Bạn có muốn cóp nhặt những câu chuyện du học “xinh đẹp” trên đất Đức xinh đẹp? Cùng theo gót cô gái du học sinh nhỏ nhắn vào câu chuyện làm thêm ở Đức của cô bạn nhé!
Rồi một ngày không xa bạn cũng sẽ đi làm thêm giống mình trên nước Đức.
Công việc sẽ:
– Cũng không đến nổi nào nếu bạn đủ khỏe như người châu Âu. Mình lại khác, đứa con gái châu Á nho nhỏ duy nhất 1m50 làm trong bếp với 1 người m90, 4 m80, 3 m70. Không phải ông nào cũng to mà thấy ông nào cũng cao.
Nhỏ nhất nên các ông cũng hay gọi bằng “Kleine” cho dễ nhận biết. Hôm nào mà được giao vào ca chiều tối thì thôi, tưởng mình là đã chăm chỉ nhất rồi mà vẫn thấy mình thật vô dụng khi nhìn 5 ông làm. Ông chủ thấy tướng nhỏ không ra chi nên hay cho làm vào ca ngày.
– Cũng không có gì nếu bạn không tiếc tiền mua một cái kính mới (đừng như mình). Cái gọng kính của mình Porsche Fake China (30 ngàn từ chợ Cồn) mà cũng đã được mấy năm, giờ gọng bị rộng ra, cứ tụt hoài xuống mũi. Khi nào đứng nghe các ổng chỉ việc thì hai lòng đen phải hướng lên trên, nhìn khổ dễ sợ vì cái kính và vì các ông cao quá tầm mắt của mình.
– Cũng không đến nỗi nào nếu thiết bị, dụng cụ, giá để đồ, vật dùng dĩa bát chỗ làm có kích thước phù hợp với mình hơn một tí. Nhiều lúc bí quá phải “nhảy” lên để lấy hay cất đồ lên giá, thế là các chú đầu bếp lại cười nham nhở.
– Cũng không đến nỗi nào nếu bạn đủ dẻo dai, nhanh nhẹn như các ông, các anh ấy. Mỗi lần chuẩn bị nhặt rau là các ông lại trêu “H con đang nhặt rau hay hái hoa đấy” ( H…….., zupfst du Petersilie oder Blumen aus)
– Cũng không vất vả, không thấy dị lắm nếu tiếng bạn đủ tốt để hiểu các từ trong bếp, để trao đổi cũng như lúc các ông đầu bếp cần mình hỗ trợ. Thức ăn của người Đức cũng phong phú, không như mình từng nghĩ. Họ ăn rất giàu chất xơ chứ không chỉ có bánh mỳ hay xúc xích đâu.
Nhiều thứ tên quái lạ không thể nhớ hoặc nhớ mang máng thì khi đọc ra, mấy ông phải dành mấy giây suy nghĩ “H, con đang nói cái gì đấy” hoặc là cười từ mím mím đến hở răng vì mình phát âm ra chữ khác (ví dụ từ Knusprig. Mình chỉ nghe thoáng và lặp lại nên phát âm cứ bị sai “Knu spricht” (Knu nói).
Chị Kellnerin phải ghi ra, mình nhìn mặt chữ thì mới nói đúng được. Sahne Pasta thì cứ nói Kem đánh răng “Zahnpasta” . Lúc làm việc mà phải nói ngoại ngữ, mình khó kiểm soát được não mình hay sao đấy.
Rồi ông đầu bếp bảo lấy “Sülze” (đồ ăn, cũng là một món người Đức rất hay ăn đó các bạn) nhưng lúc làm nhiều âm thanh tạm nham, mình cũng không nghe chính xác, thế là mình lễ phép đưa ông cái “Schüssel” (cái thau). Ông chỉ biết lắc đầu “H không phải Schüssel, S Ü L Z E …. ấy”.
Có lần bảo “H lấy Eiswürfel”, mèn ơi, mình không nghe ra “Ei…….S” chữ S ở giữa vì được nói rất nhanh. Đứng suy nghĩ “Eiwürfel” – Viên trứng vuông ở đâu?? Nhiều khi khó vì không hiểu ý nhau và cũng có lúc căng thẳng vì nhiều việc mà mình không giúp được gì nhưng sau cùng, các chú các anh nói là vẫn vui và buồn cười nữa, nên không có méc với ông chủ. “Eier schälen? -Nein nein, Eier pellen (không gọi là “bào trứng”, “lột vỏ trứng nhé”.
*** và thì… một điều quan trọng để mình có thể bù đắp cho những khuyết điểm của mình là…
– Khi làm việc cũng không quá căng thẳng vì ngôn ngữ hay sức khỏe yếu, nếu bạn cũng là người CẦU TOÀN trong công việc. Mặc dù mình làm chậm hơn vì mình luôn cố gắng làm mọi thứ chỉnh chu nhất có thể, nhiều khi không làm hết nhiệm vụ được giao nhưng cái nào cũng gọn gàng, xinh đẹp. Các ông, các chú, anh làm cùng chưa bao giờ bực mình nói mình làm chậm mà thay vào luôn nói “H, không cần phải lúc nào cũng perfekt đâu, con làm nhanh thêm tí”
– Người Đức là người giàu tình cảm, mặc dù họ ít thể hiện ra, trong công việc không phải lúc nào họ cũng như những cổ máy, mình nghĩ bạn cũng hãy thể hiện sự chân thành của bạn tới đồng nghiệp xung quanh ví dụ nhỏ nhỏ bằng việc hỏi “bạn có muốn uống nước gì không” hay “bạn ăn một mẫu dưa hấu nhé” .v.v chứ không phải thân ai nấy lo, việc ai nấy làm đâu ☺ Hãy quan tâm tới đồng nghiệp của mình nữa các bạn nhé!
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC