Không phải ai cũng có dịp chứng kiến hết những "góc tối" của việc du học sinh thuê nhà tại Úc. Đó là tình trạng ‘ma cũ ức hiếp ma mới”, du học sinh không nắm rõ quyền lợi của mình, trở thành nạn nhân của các vụ bắt nạt. Nhiều sinh viên phải sống chen chúc trong môi trường tồi tàn, thiếu an ninh, bị chủ nhà bóc lột, lừa đảo và phân biệt đối xử.
Nhiều du học sinh Việt Nam cho SBS Việt Ngữ biết tình trạng này xảy ra nhiều với sinh viên mới sang Úc vì họ còn bỡ ngỡ với môi trường mới.
Du học sinh có điều kiện tài chính eo hẹp hầu hết nằm trong nhóm dễ bị ức hiếp.
Chị Thảo* ở Melbourne cho biết nhiều sinh viên không có ý thức gìn giữ và tiết kiệm tài sản chung.
Các hình thức thuê nhà phổ biến trong các trường hợp kể trên là sinh viên thuê ở chung với chủ nhà, hoặc thuê phòng đã được chủ nhà ngăn ra cho nhiều người khác thuê cùng.
Các du học sinh Việt cho SBS Việt Ngữ biết các bạn thường tìm kiếm các mẩu rao vặt thuê mướn nhà trên các hội nhóm Sinh viên Việt Nam trên Facebook.
Từ việc không được tắm quá 8 phút... Lúc mới chân ướt chân ráo đến Úc, du học sinh Lam ở Melbourne tìm được phòng trọ đầu tiên từ hội sinh viên người Việt ở Úc.
Lam cho biết bạn nhận thị thực chỉ một tuần trước ngày nhập học nên không có nhiều thời gian để tìm nơi ở.
Lam đăng tin tìm nhà trên hội sinh viên và nhanh chóng được một người phụ nữ liên hệ mời đến xem nhà. Khi mới gặp, Lam cho biết bà chủ nhà rất niềm nở.
“Lúc mình đến xem nhà, cô ấy nói với mình cô dễ tính lắm, sẽ cho mình giặt đồ thoải mái. “Cô còn nấu ăn rất ngon nên thỉnh thoảng cô sẽ nấu cho con ăn.”
Sau khi Lam dọn vào, mọi thứ mới vỡ lẽ không giống những gì chủ nhà đã hứa hẹn.
Mỗi lần mình tắm quá 8 phút, cô chủ nhà sẽ gõ cửa liên tục và nói sao con tắm lâu quá vậy, tắm ít thôi, không là cô cắt nước đó.
“Mỗi khi mình nấu ăn xong, chủ nhà miễn cưỡng chừa chỗ tủ lạnh để mình trữ thức ăn.
“Bộ bếp gas có sáu chỗ, mình chỉ dùng đúng một chỗ thôi. Nhưng mỗi khi mình nấu xong, chủ nhà bắt mình lau hết toàn bộ những khu vực trong bếp mà mình chưa hề đụng đến.”
“Vì thời gian mình vừa phải nấu ăn, rửa chén và vừa phải dọn dẹp tất tần tật những thứ cô ấy muốn kỹ như vậy nên mình phải mất đến 1,5 tiếng mỗi ngày để làm hết tất cả những thứ đó.”
Lam cho biết mình muốn dành nhiều thời gian để học hơn nên chuyển sang ăn ngoài. Sau một thời gian, chi phí quá tốn kém, Lam đồng ý trả tiền để chủ nhà nấu ăn chung cho mình.
“Mình trả tiền cho cô ấy nấu ăn với hy vọng sẽ tiết kiệm được thời gian. Cô cũng đồng ý mình không cần làm gì cả. Đến khi cô nấu cho mình, tô cơm to bằng tô phở, phần cơm chiếm hết ba phần tư, còn thịt chỉ vài miếng thôi, và hoàn toàn không có rau nên rất là ngán.”
“Mình hỏi xin cô cho thêm rau thì cô bảo rằng đã giúp cho mà còn đòi hỏi quá. Cô chỉ cho mình ăn lúc 10, 11 giờ khuya chứ mình không được ăn sớm hơn.”
Lam cho rằng mình đã sòng phẳng tiền nhà, tiền ăn, nên nghĩ sẽ có thêm thời gian để học và làm những việc khác. Tuy vậy, Lam cho biết chủ nhà nói đang giúp đỡ cho bạn và bắt Lam ‘đóng góp thêm' bằng cách lau dọn nhà bếp.
“Mình thấy ấm ức vì mình đã trả tiền, và ban đầu chính cô cũng nói mình sẽ không cần phải làm gì cả. Nhưng nếu mình phản đối thì cô lại bảo tại sao mình vong ơn như vậy?”
Sống chung với chủ nhà, Lam luôn phải trong trạng thái ‘nhìn trước ngó sau'.
“Mỗi khi mình mở tủ lạnh, cô chủ nhà lại chạy ngay ra sau lưng hỏi mình đang làm gì vậy khiến mình cảm thấy không thoải mái.”
Lam Melbourne
Lam cho SBS Việt Ngữ biết bạn trả tiền thuê ở Sunshine $160/tuần bao gồm tất cả hoá đơn điện nước nhưng chủ nhà vô cùng keo kiệt và tìm cách bắt bạn hạn chế mọi sinh hoạt.
Chủ nhà lên lịch cho Lam tắm 2-3 lần/ tuần và mỗi lần không được tắm quá 8 phút.
“Mỗi lần mình tắm quá 8 phút, cô chủ nhà sẽ gõ cửa liên tục và nói sao con tắm lâu quá vậy, tắm ít thôi, không là cô cắt nước đó.”
“Có hôm vào mùa đông lạnh nên mình nhịn tắm ba ngày, sang ngày thứ tư mới tắm. Cô liền vặn vẹo “Ủa? Hôm nay là ngày không tắm mà sao con lại tắm?”
Mùa đông, trời lạnh, nhà không có sưởi. Lam kể khi bạn xin phép dùng mền điện thì bị chủ doạ đuổi ra khỏi nhà.
“Khi đến xem nhà và ký hợp đồng, trong thoả thuận ghi rõ tất cả đồ điện trong nhà đều bình thường. Đến khi mình dọn vào thì phát hiện chức năng sưởi trong nhà tắm không hoạt động. Mùa đông lạnh quá mình xin cô sửa giùm thì cô nói tiền đào đâu ra?"
Nói đến việc giặt giũ, Lam kể với SBS Việt Ngữ rằng chủ nhà thường xuyên canh chừng, thậm chí nhiều lần cố tình sử dụng máy giặt liên tục để Lam không giặt đồ kịp.
“Đợt bực mình nhất là khi mình hỏi xin giặt trước đó ba ngày vì mình rất cần giặt. Trong thời gian đó, mình cố gắng xịt nước hoa cho đồ đỡ mùi.”
“Đến ngày thứ ba (là ngày đã thoả thuận được giặt đồ), khi thấy mình đi làm về, cô chủ lật đật đem đồ bỏ vào máy giặt. Lúc đó mình thầm hiểu là thôi không giặt kịp hôm nay rồi.”
...Cho đến bị ngắt wifi và chọi đá vào cửa sổ Mỗi mùa assignments hay kỳ ôn thi đến, Lam cho biết mình rất khổ sở vì wifi ở nhà luôn tắt sau 10h30 tối.
Có rất nhiều lần Lam nộp bài lên hệ thống mạng Turnitin của trường nửa chừng thì mạng internet ngắt đột ngột.
Ban đầu, không ai cho Lam lời giải thích hợp lý. Bốn tháng sau, chủ nhà mới cho Lam biết họ ngắt wifi mỗi ngày để quản lý giờ ngủ của con cái.
Linh* du học ở Melbourne cho biết bạn qua Úc 10 tháng đã chuyển chỗ ở đến 5 lần, trong đó hai lần là do bị chủ nhà hà hiếp.
"Nơi ở đầu tiên, mình đi suốt bảy ngày trong tuần từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Buổi tối mới là thời gian mình ở nhà học bài. Khi mình học bài khuya, chủ nhà bắt mình phải tắt đèn và học trong bóng tối.”
Họ thấy mình vẫn lì nên cứ 15-20 phút, họ chọi đá vào cửa phòng mình một lần. Mình thức đến 12 giờ đêm học thì họ cũng thức đến 12 giờ để chọi mình. Mình thức đến 2 giờ sáng họ cũng chọi đến 2 giờ.
“Ép mình tắt đèn chưa đủ, họ lại cắt cả wifi. Mình học ngành công nghệ thông tin nên cần có wifi để học. Mình đành phải phát 4G từ điện thoại để học tiếp. Vì mình biết nếu trượt một môn thì phải đóng $4,000 để học lại."
“Thấy mình chưa chịu đi ngủ, họ xông vào phòng mình lấy cây quạt trong khi ở Melbourne lúc đó nóng gần 40 độ. Mình nghĩ thôi kệ, quạt của họ muốn lấy cứ lấy. Mình vẫn ngồi học trong bóng tối.”
“Họ thấy mình vẫn lì nên cứ 15-20 phút, họ chọi đá vào cửa phòng mình một lần. Mình thức đến 12 giờ đêm học thì họ cũng thức đến 12 giờ để chọi mình. Mình thức đến 2 giờ sáng họ cũng chọi đến 2 giờ. Cho đến khi mình thực sự đi ngủ thì họ mới chịu ngưng.”
"Khi mình phản đối, họ nói mình không thích thì dọn đi. Nhưng họ sẽ không trả lại tiền nhà mình đã đóng.”
Linh cho biết khi bị chủ nhà hà hiếp, bạn không trình báo với ai vì bạn không chắc mình sẽ được bảo vệ quyền lợi.
“Mình nghe nói bên Úc những vấn đề lớn thì cảnh sát mới nhúng tay vào, còn những chuyện nhỏ thì mình không biết phải báo với ai. Mình cũng không biết phải thu thập bằng chứng như thế nào.”
Chuyển sang căn nhà trọ thứ hai, mặc dù không gặp phải tình trạng chủ nhà ‘keo kiệt, bủn xỉn’, Ngọc kể bạn lại ‘đau đầu’ vì chủ nhà mới ‘ganh ghét, tỵ nạnh.’
“Mình mua xe, chủ nhà ngăn cản quyết liệt rằng mình mới có bằng L, chưa có bằng P thì luật pháp Úc cấm không cho mua xe và nhà nào chứa xe của người có bằng L sẽ bị cảnh sát phạt. Chưa kể nếu đó là xe bị ăn cắp sẽ ảnh hưởng đến ông ta.”
“Mình là du học sinh, luật pháp mình tìm đọc trên mạng đều biết hết. Mình sau đó vẫn quyết mua xe vì đó là phương tiện mình cần luyện tập để thi bằng P và cũng là hình thức để bảo đảm tính mạng cho mình.”
“Từ lúc mình mua xe và lấy được bằng P, ông ta làm khó mình đủ chuyện. Ông ta đòi kiểm tra ID của mình, kiểm tra bằng lái và giấy chủ quyền xe của mình."
“Ông ta còn nói mình mới qua mà mua xe còn hơn người ở đây lâu năm. Qua đây mới mua được xe chứ ở Việt Nam mấy tỷ sức mấy mà mua được.”
Linh Melbourne
Linh cho biết nhà ở quá xa trường học cộng với những vụ án mạng liên quan đến du học sinh về khuya khiến bạn bất an và tìm cách bảo đảm an toàn cho mình.
“Mình không có khả năng thuê nhà qua agent nên phải thuê lại phòng của những người chủ Việt ở vùng ngoại ô cho rẻ. Mình mất 1 tiếng đồng hồ để đi đến trường bằng phương tiện công cộng. Các lớp học của mình đều bị xếp vào buổi tối. Xe buýt thì chạy mỗi tiếng một lần. Mỗi ngày, mình bắt một chuyến tàu và một chuyến xe buýt về đến khu nhà là gần 11 giờ đêm. Từ đó, mình phải đi bộ về nhà giờ đó thì rất khủng khiếp, ngoài đường không một bóng người. Nên mình lên kế họach lấy bằng lái thật gấp.”
“Chủ nhà nói “Đi học mua xe làm gì. Học về trễ thì xách theo đèn pin và còi báo động thì không ai dám làm gì hết."
“Mình nghĩ nếu hai thứ đó có khả năng vô hiệu hoá được thuốc mê thì thế giới này không ai bị hiếp và giết hết. Và nếu đèn pin hay còi báo động có thể biến những anh chàng cao to thành những con thỏ thì cô sinh viên ở La Trobe vừa qua đâu có bị hiếp và giết dã man như vậy. Cũng như nhiều bạn du học sinh Việt Nam đâu có bị tấn công, bị đánh đập hội đồng hay cướp giật như hiện nay đâu.”
Khi mình phản đối, họ nói mình không thích thì dọn đi. Nhưng họ sẽ không trả lại tiền nhà mình đã đóng.
Linh sau đó phải dọn đi sớm và chấp nhận mất đi số tiền nhà và tiền cọc mình đã đóng.
Bên cạnh những người chủ nhẫn tâm, Linh kể rằng mình cũng may mắn gặp được những người rất tử tế.
“Nhiều người chủ biết mình sang đây một mình, nhớ chồng con, nên khi ăn cơm, họ mời mình ăn chung để mình bớt cô đơn.”
Không hợp đồng, tiền cọc 'không cánh mà bay' Tiền cọc hay tiền trả trước khi thuê nhà được nhiều sinh viên Việt Nam cho biết ‘lấy lại được hay không trong nhiều trường hợp nhờ vào yếu tố may mắn.'
Khi Lam quyết định dọn ra, bạn báo trước một tháng với chủ nhà như đã thoả thuận.
Lam nói chủ nhà từ đó càng nạnh họe làm khó và luôn doạ sẽ ‘tịch thu’ cọc nếu Lam làm trái ý chủ nhà. Lam kể mình ráng nhẫn nhịn, tránh cự cãi và cũng không dám kể với ai vì sợ mất tiền cọc.
Du học sinh Sương Mai ở Melbourne nói với SBS Việt Ngữ rằng bạn có một kỷ niệm ‘nhớ đời’ liên quan đến tiền đặt cọc khi thuê nhà.
Qua trang Facebook của hội sinh viên người Việt, Sương Mai tìm được một căn nhà có chủ người Việt. Người này nói với Mai cô là giáo viên dạy văn. Sương Mai đến xem nhà, đặt tiền cọc một tháng chờ ngày dọn vào.
Mai kể mình sau đó tình cờ gặp những người bạn từng ở nhà này và không có trải nghiệm tốt với chủ nhà. Mai lo lắng và xin chủ nhà cho lấy lại tiền cọc nhưng bà chủ không đồng ý.
Suong Mai
Sương Mai kể với SBS Việt Ngữ bạn thấy hối hận vì mình đã quá cả tin, chỉ nhận giấy ký nhận bằng tay lúc trao tiền chứ không làm hợp đồng.
Theo Mai, năm lần bảy lượt, chủ nhà đều dùng lời lẽ nặng nhẹ không muốn trả lại tiền cọc. Mai sau đó thương lượng được với chủ nhà nếu bạn tìm người thuê mới thì sẽ được lấy lại tiền cọc.
Khi mình xin lại tiền cọc nhà và bảo sẽ báo cảnh sát, cô ấy còn thách thức chúng mình rằng chẳng ai thèm quan tâm đâu. Cô rất nặng lời, bảo chúng mình là bọn mất dạy.
Đến lúc tìm được người thuê mới và trả trước tiền cọc, chủ nhà vẫn trì hoãn trả tiền lại cho Mai.
"Cô ấy cứ nhất quyết dùng dằng không trả lại tiền cọc cho mình. Cô cứ hẹn mình là chiều tới, rồi khi mình tới thì cô không có nhà. Cô lại bảo mình tối đến, rồi mình đến cô lại bảo cô không có ở đấy.”
“Khi mình đi cùng người bạn đến xin lại tiền cọc nhà và bảo sẽ báo cảnh sát, cô ấy còn thách thức chúng mình rằng chẳng ai thèm quan tâm đâu. Cô rất nặng lời, bảo chúng mình là bọn mất dạy.”
Với Mai, số tiền cọc nhà $1,000 là một khoản tiền rất lớn với du học sinh đang ở xứ người.
Mai nghĩ vì mình nhỏ tuổi nên cô chủ nhà bắt nạt. Bạn đành tìm đến người quen lớn tuổi là dân địa phương.
"Mình kể chuyện cho bác ấy nghe, bác bảo vì giấy xác nhận tiền cọc của mình không phải hợp đồng và viết bằng tiếng Việt nên rất khó để cơ quan chức năng ở đây giải quyết. Thế là mình đành năn nỉ bác ấy đi cùng mình đến nhà cô chủ nhà để xin lại tiền cọc. Nhờ vậy mà mình lấy lại được tiền."
Linh cho biết khi bạn đề xuất làm hợp đồng, tất cả các chủ nhà đều không đồng ý.
“Mình đi thuê như vậy là chịu một phần thiệt vì mình muốn giá rẻ để tiết kiệm sinh hoạt phí cho mình."
“Thực chất 100% trường hợp mình thuê nhà của chủ người Việt thì họ đều né tránh việc làm hợp đồng.”
Chiêu lừa đảo thuê nhà trực tuyến Ngọc Vy* sang Melbourne du học 2 năm. Suốt thời gian đó, gia đình luôn cho bạn luôn ở trong ký túc xá nên Vy rất lạ lẫm với chuyện tự thuê nhà.
Đến khi nhận được lời mời thực tập ở Sydney, Vy bắt đầu hành trình kiếm nhà trên trang thuê nhà Easyroomate của Úc
Du học sinh Ngọc Vy-Melbourne
"Có một kẻ lấy tài khoản tên phụ nữ và bảo họ đang có phòng chung cư ngay trong trung tâm Sydney. Sau khi mình đồng ý thuê, họ gửi đầy đủ chỉn chu hợp đồng cho mình ký.”
Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến khi kẻ này kiếm cớ vòi tiền Ngọc Vy.
“Sau khi mình chuyển tiền cọc, họ email rằng nhà họ có vấn đề nên yêu cầu mình chuyển tiền để họ sửa trước khi mình chuyển vào.”
Vy cho biết tuy bạn cảm thấy rất vô lý nhưng vì kẻ này rất biết cách thuyết phục và gửi hộ chiếu chứng minh nên bạn đồng ý chuyển tiền.
Khác với lần chuyển tiền cọc qua tài khoản, tên lừa đảo đã bắt đầu tinh vi hơn khi yêu cầu Vy chuyển tiền mặt qua Western Union.
Kẻ này còn dặn bạn hãy “xác nhận có quen với người nhận tiền khi được Western Union hỏi.”
Western Union có chức năng cho người gửi theo dõi được địa điểm và thời gian số tiến gửi đi được rút. Vy phát hiện thấy số tiền được rút ở một nơi trong tiểu bang Victoria chứ không phải ở NSW. Tên này sau đó giải thích rằng bạn của hắn rút tiền hộ.
Thấy ‘con mồi' dễ cắn câu, kẻ lừa đảo tiếp tục chiêu thức lừa tiền.
“Một ngày trước khi mình lên Sydney, bà ấy lại tiếp tục nhắn bảo cần thêm tiền.Mình thấy thời điểm lúc đó quá gấp rồi và nếu từ chối thì sợ sẽ không tìm kịp chỗ ở nên mình đồng ý chuyển thêm lần nữa.”
“Khi vừa đến Sydney, mình nhắn tin hỏi chìa khoá thì bà ta bảo sẽ gửi tới bưu điện gần đó, còn mô tả rất chi tiết chìa khoá để ở trong hộp, còn những khoản tiền mình đã gửi sẽ được trả lại và kẹp trong cuốn sách.”
Lúc phát hiện bị lừa, không người thân quen trên Sydney, mình cứ đi qua đi lại con phố tìm địa chỉ mà kẻ lừa đảo hẹn đưa chìa khoá mà không thấy, mình càng lo lắng sợ hãi.
“Mình đi mãi mà vẫn không tìm thấy cái bưu điện như bà ta mô tả. Mình nhắn tin gọi điện không được nên phải email. Từ lúc đầu cho đến tận lúc lên Sydney, mình chỉ liên lạc với bà ta qua email, nhắn tin hay gọi điện thoại đều không bao giờ có người trả lời. “
“Khi đó, bà ta lại nói mình phải chuyển thêm tiền để luật sư của bà ấy đến đưa chìa khoá cho mình. Mình không chịu nổi nữa và đòi báo cảnh sát. Thế là bên đó im luôn không hồi âm mình nữa.”
“Lúc phát hiện bị lừa, không người thân quen trên Sydney, mình cứ đi qua đi lại con phố tìm địa chỉ mà kẻ lừa đảo hẹn đưa chìa khoá mà không thấy, mình càng lo lắng sợ hãi.”
Bạn cho biết lúc đó đã thử gọi đến nhiều tổ chức nhưng không nơi nào ‘cho bạn một giải pháp cụ thể’.
Vy được giới thiệu đến một viên thanh tra. Nhờ có tất cả email bằng chứng, hợp đồng và những hoá đơn thanh toán, vị thanh tra đã giúp Vy nhận lại khoản tiền cọc thanh toán qua thẻ ngân hàng. Còn tổng số tiền mặt đã gửi bằng Western Union thì không lấy lại được.
“Bác thanh tra nói vụ việc này xảy ra với rất nhiều người ở NSW. Hình thức lừa đảo đó là những kẻ lừa đảo lấy hộ chiếu của người cao niên để lừa gạt người khác.”
“Sau chuyện đó, mình căng thẳng cả mấy tháng trời. Mình cứ nghĩ đến chuyện mình bị lừa, lại bị lừa tiền của bố mẹ nên mình rất buồn vì lúc ấy mình chưa đi làm.”
Góc nhìn của chủ nhà Anh Ninh Mạnh là chủ cho thuê nhà sống ở Melbourne.
Anh Mạnh cho rằng chủ cho sinh viên thuê nhà trực tiếp thường rất rủi ro vì nhà thường không có bảo hiểm.
"Nếu gặp hỏa hoạn, chủ nhà có thể mất cả căn nhà."
Anh Mạnh cũng nói việc sinh viên thuê trực tiếp với chủ nhà sẽ dễ bị lợi dụng và không được bảo đảm quyền lợi của người thuê nhà.
Anh Mạnh cho biết agent thường là đơn vị đứng giữa hỗ trợ mình và những người thuê nhà làm việc với nhau.
“Tôi thường nghe ý kiến của agent trước tiên. Họ là người chọn lọc các đơn đăng ký trước khi chuyển đến tôi. Tiêu chí chọn người thuê của tôi đầu tiên là tài chính ổn định. Tôi thường chọn theo gia đình, vì họ sẽ chăm sóc nhà tốt hơn. Tiêu chí thứ hai là thời gian cho thuê nhà càng lâu thì cơ hội càng tốt. Vì mỗi lần người thuê dọn đi, tôi phải trả chi phí quảng cáo và dọn dẹp nhà.”
Khi thuê nhà đã bao hoá đơn điện nước, các bạn có một hay hai bộ đồ đã đem bỏ máy giặt. Trong khi gia đình tôi phải dồn đồ lại cả tuần mới dám giặt một lần.
Anh Mạnh không đồng tình với việc chủ nhà kiểm soát sinh hoạt của người mướn nhà như ngăn cấm sử dụng máy sưởi vào mùa đông vì sợ nguy hiểm cháy nổ, đến kiểm tra nhà không báo trước hay đe doạ đuổi các bạn ra khỏi nhà không có lý do chính đáng.
“Sinh viên trong các trường hợp bị hà hiếp thường sẽ phải trả tiền mặt vì vậy chủ nhà sẽ trốn thuế. Ngoài ra, các bạn ấy không có sự tự do của riêng mình mặc dù nhà là nơi nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng.”
Theo anh Mạnh, đôi khi việc này lại là lựa chọn duy nhất của du học sinh vì họ dễ dàng thuê nhà trực tiếp với chủ hơn qua agent bởi quy trình xét duyệt chọn lọc của agent rất gắt gao.
Chị Ngân* là một chủ nhà ở Melbourne cho các du học sinh thuê.
Chị Ngân cho biết nhiều du học sinh thường nghĩ nhà của chủ nên không giữ gìn và thoải mái làm hư hại tài sản của chủ nhà.
"Khi thuê nhà đã bao hoá đơn điện nước, các bạn có một hay hai bộ đồ đã đem bỏ máy giặt. Trong khi gia đình tôi phải dồn đồ lại cả tuần mới dám giặt một lần."
"Nhiều bạn trả hoá đơn chung nên mở đèn khắp nơi mà không chịu tắt. Khi họ ở nhà một mình cũng mở sưởi cả nhà."
Anh Tín* cũng là chủ cho thuê nhà chia sẻ trường hợp sinh viên không tuân thủ những thoả thuận ban đầu.
"Lúc đầu vào thuê, mình nói nếu bạn đó ở một mình thì trả $400, còn nếu ở hai người thì $500 và mình không lấy tiền bond. Bạn đó đồng ý ở một mình. Vào ở 1 tuần thì bạn đó đưa bạn trai về ở ngày này quá tháng kia. Bạn trai kia dọn qua ở 24/7, có lúc mình bắt gặp gặp tắm, ăn uống sinh hoạt nữa. Mình đành phải mời bạn đó dọn đi."
Cơ quan nào hỗ trợ quyền thuê nhà? Theo Cơ quan bảo vệ Người tiêu thụ tiểu bang Victoria, có một số lượng đáng kể khoảng 200,000 sinh viên quốc tế đang học tập ở các trường đại học công lập và đại học tư tại Victoria.
Consumer Affairs Victoria hỗ trợ du học sinh hiểu biết quyền lợi của mình khi thuê nhà, nhằm tránh đối mặt với các khó khăn có thể xảy ra khi mới đến Úc ổn định cuộc sống.
Đại diện Cơ quan Bảo vệ Người tiêu thụ Victoria phát biểu.
“Mặc dù hầu hết các chủ cho thuê và agent đại diện đều làm đúng luật, Consumer Affairs Victoria muốn bảo đảm sinh viên quốc tế nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng khi mướn nhà để bảo vệ bản thân khỏi những hành vi gian lận có thể xảy ra."
“Chúng tôi từng nhận được báo cáo của các du học sinh về những vấn đề như quảng cáo gây hiểu lầm, bị chủ nhà tịch thu tiền cọc và tiền trả trước trái luật, bị phạt thêm tiền bất hợp lý cũng như điều kiện sống trong nhà trọ không an toàn hoặc thiếu lành mạnh."
"Nhiều nạn nhân cho biết họ không muốn kiện tụng hay tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc ảnh hưởng đến thị thực của mình”, đại diện của Consumer Affairs Victoria nói thêm.
Cơ quan Bảo vệ Người Tiêu thụ Victoria khuyên sinh viên quốc tế nên:
- Đặt chỗ ở tạm thời trước khi đặt chân đến Úc. Sinh viên nên tìm chỗ ở dài hạn khi đã có mặt ở Úc và tận mắt đến kiểm tra nơi ở.
-Chỉ ký hợp đồng thuê hoặc thoả thuận sau khi trực tiếp đến xem nhà và xác nhận hiện trạng nơi ở, vì hợp đồng có tính cách ràng buộc về pháp lý sau khi bạn ký tên.
-Kiểm tra xem chỗ ở và cơ sở vật chất trong nhà đủ sạch sẽ và an toàn. Yêu cầu chủ nhà phục hồi và sửa chữa bất kỳ sự hư hỏng nào nào trước khi trả tiền cọc hoặc ký thỏa thuận thuê nhà.
- Ghi lại các thiệt hại tài sản nếu có khi đến xem nhà
-Tại tiểu bang Victoria, tiền thế chân được giữ bởi Residential Tenancies Bond Authority cho đến hết kỳ hạn thuê nhà của bạn. Kiểm tra chủ nhà đã đăng ký tiền cọc cho với Residential Tenancies Bond Authority chưa.
Để biết thêm thông tin, hãy truy cập www.consumer.vic.gov.au/internationalstudents.
Để được tư vấn và thông tin bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, hãy gọi số 131 450 và nói ngôn ngữ bạn muốn nghe. Sau đó yêu cầu phiên dịch viên gọi 1300 55 81 81.
Nếu người thuê nhà muốn rời đi, họ phải báo trước trong thời gian tối thiểu. Tìm hiểu thêm về các lý do rời đi và thời gian thông báo tối thiểu ở ĐÂY.
Những trường hợp chủ nhà hoặc agent có quyền giữ lại tiền đặt cọc (tiền bond) của người thuê:
Người thuê rời đi đột ngột và vẫn chưa thanh toán hết tiền thuê nhà.
Người thuê hay khách của họ làm hư hại tài sản trong nhà
Có các chi phí phát sinh nhiều hơn so với tình tài sản bị hao mòn và hư hại thông thường
Người thuê rời đi mà chưa thanh toán đầy đủ hoá đơn
Vật dụng trong nhà bị mất hoặc thất lạc
*Tên một số nhân vật đã được SBS thay đổi theo yêu cầu quyền riêng tư
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC