Một số thông tin giúp Bạn hiểu rõ hơn về Du học Đức, khi lựa chọn trường để xin học.
Học TU khó hơn học FH, nhưng học TU hay FH cái nào tốt hơn thì nó còn phụ thuộc vào bản thân bạn và còn phụ thuộc cả vào ngành bạn học nữa.
Sự khác nhau giữa Uni và FH không đơn giản như Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam, mà đây là 2 mô hình trường Đại học của Đức với định hướng khác nhau.
Trước hết nói về FH (bao gồm cả những trường FH mới đổi tên thành Hochschule) vì loại hình trường này giống trường Đại học ở VN hơn nên các bạn có thể dễ hình dung hơn.
FH là đại học khoa học ứng dụng, tiếng Anh là University of Applied Sciences, với trọng tâm chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học thành các giải pháp ứng dụng cho cuộc sống.
Sinh viên học FH không quá đào sâu vào lý thuyết mà được chuẩn bị nhiều hơn để làm việc trong những lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên học FH vẫn là học Đại học (Studium), khác với học nghề (Ausbildung).
Đi học nghề là học một nghề cụ thể, học song song 50% thời gian ở trường nghề (Fachschule) và 50% thời gian là trực tiếp làm việc trong công ty, xí nghiệp. Mục đích của học nghề là học chính xác và áp dụng thuần thục những quy trình chuẩn trong nghề đó, học viên học để làm được như các thầy (Meister).
Trong khi đó chương trình đào tạo ở FH hướng đến rèn luyện cho sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, khuyến khích tranh luận với thầy cô, đồng nghiệp hay tìm ra các giải pháp mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Fachhochschule (FH) hay Tecknische universität (TU)?
Hiểu sơ sơ thì FH là Đại học Khoa học ứng dụng, sẽ thiên về thực hành.
Nhưng như thế không có nghĩa là bạn chỉ chủ yếu thực hành, lý thuyết bạn cũng sẽ được học và hiểu tương đối nhiều nhưng không sâu và tận tường tỉ mỉ như ở TU.
Còn TU thì sẽ đào sâu về lý thuyết, mang tính hàn lâm, nghiên cứu nhiều hơn.
Do đặc thù của hai hình thức trường đại học là khác nhau mà FH sẽ chỉ có đến Master còn TU thì bạn có thể học lên Doktor nữa.
Tuy nhiên với Bachelor/Master FH bạn cũng có thể học chuyển tiếp sang Master/Doktor TU nhưng tùy theo đòi hỏi của từng ngành và từng trường mà có lẽ bạn sẽ phải học lại hoặc học thêm vài môn trong TU trước khi chính thức học Master/Doktor.
Cuối cùng nói đến loại hình trường Uni hay TU
Theo đúng truyền thống của Đức thì định hướng của Uni là nghiên cứu khoa học và trang bị cho sinh viên có kiến thức toàn diện, sâu rộng, phát triển bản thân ("freier Geist"), chứ không phải là để đào tạo ra làm 1 nghề cụ thể.
Vì thế muốn thành bác sỹ thì học xong Uni ngành Y phải đi học tiếp Facharzt, muốn thành Luật sư hay Giáo viên thì học xong Uni phải đi đào tạo thực tiễn (Referendariat), học Báo thì học xong Uni phải đi học tiếp ở trường viết báo hay tòa soạn (Volontariat)...
Các ngành khác (Kinh tế, Kỹ thuật, Xã hội...) thì không cần chính thức phải đi học thêm ở đâu mà có thể đi xin việc ngay, tuy nhiên khi bước vào công việc thì phải tự học thêm để đáp ứng được những yêu cầu cụ thể của công việc.
Sinh viên tốt nghiệp Uni thường than phiền vì họ không có định hướng cụ thể và thiếu kiến thức thực tiễn, bù lại họ có tư duy tổng hợp và tính năng động cao, có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sinh viên tốt nghiệp FH có thể tìm được việc làm nhanh hơn, còn xét về lâu dài thì người tốt nghiệp Uni có cơ hội thăng tiến và thu nhập cao hơn.
Nhiều sinh viên sau 1-2 năm học Uni thấy quá khó và mông lung đã chuyển sang FH, cũng có nhiều người sau khi tốt nghiệp FH đi làm vài năm họ lại vào Uni học thêm lên.
Tóm lại là cơ hội lập thân lập nghiệp không phân biệt bạn học ngành gì và học ở trường nào, chỉ phân biệt bạn có phải là người giỏi trong cái việc bạn đang làm hay không mà thôi!
Nguồn: Bảo Ngọc - DUHOCDUC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC