Tuy nhiên với những học sinh muốn vào thẳng Đại học tại Đức, mà không cần trải qua 1 năm học Dự bị, thì lựa chọn du học từ bậc học Phổ thông là lựa chọn tối ưu. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh, cũng như các bạn học sinh sinh viên về hệ thống giáo dục phổ thông tại Đức – con đường vào thẳng Đại học.
Tổng quan hệ thống giáo dục Đức
CHLB Đức là quốc gia có chế độ liên bang, giáo dục nằm trong thẩm quyền của mỗi bang. Việc tổ chức ngành giáo dục có những khác biệt giữa các bang, mỗi bang có bộ luật và hệ thống giáo dục riêng. Nghĩa vụ bắt buộc đến trường (giáo dục phổ cập) được quy định trong hiến pháp các bang. Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài đến khi kết thúc năm thứ 9 đến trường (ở một số bang cho đến năm thứ 10).
Từ cuối thế kỷ 19 cho đến ngày nay, tại CHLB Đức tồn tại một hệ thống nhà trường phổ thông phân hóa thành 3 nhánh cơ bản ở cấp trung học cơ sở (không kể loại hình trường đặc biệt), đó là: trường Hauptschule, trường Realschule và trường Gymnasium với ba loại bằng tốt nghiệp khác nhau. Kể từ những năm 1970, ở nhiều bang còn có thêm các loại hình trường Gesamtschule, là trường tích hợp của các loại trường nêu trên. Tính liên thông giữa các loại hình trường được đảm bảo về cơ bản khi thoả mãn các điều kiện được thỏa thuận.
1. Trường Hauptschule
Đây là trường dành cho học sinh trung bình và kém. Học sinh sẽ học từ lớp 5-9 ở hầu hết các bang. Tại các trường này, học sinh sẽ học các môn như ở Realschule hoặc Gymnasium nhưng với tốc độ chậm hơn và kết hợp với việc định hướng học nghề. Sau khi học xong, các em sẽ học tiếp lên các trường nghề bán thời gian (học nửa buổi, nửa buổi đi làm và thực tập tại các nhà máy, công xưởng) cho tới khi 18 tuổi.
Trong quá trình học, nếu học sinh cảm thấy chương trình quá dễ, học sinh có thể chuyển sang trường Realschule để tiếp tục theo học.
2. Trường Realschule
Hệ thống này dành cho học sinh có học lực khá. Các em sẽ học từ lớp 5-10 ở hầu hết các bang. Ở đây học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết cho cuộc sống như Toán, Lý, Hoá, Khoa học bên cạnh các kỹ năng mềm như Tin học, cách gõ văn bản, làm bài tập nhóm, thuyết trình … Sau khi học xong lớp 10, học sinh sẽ trải qua kỳ thi Mittlere Raife (tương đương bằng THCS ở Việt Nam). Với bằng tốt nghiệp này, học sinh có thể đăng ký để học Nghề (Ausbidung) hoặc học tiếp lên hệ thống Gymnasium để tốt nghiệp THPT và vào Đại học.
Có một lưu ý, là trong quá trình học tại hệ thống trường Realshule, cụ thể là lớp 6, phụ huynh sẽ được hỏi rằng có muốn cho con mình chuyển lên học hệ thống Gymnasium ngay hay không. Lúc này phụ huynh và học sinh cần cân nhắc về lực học cũng như mức độ tự tin của học sinh để đưa ra quyết định.
3. Trường Gymnasium
Đây là hệ thống trường dành cho học sinh khá giỏi. Trường sẽ có từ lớp 5-12 hoặc 13 (tuỳ từng bang cụ thể). Các môn học có thể tùy từng trường nhưng nói chung bao gồm các môn: Tiếng, Đức, Toán, Khoa học Máy tính, Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Nghệ thuật, Âm nhạc, Lịch sử, …Từ năm lớp 11 trở đi, học sinh không phải bắt buộc học tất cả các môn học. Các em có quyền lựa chọn những môn học mà mình yêu thích để nghiên cứu chuyên sâu. Học sinh tốt nghiệp lớp 12 ở một số bang đã có thể lấy “Abitur”, nhưng thông thường các bang khác vẫn yêu cầu phải hết lớp 13. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ nhận được bằng tú tài (Abitur) và chuẩn bị cho học sinh lên học Đại học (Universität) hoặc Đại học ứng dụng (Fachhochschule).
Hệ thống trường phổ thông quốc tế tại Đức
Hiện nay tại Đức, đại đa số chỉ có các trường THPT tư thục được phép nhận học sinh quốc tế. Các trường này đều giảng dạy theo hệ thống Gymnasium. Điều này có nghĩa nếu học sinh Việt Nam muốn có bằng Abitur để vào thẳng Đại học tại Đức, các bạn nên học tại các trường này. Ở đây các bạn sẽ được đào tạo theo hệ thống Giáo dục phổ thông cao nhất của Đức cùng với sinh viên bản địa; được trang bị vốn tiếng Đức đủ theo yêu cầu đầu vào của các trường Đại học. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể nộp đơn vào bất kỳ trường Đại học nào trên toàn nước Đức (hoặc các nước trên toàn thế giới) mà không phải trải qua kỳ thi đầu vào cũng như 1 năm học Dự bị như các học sinh quốc tế khác.
Hệ thống giáo dục Đức nói chung, và giáo dục phổ thông nói riêng còn tương đối mới mẻ đối với phụ huynh và học sinh Việt Nam. Đây là một hệ thống mở, học sinh có thể thay đổi loại hinh đào tạo, chương trình học theo khả năng của bản thân. Hình thức đào tạo này sẽ trở nên phổ biến trên thế giới trong tương lai. Và học sinh Việt Nam rất nên tìm hiểu và quan tâm, như một lựa chọn đột phá cho kế hoạch tương lai của mình.
Theo Dân Trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC