Du học nghề tại Đức hiện đang thu hút rất nhiều bạn học sinh, sinh viên Việt Nam mong muốn du học với lộ trình an toàn cả về tài chính và tri thức.
Khác với chương trình Dự Bị và Đại học tại Đức, du học nghề không hề yêu cầu quá khắt khe về việc phải tốt nghiệp với điểm số học bạ cao, không đòi hỏi các thủ tục phức tạp như TestAS, APS,… Với điều kiện vô cùng giản đơn, là tốt nghiệp tại các trường cao đẳng và đại học tại Việt Nam, tuổi không quá 25, các bạn học sinh có niềm yêu thích với ngành ẩm thực nhà hàng, khách sạn đều có thể bắt đầu hành trình “Đức tiến”. Tuy nhiên, với nhiều thông tin trái chiều không rõ nguồn gốc, nhiều bạn trẻ vẫn còn e ngại về việc du học nghề tại châu Âu. Bài viết sau sẽ giúp bạn sáng tỏ hơn về chương trình mới này.
I. Đừng du học nghề Nhà Hàng – Khách Sạn tại Đức nếu bạn ….
1. Không phải người năng động, ưa giao tiếp và yêu thích công việc này:
Với đặc thù công việc phải phục vụ khách hàng thường xuyên, chẳng có gì ngạc nhiên khi công việc này yêu cầu bạn phải giao tiếp rất thường xuyên với các nhân viên, quản lí và khách hàng. Không chỉ cần khiến khách hàng hài lòng với dịch vụ cung cấp và thái độ nhân viên cũng khiến khách muốn quay lại nhà hàng, khách sạn.
2. Nghĩ rằng sang Đức công việc sẽ nhàn hạ hơn:
Đa số các bạn học sinh du học nghề chưa tìm hiểu thông tin cụ thể, chưa tham khảo ý kiến và kinh nghiệm của các bạn cựu du học sinh đều có quan niệm sai lầm rằng sang Đức học thì sung sướng lắm, công việc lương cao, nhàn hạ lại định cư luôn. Không hề có công việc nào giản đơn, nhàn hạ kể cả khi bạn làm việc tại Việt Nam hay tại Đức. Lúc đầu du học sinh sang, chắc chắn không khỏi ngỡ ngàng với môi trường làm việc tại các nhà hàng, khách sạn tại Đức. Tuy nhiên, bạn phải nhớ một điều, người Đức họ cũng làm việc được 8 tiếng với cường lực như ấy thì sao các bạn học sinh chúng ta lại không thể làm thế. Trong quá trình đào tại tại trường nghề, song song với quá trình học lý thuyết các bạn cũng được áp dụng thực tiễn và đi thực tập tại các cơ sở luôn. Được bắt đầu từ những công việc thấp nhất, đơn giản nhất rồi bắt đầu dần dần theo quá trình học, vị trí và công việc của bạn cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng cao hơn. Sau 3 năm, bạn sẽ nhận thấy năng lực và khả năng của bạn thân được phát triển một cách chuyên nghiệp, bạn quen dần với guồng làm việc đó.
3. Không ham học hỏi và thường xuyên trau dồi ngoại ngữ:
Cũng giống như chương trình du học Dự bị và Đại học tại Đức, du học nghề cũng yêu cầu bạn phải có bằng B1 tại Việt Nam với điểm số 4 kĩ năng đều trên 70. Bằng B1 tại Việt Nam chỉ được coi là điều kiện cần và đủ để các bạn học sinh sang được đến Đức, chứ chưa thực sự đủ để bạn dễ dàng hòa nhập với cuộc sống và văn hóa nơi đây. Trước khi bước vào khóa học đào tạo nghề, thông thường các bạn học sinh sẽ được tham gia khóa tiếng Đức B2, đây là một cơ hội để các bạn học sinh cải thiện và trau dồi thêm kĩ năng tiếng.
Không những thế, việc giao tiếp và va chạm thường xuyên với người bản xứ sẽ giúp bạn nói trôi chảy hơn, vốn từ ngữ đa dạng phục vụ tốt cho công việc thực tập và sau này tại Đức. Không còn phải lo cảnh bị cô lập, sống đơn côi đâu. Dù có học tập tại những vùng có nhiều người Việt thì cũng đừng qỷ lại mà hãy tận dụng cơ hội để làm quen với nhiều người bạn quốc tế hơn nữa, chỉ có vậy bạn mới vươn tới được trình độ tiếng như bạn mong muốn.
II. Hãy đi du học nghề Nhà Hàng – Khách Sạn nếu bạn ….
1. Thực sự mong muốn được vừa du học, vừa cải thiện thu nhập cho gia đình và bản thân:
Du học nghề tại Đức không chỉ được miễn hoàn toàn học phí như các chương trình Dự Bị, Đại học và Thạc sĩ mà trong quá trình đào tạo tại trường, các bạn học sinh còn được hưởng lương. Tùy từng bang, bạn sẽ nhận được mức lương dao động từ 600 đến 800 Euro/ tháng ngay từ khi sang học tập tại Đức. Thông thường đối với các bạn học năm nhất, mức lương tối thiểu là 680 Euro và đến năm ba mức lương sẽ tăng lên 800 Euro/ tháng. Ngoài ra, nhà trường sẽ trợ cấp cho các bạn 50 Euro/ tháng chi phí sinh hoạt. Với bản tính cần cù, chịu khó của các bạn học sinh Việt Nam cộng thêm việc kết hợp khôn ngoan giữa việc học và làm, các bạn đều có thể làm thêm 20 giờ/ tuần với mức lương 400 Euro/ tháng bằng các công việc bán hàng, gia sư,… Có một số học sinh Việt Nam khi đi thực tập còn được khách sạn ưu ái cho ở trong khu của nhân viên. Với những cách như trên, bạn hoàn toàn có thể tự chi trả chi phí ăn ở sinh hoạt tại Đức và gửi một phần cho gia đình nữa.
2. Muốn lấy được tấm bằng giúp mình đi tới muôn nơi:
Khác với hình thức đào tạo tại Việt Nam, học nghề tại Đức không chỉ cung cấp cho các bạn kiến thức chuyên môn cần thiết về Nhà Hàng, Khách Sạn, Quản trị, Kế toán, Tin học, Luật,… mà còn tạo điều kiện để bạn có cơ hội tiếp xúc với môi trường công việc cường độ cao. Với thành tích cao tại bài thi cuối cấp, bạn sẽ nhận được chứng chỉ nghề Nhà Hàng – Khách sạn đi kèm hàng loạt kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó, bạn có thể tiếp tục làm việc tại các nhà hàng, khách sạn tại Đức hoặc lựa chọn về Việt Nam lập nghiệp với những kiến thức của một nước phát triển châu Âu.
Theo amec
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC