Du học sinh ở Đức: Làm thêm nên chọn công việc gì?

Rất nhiều sinh viên Việt Nam qua Đức học và thường làm cho các quán ăn Việt Nam vì ở đó được làm nhiều giờ, nhiều ngày mà chỉ bị ghi ít ngày (do chủ không khai), được làm một ngày nhiều hơn 8 tiếng (bạn mình thường làm 12 tiếng/ ngày), cộng thêm làm cho quán Việt thì đỡ bỡ ngỡ.

 

Tuy nhiên lương chỉ được trả rất thấp mặc dù làm nhiều (tính lượng công việc trong 1 giờ).

Du học sinh ở Đức: Làm thêm nên chọn công việc gì? - 0

Du học sinh Việt làm thêm tại Đức như thế nào?

Thông thường mức lương dao động từ 5,5€ – 6€ / 1 giờ. Nhiều nơi có thể cao tới 7€ nhưng mình chưa thấy quán nào trả đúng lương tối thiểu 8,5€/ giờ cả.

Tiền Trinkgeld cũng ít quán cho cầm, có thể bỏ chung lợn rồi chia đều cho tất cả người làm, có thể là để cuối tháng liên hoan, nhưng cũng có trường hợp chủ quán sẽ lấy hết.

Mình không chọn giải pháp làm công việc này, có lẽ bởi vì áp lực kinh tế của mình không quá lớn như những bạn khác.

Hồi mới sang học STK, mình chỉ tập trung vào học để lấy thêm vốn từ chuẩn bị cho quá trình học đại học sau này. Ngay khi chuyển đến Kassel, thành phố mình hiện đang học tập và sinh sống, thì mình tìm việc luôn.

Mình thường tìm việc trên trang web:jobboerse.arbeitsagentur.de.

Tại đây các bạn chỉ cần điền tên thành phố + lĩnh vực tìm việc (mình chỉ chọn Minijob, tức là lương dưới 450€).

 

1. Lần đầu đi làm: Xưởng giặt là

Lần đầu tiên được gọi đi phỏng vấn là công việc của Tedi, phụ giúp kiểm kê hàng hóa và sắp xếp kệ. Tuy nhiên mình không được nhận công việc này. Sau đó, mình nhận được cuộc gọi từ Zeitarbeit cho công việc tại xưởng giặt là với mức lương 8,5€/ 1 giờ và 6 giờ/ tuần.

Tính ra mình làm được khoảng hơn 200€/ tháng. Xưởng này chuyên giặt các đồ đồng phục làm việc cho VW Werkr, Edeka, Rossmann vv..vv nên lượng công việc khá nhiều.

Mình phải làm luôn tay.

Du học sinh ở Đức: Làm thêm nên chọn công việc gì? - 1

Công việc của mình ở đây là đứng một chỗ, quần áo chạy theo dây chuyền đến chỗ mình.

Mình phải kiểm tra xem nó đã được giặt sạch chưa, có chỗ nào rách không, đã khô hẳn chưa, mác có bị bong không hay cái code còn đọc được không. Nếu có bất kì lỗi gì mình sẽ phải ấn vào màn hình quản lý cho lỗi tương ứng, chờ máy in tem ra và dính cái tem đó vào rồi gửi đi. Toàn bộ đều do máy móc, dây chuyền làm, mình chỉ đứng im tại máy tính và kiểm tra.

Công việc nghe thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng máy tính luôn đếm số lượng quần áo mình làm trong vòng 1 giờ, tính tốc độ trung bình và gửi đến máy của chủ/ quản lý.

Nếu hôm nào làm chậm thì sếp sẽ ra nhắc khéo:

Hôm nay ngài mệt à? Tôi thấy ngài làm hơi chậm hơn mọi ngày.

Ngày có cần nghỉ ngơi không. Vậy nên việc lơ đãng nói chuyện phiếm là không thể. Bạn có thể vừa nói vừa làm nhưng không được để ảnh hưởng đến năng suất.

Làm với người Đức thì việc đúng giờ là một điều hết sức quan trọng

Nếu bạn đến muộn dù chỉ 1 phút thôi thì 15 phút làm của ngày hôm đó sẽ bị trừ đi không thương tiếc. Làm sao để chủ biết bạn đến muộn trong cả một xưởng 80-100 người làm?

Câu trả lời chính là chiếc thẻ chấm công. Khi đến nơi làm bạn phải bấm thẻ, ra khỏi nơi làm cũng phải quẹt lại. Tổng lượng giờ làm cuối tháng sẽ được máy tính ghi lại và chủ cứ theo giá tiền, số giờ mà trả lương vào ngày 15 tháng sau thôi.

Mình đã từng 1 lần do tắc đường, bus không đến mà chậm 2 phút. Hôm đấy trừ 15 phút làm mà mình đau xót lắm. Nghe ra thì có 2 € thôi, nhưng nếu cứ nhiều cái 2€ cộng lại thì dễ bị đuổi việc lắm đó. Chưa kể nếu bạn đi vệ sinh giữa giờ làm cũng phải chạy ra quẹt cái thẻ, đi xong lại chạy ra chỗ ý rồi mới về điểm làm việc.

Mình có lần phát hiện ra nếu chạy ra đi vệ sinh rồi chạy về thì còn nhanh hơn là chạy ra chỗ quẹt thẻ, rồi chạy đi vệ sinh nên mình đi tắt (do chỗ làm ngay cạnh nhà vệ sinh). Kết quả cuối tháng cũng bị trừ 15 phút.

Làm việc ở trong nhà xưởng mới thấy tại sao Đức là nước tư bản có năng suất lao động và giá trị kinh tế cao. Họ làm việc tập trung, kỉ luật, đúng giờ.

2. Công việc hiện tại: Putzfrau

Sang đến kì II, thời gian học của mình nhiều lên, các môn học bắt đầu khó dần đều nên mình nghỉ việc, tìm kiếm một công việc phù hợp với lịch học hơn. Khá may mắn cho mình, ngay từ đơn xin đầu tiên mình đã được nhận. Không cần phải đến phỏng vấn gì mà được đi làm luôn. Mình làm với lương 9,55€/ giờ (gần đây mới được tăng thành 9,8€/ giờ). Mỗi ngày mình làm 1 tiếng sau giờ học, thời gian thoải mái do mình chọn chứ không cần chính xác, miễn là mình hoàn thành công việc cần xong.

Mình làm dọn dẹp cho văn phòng E.on ở Kassel. Công việc của mình gồm có lau mặt bàn, hút bụi trong các phòng, lau hành lang (1 lần/ tuần) và hàng ngày dọn dẹp Toilette.

Nếu như làm ở xưởng cho mình thấy được sự kỉ luật, đúng giờ và năng suất làm việc thì công việc ở văn phòng này lại cho mình thấy một thế giới khác. Những người làm việc ở đây rất văn minh. Hơn 1 năm làm việc tại văn phòng này mà chưa một lần nào mình thấy họ cãi nhau (điều mà mình đã từng thấy ở xưởng). 

Bạn đang đọc thông tin tại hotrosv.de. Họ luôn nói năng lịch sự, nhỏ nhẹ, quan tâm đến mình.

Khi thấy mình phải xuống kho để bê thùng giấy lau tay to lên, một chú làm ở đấy đã bảo, lần sau ngài cứ viết Note rồi chúng tôi xuống lấy. Mình nói đây là công việc của tôi, tôi phải làm, với lại ngài cũng cho tôi mượn cái đẩy hàng thì cũng không có vấn đề gì (do ở đó có 1 cái đẩy hàng cỡ nhỏ).

Nhưng chú ấy nói với mình: Chỗ chúng tôi có nhiều đàn ông khỏe mạnh. Ngài là một cô gái, hãy để cho chúng tôi làm điều ấy giúp ngài.

Thực sự là điều đó không quá to tát gì đâu, nhưng mình rất cảm động và thấy họ vô cùng ga-lăng, đàn ông.

Thêm vào đó họ rất sạch sẽ.

Xưởng giặt là mình từng làm cũng không hề bẩn, nhưng nó luôn có cảm giác tối, và phòng vệ sinh cũng không sạch như ở văn phòng (do ở đó có nhiều công nhân). Ở văn phòng của E.on, mọi người bỏ rác ăn, bẩn ra 2 thùng rác to ở 2 nhà bếp. Các thùng rác trong phòng thường chỉ là giấy hoặc vỏ kẹo, bánh. Vào trong phòng làm việc không bao giờ có mùi hôi thối hay mùi thức ăn. Phòng vệ sinh cũng sạch. Mình chỉ cần dùng khăn lau qua, đổ nước tẩy rồi giật nước là xong.

Nhìn chung cả hai công việc đều mang đến trải nghiệm mới cho mình và mình khá thích thú.

Ở cả hai nơi mình đều được tôn trọng, trả lương đầy đủ, có quyền hưởng Urlaub nguyên lương, ngày nghỉ lễ cũng được trả tiền đầy đủ mà không phải đi làm. Mặc dù chỉ kiếm được có hơn 200€ một tháng, tức là chỉ đủ trả tiền nhà, nhưng mình cũng hài lòng với công việc.

 

Nguồn: Nguyễn Vân - Blog cá nhân/SIVIDUC.ORG

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan