Con phố Kaisser, một đường thẳng nối liền từ khu phố thương mại đến tận ga Frankfurt Hbf nhộn nhịp và đông đúc như một chiếc cầu cạn nối giữa khu thương mại và khu ăn chơi của thành phố. Không khác biệt so với bất kỳ thành phố nào ở châu Âu, ga tàu là nơi quy tập dân tứ chiếng giang hồ, Frankfurt cũng không là ngoại lệ.
Cả khu phố đèn đỏ đổ dồn về đây, trong một khoảng không gian giữa các tòa nhà kiểu khu căn hộ trong khu phố nhộn nhịp dân nhập cư. Kéo theo nó là các cửa hiệu, cửa hàng tạp hóa và nhà hàng mang đầy bản sắc văn hóa của các sắc dân nhập cư, tạo nên một không gian đa chủng tộc giữa trung tâm thành phố. Ga trung tâm Frankfurt, với chiều dài hơn 270 m trong một tòa nhà cao 30m, là điểm trung tâm nối các tuyến đường sắt liên lục địa châu Âu, cũng là điểm kết giao văn hóa, lối sống của dân nhập cư từ khắp châu lục này.
Thoát khỏi vòng vây
Từ đoạn đầu phố Kaisser strasse, rẽ trái rồi rẽ phải, chỗ nào cũng đụng điểm ăn chơi, không một khu nhà đèn đỏ, một cửa hiệu sextoy thì cũng là cả một siêu thị…phim người lớn. Trong các quán bar rập rình nhạc trên phố, tiếp viên, đa phần là dân nhập cư thoải mái ngồi chồm ra cả vỉa hề hoặc đứng luôn ven lề đường để PR, để tiếp thị cho quán của mình trong những bộ đồ “bảo hộ lao động” tối giản hơn của các vận động viên bơi lội.
Phụ tá cho các em là đội ngũ tiếp thị người Thổ hay Trung Đông vạm vỡ với vẻ mặt bặm trợn như 40 tên cướp của truyện Alibaba, cố nặn ra những nụ cười thân thiện để khuyêch trương, mời chào. Khung cảnh nhốn nháo không khác gì khu Patpong tại Bangkok.
– Ê, ê, vào đây chơi, vào đây chơi vui lắm này…có nhiều hàng mới đến này. Những lời chào mời liên tục phát ra khi có khách đàn ông đi ngang qua các khu này. Thật khó cưỡng lại những nhân vật của truyện Alibaba này, và cách kiên nhẫn để thoát đi là không đối thoại.
Nếu bạn chỉ cần nói 1 câu, họ sẽ sẵn sàng hầu chuyện bạn cho tới khi đạt mục đích. “Ô thằng này say thuốc này, nó không nói gì mà cứ cười suốt này”, một cò mồi quán bar thốt vào mặt tôi khi hỏi mãi mà tôi không trả lời, và đấy có lẽ là cách hay để thoát qua dãy quán bar trên phố này.
Xe chạy trên đường cũng chịu chung số phận, nếu chỉ cần giảm tốc hoặc xi nhan rẽ vào lề đường, lập tức đội cò này sẽ vây lấy xe bạn ngay để hành nghề.
Những căn hộ chỉ có nữ chủ
Phố đèn đỏ của Thủ đô tài chính cũng được quy hoạch rất gọn gàng và ngăn nắp trong các tòa nhà kiểu căn hộ. Sự khác biệt của các tòa nhà này so với các khu dân cư khác là chủ nhân ở đây đều 100% là nữ giới và đèn thắp trong nhà chỉ có 1 gam màu đỏ hồng.
Nội thất trong các “căn hộ” nơi đây cũng thật đơn giản: sofa, giường ngủ, kệ đồ uống, máy nghe nhạc, hộ nào sang hơn là TV LCD và dàn âm thanh loại xịn. Tất nhiên các căn hộ này đều không có bếp, nhưng phải có nhà tắm. Khách khứa đi qua đây tấp nập, hộ nào mở cửa, xin mời vào, hộ nào đóng cửa, xin chờ bên ngoài. Khách khứa ở đây ra vào tấp nập, có những khách dư dả thời gian đi hết cả mấy tầng lầu, có khách kiên nhẫn hơn đứng đợi dọc hành lang để chờ các căn hộ khác mở cửa cho thêm sự lựa chọn. Có cả những nữ khách cũng qua lại trong các “căn hộ” thế này.
Đã vào đây thì luật bất thành văn, không ai nói với ai một lời, mọi người lầm lũi đi lại trong các dãy hành lang mờ ảo ánh đèn hắt ra từ những căn hộ trong khu nhà. Chỉ có tiếng khép mở cửa, tiếng xì xào to nhỏ của những nhóm khách du lịch châu Á đi “tour buổi đêm” lẫn trong tiếng nhạc phát ra từ đâu đó.
Tuy là chốn ăn chơi, nhưng kỷ luật của người Đức cũng khiến các sắc dân khác phải nể sợ, chính vì vậy không có những đám đông ồn ào hỗn tạp trong các tòa nhà này, và luôn nhớ dân châu Á cũng không được tiếp đãi mặn mà lắm ở nơi đây, nên chớ dại mà đôi co ngã giá, hay kỳ kèo làm mất thời gian. “Nhập gia tùy tục” thôi, đây không phải là khu đèn đỏ Amsterdam hay Bangkok, chính vì thế, hãy tuân thủ luật lệ của dân bản xứ, hãy trật tự và khép mình nếu không muốn bị tống ra ngoài.
Bữa tiệc buffet ngoài trời
Toàn Frankfurt có khoảng 2300 nhà hàng và tiệm cafe, theo thống kê của chính quyền thành phố, riêng khu KaisserStrasse là nơi tập trung đông đúc các nhà hàng của dân nhập cư nhất, ăn uống ở đây hình như cũng rẻ hơn các khu khác. Và đặc biệt, nếu bạn thích món ăn Thổ Nhĩ Kỳ hay món bánh Donner Keabap truyền thống thì khu này chính là bản địa của các món Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông.
15h chiều, một góc phố được phép trưng dụng, người ta bày bàn ghế và các bom bia ra giữa phố, bữa tiệc buffet bắt đầu. Các món thịt nướng, cá nướng, xúc xích truyền thống của Đức, thịt hun khói…được chế biến thơm lừng cả một dãy phố và bày la liệt trên các xe hàng. Khách hàng trả tiền, nhận đồ ăn trên 1 chiếc khay giấy và có thể mua thêm bia, đồ uống tự do ăn uống trên phố.
Nói đến Frankfurt, không thể không nhắc đến Ebbelwei, một loại thức uống lên men từ táo xanh rất nổi tiếng từ thế kỷ 17 tại thành phố này. Và mồi nhậu đi kèm đồ uống tuyệt hảo này là xúc xích Đức với món sốt xanh nổi tiếng của Frankfurt làm từ trứng, kem và rau xanh đặc sản của vùng này. Nếu không đủ sức khỏe để thử các loại bia Đức bán ngòai phố, bạn có thể ghé một siêu thị nhỏ và khuân về vài két uống dần.
Đồ ăn của Đức nói chung và của Frankfurt nói riêng đa phần là đồ ăn nhiều năng lượng, hơn nữa người Đức khi ăn rất hiếm khi bỏ lại đồ thừa trên đĩa. Chính vì thế khi gọi món bạn hãy cẩn trọng gọi phần của mình ít đi không có sẽ phải cố gắng hết sức vào cuối bữa để giữ phép lịch sự.
Frankfurt không chỉ tự hào về những tòa nhà chọc trời duy nhất tại lục địa châu Âu, mà còn tự hào về cả Quảng trường Romer, một minh chứng cho lịch sử lâu đời của thành phố. Romer nằm giữa khu phố trung tâm thương mại sầm uất của Frankfurt, và cũng rất gần các viện bảo tàng của thành phố, đặc biệt hơn nữa là rất gần tư gia của Đại thi hào Gothe. Nếu bạn yêu thích văn chương, lịch sử và văn hóa Đức, nhà riêng của Gothe sẽ là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình thăm quan Frankfurt.
Theo Phan Lâm
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC