Giấc mơ Châu Âu của cô sinh viên hiếu học người Việt tại Đức

Giấc mơ Châu Âu của cô sinh viên hiếu học người Việt tại Đức

Cao Thị Thuỳ Linh (sinh năm 2001) hiện là sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ và Văn hoá Đức, trường Đại học Ngoại Ngữ. Thuỳ Linh sở hữu thành tích đáng ngưỡng mộ với tinh thần tự lập khi chinh phục học bổng để trở thành sinh viên trao đổi tại Đức trong thời hạn một năm, cùng ước mơ du lịch khám phá Châu Âu.

1 Giac Mo Chau Au Cua Co Sinh Vien Hieu Hoc Nguoi Viet Tai Duc

Vốn là một học sinh giỏi nhiều năm nên việc trở thành một sinh viên giỏi giành được nhiều học bổng qua ba năm ngồi trên ghế trường Đại học là một điều không quá bất ngờ. Để được học tại ngôi trường Đại học Ngoại Ngữ yêu thích, cô nàng đã đặt bút thay đổi nguyện vọng vào phút chót khi thi tuyển THPT. “Tiếng Đức ban đầu không phải lựa chọn đầu tiên của mình, mình cũng chưa từng nghĩ mình sẽ học nó. Đến hiện tại, thú thật mình vẫn không yêu thứ ngôn ngữ này nhất nhưng nó chính là cái duyên với mình. Nếu đã là duyên, mình sẽ quyết tâm học cho giỏi” – Thuỳ Linh chia sẻ.

2 Giac Mo Chau Au Cua Co Sinh Vien Hieu Hoc Nguoi Viet Tai Duc

Thuỳ Linh sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ chưa bao giờ tạo áp lực về việc đi làm, với tính cách độc lập cô nàng muốn bươn trải kiếm ra đồng tiền từ chính sức lực của mình từ sớm nhưng phải trong khuôn khổ việc học vẫn là hàng đầu.

Trong quá trình học tập ba năm tại Việt Nam, Thuỳ Linh đã tự chủ tài chính, đi làm thêm nhiều công việc khác nhau với mục đích ưu tiên lợi ích cá nhân trước. Cô nàng tâm sự: “Nhận dịch văn bản, hồ sơ hay dạy gia sư tiếng Anh, tiếng Đức để tạo thêm áp lực cho chính bản thân về việc luyện tập dưới hình thức soạn thảo giáo trình, điều này giúp mình nhớ ngữ pháp lâu và khi giao tiếp 1:1 với học sinh lại được luyện thêm về kỹ năng giao tiếp. Còn về các công việc văn phòng, mình học hỏi được văn hoá ứng xử, kinh nghiệm sống cũng như làm việc của các anh chị đồng nghiệp thành thạo về các phần mềm Microsoft Office. Với mình cái gì không biết thì phải trải nghiệm mới hiểu rõ.”

3 Giac Mo Chau Au Cua Co Sinh Vien Hieu Hoc Nguoi Viet Tai Duc

Để được trở thành du học sinh trao đổi tại Đức, Thuỳ Linh đã phải nỗ lực vượt qua hàng trăm sinh viên trong khoa để giành được suất học bổng trong kì học quyết định để chuẩn bị hồ sơ đi du học. Cuộc sống nơi xa xứ quả thực không dễ dàng. “Thời gian đầu mình khá stress vì không hợp nước và thời tiết, da nổi nhiều mụn, rụng nhiều tóc, mình đã tốn khá nhiều tiền bạc để chăm sóc da, tóc và tìm sản phẩm phù hợp” – Linh bày tỏ.

4 Giac Mo Chau Au Cua Co Sinh Vien Hieu Hoc Nguoi Viet Tai Duc

Với tính cách độc lập theo chủ nghĩa xê dịch, để tự do khám phá bầu trời Châu Âu, Linh đã khó khăn tìm việc làm thêm sao cho phù hợp với lịch học và cũng để có thêm thu nhập dư giả có thể phục vụ được đam mê du lịch bản thân. Cô nàng cho biết: “Thời gian đầu tìm việc khá tốn thời gian vì không có công việc nào phù hợp với lịch học hiện giờ của mình. Tuy nhiên, mình rất may mắn vì quen được một người chị trong cộng đồng người Việt, chị đã giới thiệu cho mình vào một nhà hàng sushi của người Việt mở. Thời gian làm việc mình hoàn toàn có thể linh động với việc học và về mức lương mình thấy cũng rất hợp lí nên mình cũng thoải mái hơn về mặt tinh thần một chút.”

5 Giac Mo Chau Au Cua Co Sinh Vien Hieu Hoc Nguoi Viet Tai Duc

Là một người trẻ thuộc thế hệ Genz, Linh là cô nữ sinh dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, hoài bão: “Trước khi sang Đức mình đã đăng kí hiến tạng sau sinh nhật tuổi 21, mình đã có ý định từ rất lâu và mình đã làm được. Mình cũng đã từng góp một phần nhỏ cho dự án giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn của các bạn sinh viên trường Ulis. Nhưng sau khi trở về Việt Nam, mình muốn đăng kí dự án “Nuôi em” để giúp một trong nhiều em nhỏ vùng cao được ăn ngon hơn. Đó cũng là một mục tiêu trong năm 2023 mình đã đặt ra. Dù chỉ là một đóng góp vô cùng nhỏ nhưng biết đâu cũng sẽ giúp ích được một cá thể nào đó sống trên đời. Việt Nam mình vẫn có câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”, khi khó khăn hoạn nạn đến vẫn là người Việt chúng mình sống tình cảm, giàu tình thương”.

Nguồn: svvn.tienphong.vn


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan