Đi du học không phải là con đường bằng phẳng và nước Đức thì không phải là thiên đường.
Bản thân các bạn sinh viên cũng như phụ huynh cũng không lường trước được những khó khăn mà du học sinh sẽ được trải nghiệm.
Bố mẹ chỉ có một mong ước duy nhất lo cho mấy chục ngàn đưa nó sang Đức và sang đó nó học xong, kiếm việc làm, định cư và đón mình sang chơi. Cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép. Cuộc đời kiếm tiền vất vả nhưng sẵn sàng tiêu tiền mà không biết chọn trường nào, ở đâu miễn sang Đức là được. Cuộc sống du học ở Đức đầy những khó khăn và thử thách:
1. Các kỳ thi
Đi du học có nghĩa là phải học và đối diện với các kỳ thi: kỳ thi tiếng, thi vào dự bị, thi tốt nghiệp v.v…mà thi thì sẽ có đỗ, có trượt, có thi lại. Người giỏi không phải là người thi cái gì cũng qua, không phải thi lại bao giờ mà người giỏi và được coi là thành công là người thất bại mà không nản, vấp ngã mà biết đứng dậy và chưa bao giờ biết bỏ cuộc.
- Rủi ro nếu không thi được DSH hay vào dự bị được: bạn có 2 năm để vượt qua thử thách này. Hậu quả nếu không đạt được là có thể bạn phải trở về VN
- Rủi ro khi đã là sinh viên Đại học: dễ bị Ex ra khỏi ngành của mình (Exmatrikulation) nếu không vượt qua kỳ thi đại cương hay một môn nào 3 lần không qua. Hậu quả là bạn không được phép học ngành đó nữa dù ở bất cứ trường nào trên nước Đức, bạn sẽ phải đổi ngành khác và phải làm lại từ đầu, và như vậy là tốn kém, mất thời gian, rắc rối với sở ngoại kiều, mệt mỏi, stress v.v..
Mình may mắn thi ngay được DSH trong vòng học kỳ đầu tiên, còn khi học mình cũng có gặp khó khăn với kỳ thi đại cương nhưng may mắn là vượt qua
2. Với vấn đề tiền bạc chi phí
Tuy không phải mất học phí học dự bị và đại học nhưng bạn sẽ mất tiền học tiếng (nếu vẫn còn phải học tiếng để thi vào đại học), tiền nhà, tiền bảo hiểm, ăn uống đi lại v.v…Nhà bạn nào giàu thì gánh được hoặc có người bảo lãnh chi phi cuộc sống ở Đức cho thì miễn bàn.
3. Về việc làm thêm
tiền kiếm được khi đi làm thêm chỉ trợ tiền tiêu vặt nếu công việc của bạn chỉ là những công việc tranh thủ chớp thời gian, công việc cuối tuần hay mini-job 450 euro Basis. Như vậy sẽ không đủ chi trả tất cả chi phí của cuộc sống.
Nếu bạn có được hợp đồng công việc làm 20 tiếng mỗi tuần trong học kỳ và đến 40 tiếng trong kỳ nghỉ, mức lương từ 600 euro/tháng thì bạn có thể trang trải được cuộc sống nhưng rủi ro là có thể bị ảnh hưởng đến việc học, vì những kỳ thi quan trọng mà bạn không thể đi làm được hoặc rủi ro nữa là bạn chưa chắc sẽ có thể liên tục xin được công việc như vậy trong suốt thời gian học, bạn có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc, bị sa thải v.v…
Mình khó khăn lúc ban đầu với 2 bàn tay trắng, nhưng sau này may mắn có chồng làm chỗ dựa, tuy nhiên mình cũng đã xin được việc làm Werkstudent 20 tiếng/tuần và nhận được hợp đồng liên tục trong suốt thời gian học. Với số tiền kiếm được mình tính là đủ trang trải được cuộc sống của một sinh viên du học độc thân, giống như hồi mới sang Đức mình cũng chỉ làm những công việc mini tranh thủ và tiết kiệm hạn chế chi tiêu tối đa mà mình còn trụ được.
4. Áp lực Visum
Nếu bạn không thuộc diện đã được phép định cư ở Đức vĩnh viễn thì bất cứ du học sinh nào cũng phải cần gia hạn Visum. Cứ khoảng 1- 2 năm bạn sẽ phải gia hạn một lần, bạn lại cần đến tiền chứng minh tài chính (nếu không có người bảo lãnh). Nhiều bạn bè của mình cứ mỗi lần đến kỳ phải đi gia hạn đều đi vay mỗi người một ít để gia hạn, sau đó rút ra dần để trả nợ.
Việc đổi ngành hay phải đổi ngành do bị EX cũng có giới hạn nhất định. Nếu quá mức cũng sẽ bị về nước. Cả việc không được phép học kéo dài quá nhiều so với kỳ học quy định cũng bị áp lực với sở ngoại kiều, càng kéo dài việc học thì áp lực tiền bạc cũng sẽ càng lơn. Áp lực không ra được trường chỉ vì một môn thôi cũng khiến bạn mệt mỏi.
5. Áp lực sau khi ra được trường
Bạn tốt nghiệp được là một điều thành công to lớn nhưng bạn sẽ lại đối mặt với việc tìm việc: bạn tốt nghiệp với tầm bằng giỏi hay bằng kém nó ko phải điều quan trọng nhiều (tuỳ ngành bạn học), việc bạn xin được việc đúng ngành phụ thuộc vào kinh nghiệm những công việc làm thêm trong thời gian học, khả năng tiếng và nhiều kỹ năng khác ngoài trình độ chuyên môn. Bạn được phép trong vòng 18 tháng để xin việc đúng ngành. Nếu bạn xin được việc thì tất nhiên hạnh phúc nào bằng, công sức vất vả và áp lực bao lâu được bù đắp. Nhưng nếu không tìm được việc đúng ngành nhiều bạn sẽ chọn học tiếp lên để kéo dài thời gian xin việc và bạn lại rơi vào cái vòng tròn của những áp lực mà bạn đã muốn thoát: Tiền, thi cử v.v.. (không tính đến những người có trí lớn muốn học tiếp)
Cái này đúng là đầy chông gai
6. Sự tổn thương của giá trị bản thân
Selbstwertgefühl (cảm giác giá trị bản thân) của bạn sẽ bị tổn thương không ít trên con đường du học. Đó là một trong những phản ứng sốc văn hoá điển hình: bạn dễ bị tổn thương ngay từ đầu khi mà phải bắt đầu kiếm tiền bằng những công việc chân tay: rửa bát, dọn nhà vệ sinh v.v…sự tổn thương càng lớn nếu ở VN bạn là người đã có vị trí xã hội trong khi ở Đức bạn chỉ là con số không và phải làm lại tất cả từ đầu. Ngay cả việc bạn đã hoàn thành chương trình học ở Đức nhưng phải đi làm những công việc không xứng với trình độ năng lực của mình, cái cảm giác đó nó giống như ở VN bạn học xong đại học phải đi làm xe ôm vậy.
Tóm lại đi du học bạn sẽ đối diện với những nỗi niềm cả về vật chất lẫn tinh thần. Du học là cần trang bị cho mình ngoài trình độ tiếng, mục đích, kế hoạch rõ ràng thì cần có cả tinh thần thép nữa. Sinh viên du học vẫn gọi đùa là cuộc hành trình vinh quang mà đầy đau khổ…
Du học là rất vất vả nhưng người Việt vốn có tinh thần hiếu học và người tài giỏi, thành đạt ở nước Đức rất nhiều. Tuy nhiên nhìn mặt bằng chung thì năng lực của đa số các bạn trẻ còn yếu, việc muốn đi du học nên phải thận trọng quyết định chọn lựa con đường đi. Xác định đúng năng lực của mình sẽ giúp gạt bỏ những chướng ngại vật không cần thiết. Đừng cố đâm lao rồi không làm được, học thì ít mà du thì nhiều. Hiện nay nước Đức mở cơ hội học nghề nên con đường học nghề có lẽ là con đường phù hợp với năng lực của người Việt hiện nay nhất.
Theo DUHOCDUC.DE
Tác giả bài: Nguyễn Thùy Dương Nguồn: hotrosv.de
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC