Trong kỳ học thì lao đầu vào học như một lũ điên vừa nhập trại, học bằng một ngôn ngữ khác là cảm giác mình sẽ học cả đời cũng không theo kịp sinh viên bản xứ, cảm giác này xuất hiện kèm theo triệu chứng rối loạn thần kinh và ức chế cùng cực. Bởi thế bạn bè mình nhiều người cũng bỏ ngang việc học để đi làm giấy kết hôn với một ai đó lạ huơ lạ hoắc để có đủ giấy tờ ở lại xứ người.
Kỳ học thì khùng điên như vậy. Trong kỳ nghỉ thì cắm cổ đi làm thêm lo trả tiền nhà, tiền ăn, tiền bảo hiểm, vì tâm lý chung chẳng đứa nào muốn xin trợ cấp từ ba mẹ quá nhiều. Đứa nào cũng biết, đổi tiền Euro ra tiền Việt thì cứ khủng khiếp theo cấp số nhân. Phải cân đo đong đếm hoài nên đầu óc đứa nào cũng “tư bản” hẳn ra.
Tối qua đúng bữa hội chợ mở nên quán chỗ mình làm đông khách. Tận 23:30′ mọi người mới lục tục dọn tiệm. Quán có một bác đồng hương với mình, khoảng chừng những năm 80 bác vượt biên qua Đức và “hạ cánh” ở trại tị nạn, rồi làm quán đã mấy chục năm rồi. Trong lúc dọn dẹp, bác hỏi, sao tụi con qua đây học làm chi cho vất vả, học bên này cực lắm, mà đi làm cũng không sung sướng hơn, phải chi con ở nhà có lẽ được ba mẹ nuôi hết 4 năm đại học mà không phải bươn chải rồi. Bác bảo, đã qua đây rồi thì gắng mà học con, học không nổi sau này nếu không bị trục xuất thì cũng ở lại làm quán suốt đời như bác thôi, và sống tha hương với cái mác “Việt kiều” hữu danh vô thực đến cuối đời…
Bác vừa kể vừa trầm ngâm nhìn điếu thuốc cháy dở. Mình chẳng nói gì thêm, cứ đều tay lau dọn cái tủ đựng cơ số các loại nước ngọt. Khói thuốc của bác phả vào ánh đèn mờ nhập nhoạng trong quán lúc cuối ngày…
Và mình đứng chờ tàu về, một mình, lạnh buốt, 0 giờ đêm…
Tác giả bài viết: Mai Hương – Uni Frankfurt
Tạp chí NƯỚC ĐỨC