xách tay 9 kg và một túi áo khoác đi đường. Ảnh chụp lúc 7h tối, một ngày tháng 9 tại Heilbronn, CHLB Đức, sau một chuyến bay rất dài…

Vân không phải là người kén ăn, nhưng lâu lâu mà chỉ dùng muối, không có một số gia vị Việt Nam thì vẫn thấy mình nhạt nhẽo kiểu gì.

Hồi, quế, vị phở, bột nêm… là những thứ rất nhẹ, không tốn diện tích mà bên này lại rất hiếm nên bạn hãy mang theo.

Tất nhiên, ở Đức nếu cố tìm thì cũng sẽ có thôi, cửa hàng châu Á không phải là không có.

Nhưng sẽ mất công lắm đấy.

6. Cuối cùng, tất nhiên là bản sao hồ sơ các bằng cấp bạn đã có, giấy mời học, visa-passport, ảnh

Nguyên tắc là đi đâu cũng đem theo visa & passport. Nhưng cũng đừng quên mang theo mấy bản copy có công chứng các chứng chỉ, bằng cấp bạn đã đạt được vì trường sẽ yêu cầu nộp đấy.

Ảnh cũng chụp trước nếu không muốn trả 20 Euro cho 8 tấm ảnh thẻ giống nhau như mình, mà chụp lại còn xấu nữa chứ, nhìn chỉ muốn xé, trông ngu ngu chứ không nghệ thuật như ở Việt Nam đâu.

Mình chỉ muốn các bạn nhớ là với khoảng 40kg hành lý, các bạn nên suy nghĩ và cân nhắc đem những thứ thật cần thiết cho bản thân.

Nghe thì nhiều nhưng xếp vèo cái là hết kg mà. Vân toàn phải tự hỏi là mình đã để những gì vào trong vali mà nặng thế, trong khi vẫn còn đồ đạc khác ở ngoài.

Vâng, khi bạn phải “tự hỏi” như thế, nghĩa là bạn đang sắp xếp hơi lệch và nên điều chỉnh lại.

Chúc các bạn sáng suốt trong việc packing và có một chuyến di chuyển ít mệt mỏi nhất!

 

Ngô Quỳnh Vân

vanabroad.com

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan