Đức: Chiến lược phát triển đại học theo định hướng nghiên cứu

Đức: Chiến lược phát triển đại học theo định hướng nghiên cứu

Tại Đức, các trường đại học giữ vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và đảm bảo nước Đức đứng đầu trong các cuộc cách mạng công nghệ, ổn định việc làm, đảm bảo sự phồn thịnh của quốc gia.

132 1 Duc Chien Luoc Phat Trien Dai Hoc Theo Dinh Huong Nghien Cuu

 

Giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học có sự liên kết chặt chẽ với nhau khi các nhà khoa học lớn đều tham gia vào việc giảng dạy và bồi dưỡng cho các thế hệ trẻ tài năng, do đó họ đã đào tạo và bồi dưỡng những người tài ngay từ trong các trường đại học.

Các sinh viên được lựa chọn tự do về trường, tự chọn các giảng viên, ngành học, cách học và thời gian học, được thực hành sát với thực tế.

Ngoài ra, chính phủ Đức luôn đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nhân sự cho các trường đại học và có thể can thiệp nếu thấy cần thiết trong một số trường hợp nhất định.

Hiện tại, ở Đức có hơn 400 cơ sở giáo dục đại học (gần 120 trường đại học nghiên cứu, hơn 220 trường đại học khoa học ứng dụng, 60 trường âm nhạc và nghệ thuật).

Riêng giáo dục đại học có 691.000 nhân viên, trong đó có 387.000 người trực tiếp tham gia giảng dạy; 2,8 triệu sinh viên (trong đó có 360.000 sinh viên quốc tế).

Giáo dục đại học bao trùm tất cả các hoạt động nghiên cứu, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng và phát triển. Riêng giáo dục đại học được tài trợ 15,3 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển. Trong đó các cơ quan chính phủ bang và liên bang (81%), tư nhân (14%); quốc tế (5%).

Để có được thành công như ngày hôm nay, chính phủ Đức đã áp dụng và thực hiện một số chính sách và chiến lược quan trọng để phát triển giáo dục đại học theo định hướng riêng. Cụ thể:

1. Khuyến khích tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học:

Theo chính sách này, nhà nước ủy quyền cho các trường đại học khả năng tự quyết trong các vấn đề liên quan nghiên cứu, tổ chức các ngành học, tăng cường khả năng hợp tác giữa các nhà khoa học, giáo sư giữa các trường đại học với nhau cũng như đẩy mạnh mối quan hệ với các tổ chức nghiên cứu ngoài đại học và các tổ chức tư nhân và xã hội.

Việc sửa đổi điều 91b GG (Luật cơ bản - Grundgesetz) cũng góp phần tạo điều kiện cho các sáng kiến khoa học xuất sắc tại các trường đại học được tiếp tục duy trì phát triển.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Liên bang tập trung trọng tâm phát triển vào các trường đại học vừa và nhỏ, góp phần hỗ trợ việc chuyển giao ý tưởng, kiến thức và công nghệ dựa trên các nghiên cứu khoa học, qua đó tăng cường vai trò chiến lược của các trường đại học trong quá trình đổi mới ở khu vực.

2. Phát triển nguồn nhân lực:

Các nhà khoa học trẻ có năng lực là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự bền vững của khả năng nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đào tạo tại nước Đức.

Những nhà khoa học có trình độ cao rất cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu lẫn các cơ quan chính phủ và các tổ chức kinh tế.

Vì vậy phát triển nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ liên bang để giữ chất lượng giáo dục và tạo ra cấu trúc nghề nghiệp ổn định cho người dân.

Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang tiếp tục tập trung vào việc tăng sự thu hút của giáo dục bậc đại học và giáo dục nghề với định hướng vào công nghệ số hóa và quá trình quốc tế hóa.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến các dự án nghiên cứu quốc tế tại các trường đại học hay các tổ chức liên kết đại học của Đức, khuyến khích và ưu tiên cho các dự án khoa học tại các trường đại học, tạo điều kiện cho công tác giáo dục và hướng nghiệp cho thế hệ các nhà khoa học trẻ.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang cũng sẽ cung cấp cho các bang một môi trường kỹ thuật số để tránh trường hợp các sinh viên sau khi ra trường bị tụt hậu với đà phát triển của kỹ thuật số./.

Vietnam+


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan