Một nhóm học viên vừa phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM về việc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển SHB ở số 122 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM (công ty) không thực hiện đúng cam kết ban đầu về du học nghề ở CHLB Đức.
Học không nổi, dừng cũng không xong
Nhóm học viên gồm bảy người. Từ tháng 7-2019, các học viên có ký hợp đồng du học nghề với Công ty SHB.
Hợp đồng ghi rõ công ty phối hợp với đối tác đào tạo tiếng Đức cho học viên đạt đến trình độ B2 và làm các thủ tục hồ sơ liên quan để học viên sang Đức học.
Học viên đóng tiền làm ba đợt, đợt 1 là 58 triệu đồng (gồm học phí, nhà ở, giáo trình, học nghề); đợt 2 là 58 triệu đồng, khi bắt đầu B1 (phí xử lý visa lần một); đợt 3 là 168 triệu đồng (sau khi đậu phỏng vấn tại Đại sứ quán Đức).
Theo hợp đồng, trong trường hợp học viên không thể học được chương trình tiếng Đức, công ty sẽ hoàn lại số tiền mà học viên đã đóng (sau khi trừ các khoản phí đã chi).
Tuy nhiên, vừa học xong trình độ tiếng Đức B1, công ty đã yêu cầu các em phải thi chứng chỉ tiếng Đức B1 để sang Đức. Điều này trái với hợp đồng, khiến các em chưa muốn xuất cảnh.
Em LHV (quê Kiên Giang) và em NH cho biết hai em đều đã đóng 224 triệu đồng theo hợp đồng trọn gói cho Công ty SHB. Đến nay gần ba năm, hai em đều học và thi tiếng Đức không đạt B1 nên xin dừng nhưng phía công ty chỉ trả hồ sơ gốc chứ không trả lại tiền.
Em YL (quê Đồng Tháp) phản ánh: Em đậu B1 từ gần cuối năm 2020 mà đến giờ vẫn không được bay. – YL lo lắng.
Trong khi đó, em Trần Thị ML (quê Tiền Giang) lại chưa thi đạt B1 nhưng SHB đã báo có hợp đồng bên Đức và chờ em thi đậu để bay. Em đã đóng 118 triệu đồng.
“Thực sự em học không nổi tiếng Đức. Em làm đơn dừng nhưng công ty chỉ trả lại hồ sơ gốc chứ không trả lại tiền đợt 2” – ML nói.
Công ty thừa nhận có sai sót
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty SHB, cho biết công ty ký với học viên hợp đồng trọn gói về đào tạo tiếng Đức và sơ cấp nghề để đi Đức. Đây là dự án do công ty hợp tác với các đối tác ở Đức.
Theo lộ trình, các em sẽ học trong 4,5 năm. Trong đó, một năm học tại Việt Nam và 3,5 năm tại Đức.
Bà Huyền cho biết hợp đồng ban đầu là đào tạo B2 tiếng Đức. Tuy nhiên, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động bị gián đoạn.
Khi đó, công ty đã làm việc lại với đối tác ở Đức theo hướng hỗ trợ cho các em là học viên chỉ cần đạt B1 và đậu phỏng vấn với đối tác bên Đức để có hợp đồng qua Đức học nghề tiếp, vừa hoàn thành B2 vừa có lương thực tập.Từ tháng 9-2020, công ty bắt đầu triển khai chính sách này và sau đó tổ chức đợt thi đầu tiên nhưng chỉ 3/20 bạn đậu B1. Thế nhưng, dịch bệnh ở Đức đang phức tạp nên lại phải tạm hoãn.
“Em YL đã thi đậu B1 và đã có hợp đồng nhưng xin rút hồ sơ. Đáng lẽ YL phải đền hợp đồng nhưng vì thiện chí nên công ty trả lời rằng bạn phải tiếp tục chương trình. Chưa kể, em này còn nợ tiền công ty nên chưa thể thanh lý hợp đồng” – bà Huyền cho biết.
Còn em Trần Thị ML cũng đã có hợp đồng từ Đức nhưng lại thi không đạt B1. Công ty đã thanh lý xong hợp đồng của em.
“Chúng tôi không thể trả lại tiền đợt 2 vì công ty đã chuyển tiền cọc cho đối tác bên Đức để tổ chức phỏng vấn và ủy quyền họ làm các thủ tục xử lý hồ sơ gốc” – bà Huyền giải thích.
Bà Huyền cho rằng với những em học đi học lại vẫn không đạt, nếu xin dừng, quyền lợi về tài chính của các em vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, hai bạn là NH và LHV đã đóng trọn gói không được trả lại tiền, bà Huyền cho biết đây là thiếu sót của công ty, do công ty chưa nắm kỹ hồ sơ. Công ty sẽ kiểm tra và xử lý lại hồ sơ cho hai em.
“Việc học viên dừng khiến chúng tôi rất khó khăn, ảnh hưởng đến uy tín với đối tác bên Đức. Do đó, công ty cần mời phụ huynh lên để làm việc, cũng cần có thời gian gửi hồ sơ qua Đức để giải quyết chứ không thể thanh lý được ngay” – bà Huyền lý giải.
Bà Huyền cũng thừa nhận khóa 2019 là đợt tuyển sinh đầu tiên của công ty nhưng hơn 60 em phải dừng vì quá yếu (trong số hơn 150 em), chủ yếu ở giai đoạn A1, A2.
“Lỗi là do những người tư vấn “tô vẽ” để tuyển được học sinh. Đây là trách nhiệm của chúng tôi nên buộc công ty phải hoàn lại tiền cho các em đó. Còn những em lên được B1, B2 là có khả năng học, công ty buộc các em phải cam kết làm theo hợp đồng. Chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm để có những giải pháp khắt khe hơn trong tuyển sinh về sau” – bà Huyền nói.
Sẽ hoàn trả tiền cho hai học viên
Sau khi có buổi làm việc với Pháp Luật TP.HCM, phía công ty đã mời lần lượt các học viên (có đơn xin rút hồ sơ) lên để giải quyết.
Trong đó, em LHV được hẹn đến ngày 27-5 lên nhận lại tiền. Em NH cũng đã được hoàn trả hồ sơ và sẽ chuyển trả tiền vào ngày 11-6. Với em YL, công ty yêu cầu em gửi lại đơn khiếu nại để được hẹn giải quyết.
Riêng với Trần Thị ML, em cho biết đã được hoàn trả hồ sơ nhưng do chưa lấy lại được tiền đóng đợt 2 là 56 triệu đồng nên sẽ tiếp tục khiếu nại lên công ty.
Nguồn: Plo.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC