Bang đông dân nhất của Đức, North Rhine-Westphalia, đang cân nhắc thực hiện thu học phí đại học đối với sinh viên không thuộc EU. Việc bỏ chính sách miễn học phí được coi chỉ là vấn đề thời gian khi mà Đức đã không thể gánh nổi khoản thâm hụt chi cho GD đại học lên tới 48 triệu euro.
Dấu hiệu báo trước
Sinh viên ngoài Liên minh châu Âu (EU) đã phải trả học phí khi theo học các trường đại học tại Tây – Nam Đức, nơi cho tới năm ngoái vẫn miễn học phí.
Học phí đã được bãi bỏ tại bang Baden-Wurttemberg năm 2011 và các trường đại học miễn phí tại tất cả các bang của Đức vào năm 2014.
Mặc dù đầu năm 2016 hứa hẹn sẽ không thu học phí, chính quyền bang Baden-Wurttemberg đã quyết định tái thực hiện thu học phí với sinh viên nước ngoài từ mùa thu năm 2017.
Sự đảo ngược chính sách này nằm trong nỗ lực giảm nợ quốc gia. Bộ Giáo dục Đức thừa nhận không thể gánh thêm nữa việc miễn phí toàn bộ giáo dục đại học.
Một khi Anh rời EU, sinh viên Vương quốc Anh theo học tại một số trường của Đức, trong đó có ĐH Stuttgart và ĐH Heidelberg, phải trả học phí 1.500 euro/học kỳ.
Với bằng đại học thứ hai, sinh viên sẽ được giảm học phí xuống còn 650 euro/học kỳ.
Theo luật mới, sinh viên không thuộc EU nhưng có giấy cư trú dài hạn tại châu Âu vẫn sẽ được miễn học phí; bên cạnh đó, người tị nạn có quyền ở lại Đức cũng được miễn học phí…
Hiện tại Đức là một trong số ít quốc gia tại châu Âu miễn phí đại học, cùng với Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thuỵ Điển.
Tái thu học phí – hệ luỵ tới nền kinh tế
Việc không còn là thiên đường miễn học phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới việc tuyển sinh tài năng quốc tế bởi hiện tại việc du học Đức vẫn có nhiều điều khiến sinh viên nước ngoài phải lo ngại.
Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục đại học Đức không chuẩn bị đầy đủ cho sinh viên nước ngoài đáp ứng thị trường lao động Đức. Mặc dù có 18 tháng để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp – quãng thời gian dài hơn so với hầu hết các nước khác – nhiều người vẫn khó tìm được việc làm – theo một nghiên cứu năm 2015.
Bốn trong 5 sinh viên nước ngoài tại Đức quyết định ở lại nước này sau khi tốt nghiệp, nhưng 30% trong số đó phải mất hơn 1 năm mới tìm được việc cho dù thiếu lao động trầm trọng. Những ứng viên người Đức tìm việc nhanh hơn nhiều so với các bạn người nước ngoài.
Cũng có những khó khăn khác, lương tại các thành phố có nhiều cử nhân nước ngoài học tập như Berlin – là tương đối thấp. Việc các chương trình được dạy bằng tiếng Anh cũng làm giảm động cơ học tiếng Đức của sinh viên nước ngoài, trong khi nhiều công ty tuyển nhân viên có khả năng nói được tiếng Đức ở mức độ nhất định.
Miễn học phí đại học cho sinh viên nước ngoài từng được Đức coi là một giải pháp bổ sung nhân lực có trình độ – mặc dù tốn kém. Mối quan tâm du học Đức đã tăng lên trong nhiều năm qua và số sinh viên quốc tế tăng 50% giai đoạn 2002 – 2012.
Việc không thu hút được du học sinh sẽ gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Đức trong tương lai. Dân số Đức già hoá nhanh và thiếu hàng trăm nghìn lao động trẻ có trình độ. Theo một số ước tính, thiếu lao động có trình độ có thể tới 3,3 triệu vào năm 2040 khi Đức dự kiến có khoảng 80 triệu dân.
GD& TĐ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC