Gần đây Vân cũng nhận được rất nhiều câu hỏi về vấn đề chi tiêu của du học sinh. Thế nên hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn về mức sống và thời tiết ở Đức và một số nước lân cận ạ.
1. Mức sống:
Đức là quốc gia phát triển, có mức sống cao, nhưng chưa phải là cao nhất như những nước Scandinavi như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy. Mua sắm ở Đức thì giá cả thuộc hạng bình thường, không rẻ như Ý, Tây Ban Nha và cũng không đắt đỏ như Thụy Sĩ. Nhìn chung, nếu khéo cân đối giữa đầu ra và đầu vào thì bạn hoàn toàn có thể sống đầy đủ ở Đức trong quãng thời gian sinh viên.
Vân xin kể lại với các bạn mức chi tiêu của mình hàng tháng tại Đức để các bạn hình dung nhé:
– Nhà: EUR 230 (ký túc xá dành cho sinh viên mới rẻ như thế, còn thuê ở ngoài thì tầm EUR 300)
– Ăn uống: EUR 120 – 200 (tùy thuộc vào việc tháng đó bạn có đi chơi, ăn ở ngoài nhiều không)
– Bảo hiểm: chằn chặn hàng tháng cứ EUR 80 được tự động rút ra khỏi tài khoản của mình dành cho khoản bảo hiểm. Phải mua bảo hiểm AOK của Đức thì mới được cấp visa ạ. Nên khoản này luôn là như thế, không thay đổi.
Berlin Hauptbahnhof – Nhà ga lớn của Berlin Trời ơi, đây là Main station hoành tráng nhất mà Vân từng đến! Có lẽ phải viết hẳn một bài về nhà ga này mất. Nhiều tầng, hiện đại, tiện lợi và còn được trang trí theo chủ đề vào những dịp lễ lớn như Giáng sinh, Năm mới nữa chứ :X. Nếu có Bahn card, bạn sẽ được giảm giá nhiều. Ngoài ra, là sinh viên, hãy tận dụng thẻ xe bus và tàu do trường mình tặng nhé!
– Đi lại: Nếu có thẻ bus miễn phí của trường thì coi như đi trong thành phố là free. Nhưng nếu có việc phải sang thành phố khác là sẽ mất phí, tùy thuộc vào độ dài đoạn đường và mùa (cao điểm). Khoản này trung bình khoảng EUR 50.
– Các khoản linh tinh khác: Điện thoại (gói thấp nhất là EUR 15, chắc mình không gọi nhiều đến thế); giặt giũ (mỗi lần dùng máy giặt của trường, mình phải nhắn tin để kích hoạt máy giặt mất EUR 2.7 đấy ạ :)) ); Phí quản lý trường…
Đấy, cộng vào thì mỗi tháng mình chỉ tiêu khoảng EUR 530 – 600 thôi. (Vâng, đấy là tháng nào không lên cơn shopping điên cuồng, mỗi chiếc áo mất EUR 50…, hoặc đi du lịch) thì mới “trộm vía” được như vậy ạ.
Tuy nhiên, khi chứng minh tài chính để xin visa, bạn nhất thiết phải có trong tài khoản EUR 8040. Đó là mức quy định tối thiểu cần đó để đảm bảo bạn có đủ tài chính khi sang Đức.
Ngoài ra, tài khoản của bạn sẽ bị giới hạn để đảm bảo bạn không tiêu quá mức và hết sạch tiền trước khi kết thúc năm học. Tức là, để có visa, bạn phải có Blocked Account đủ EUR 8040 và chỉ được rút ra EUR 670 mỗi tháng. Giả sử hôm nay bạn tiêu EUR 400 thì ngày mai (nếu vẫn trong cùng 1 tháng), bạn không thể rút ra EUR 300 đâu nha.
2. Khí hậu:
Mùa đông ở miền Nam nước Đức. Không lạnh lắm đâu, chỉ tuyết mấy tuần thôi ạ :)
Nhiều bạn lo lắng là thời tiết ở các nước khu vực Tây – Trung Âu khắc nghiệt quá mức. Điều đó không đúng. Khắc nghiệt thì phải kể đến các nước Bắc Âu cơ. Khí hậu ở Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… nhìn chung là lạnh và mát, không cực kỳ lạnh, và chỉ có 1 vài ngày hè là nóng thôi.
Khái quát thời tiết 4 mùa trong năm ở các nước như Đức và Thụy Sĩ nhé:
– Mùa xuân: ẩm ướt, mưa khá nhiều, có nắng, nhiệt độ từ 5 – 20 độ C. Ban đêm rất lạnh, ban ngày mát lạnh bình thường, khá dễ chịu. Hoa cỏ nở rộ tưng bừng vào mùa này, rất xinh xắn và khiến tâm trạng vui vẻ. Tuy nhiên, đi đâu cũng nên cầm theo ô, vì có thể sẽ mưa bất chợt. Áo khoác và khăn mỏng là luôn cần thiết trong cái mùa “ẻo lả” này.
Mùa hè ở Đức, hoa lavender nở rộ. Vân toàn đi hái về đựng trong lọ cho thơm í :))
– Mùa hạ: thường là hơi nóng, nhiệt độ từ 15 – 30 độ C. Ban đêm mát, đôi khi hơi lạnh cần đem áo khoác mỏng khi ra đường. Ban ngày nóng, có toát mồ hôi nhưng không nhiều, chỉ cần ngừng hoạt động là khô ráo thơm tho luôn vì độ ẩm luôn rất thấp. Nhưng mỗi mùa hè đều có khoảng 1 tuần thời tiết rất oi ả, nóng bức, có lúc lên đến 37 độ C, và thậm chí mùa hè 2015 vừa qua, có nơi lên đến 40 độ, như ở Việt Nam luôn. Những ngày này, mọi người thường cảm thấy rất khó chịu và hay tập trung ở hồ, bể bơi vì vốn dĩ họ không quen bị nóng.
– Mùa thu: Mùa đẹp nhất trong năm đây rồi
– Mùa đông: Vâng, đây chính là mùa khắc nghiệt nhất mà Vân không hề mong đợi. Nhiệt độ từ -20 đến 0 độ C. Rất lạnh và nhiều tuyết. Nhưng một lần nữa, mình khẳng định là nó không quá khắc nghiệt kiểu không thể chịu được đâu. Vì độ ẩm rất thấp nên các bạn sẽ không thấy lạnh lắm. Ở Hà Nội nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng, độ ẩm quá cao kèm theo nhiệt độ thấp khiến mọi người cảm thấy lạnh sâu, lạnh ẩm vào bên trong. Nhưng ở châu Âu không như vậy. Lạnh nhưng không quá buốt nếu mặc kín và đủ khăn, mũ, găng vì nó không ẩm, chỉ lạnh bên ngoài thôi.
Ôi trời ơi. Mình thề với các bạn, viết xong đoạn vừa rồi mình cảm giác mình đang Dự báo thời tiết í =)). Chuẩn bị làm “Cô gái thời tiết” được rồi. Vâng, như các bạn có thể thấy, không có nhiều tính từ mạnh trong “Bản tin” trên của Vân, nên hãy yên tâm là khí hậu bên đó không quá khắc nghiệt và khó chịu nhé.
Nhìn từ lâu đài Heidelberg vào giữa mùa thu, cảnh quan thật nên thơ và sống động. Các bạn nhất định phải đến thăm thành phố cổ – du lịch Heidelberg nhé, nơi mà nhà văn Goethe của nước Đức đã dạo bước xung quanh để sáng tác đó - Ảnh chụp tháng 11 năm 2011.
Tuy nhiên, có một điều Vân muốn các bạn xác định trước. Mùa đông châu Âu rất ít nắng. Đối với nhiều người, điều đó rất bất lợi cho tâm trạng và sức khỏe. Vân luôn cảm thấy mình không được quang hợp đầy đủ, cơ thể không được linh hoạt lắm nên thấy khá là khó chịu. Vì vậy nên tất cả các mùa khác mình đều cố gắng ra ngoài nạp Vitamin D, thấy nắng là rú lên vui mừng không tả xiết.
Tóm lại, cả mức sống và khí hậu ở Đức đều khá là dễ chịu. Các bạn không nên lo lắng quá vì rồi sẽ quen với cuộc sống ở đó dễ dàng thôi. Riêng với các bạn nữ, hãy nhớ dưỡng ẩm da vì thời tiết rất khô nhé. Nếu để da khô quá là thành nếp nhăn đấy. Thật may mắn là Vân được bạn bè nói là “càng ngày càng trẻ” nên khá tự tin đưa ra lời khuyên cho các bạn về chăm sóc da ở môi trường khô lạnh phương Tây.
Hi vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về mức sống và khí hậu ở Đức qua bài viết này của mình.
Cuối tuần vui vẻ nha!
P/S: Bài viết là chia sẻ của bạn Ngô Quỳnh Vân từ CHLB Đức
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC