Thực khách phải được sự đồng thuận từ đầu bếp mới được phép chụp ảnh món ăn mua trong nhà hàng và đăng lên mạng, nếu không sẽ bị coi là phạm pháp.
Ảnh: Alamy.
Dù bị coi là phạm pháp nếu chụp ảnh đồ ăn trong nhà hàng mà không xin phép đầu bếp, nhưng tại Đức hiếm có trường hợp nào du khách bị kiện vì hành động trên.
Tuy nhiên, trong các trường hợp không phạm pháp, nhà hàng vẫn có quyền ngăn cản du khách chụp ảnh món ăn của họ.
Năm 2013, Tòa án Tư pháp Liên bang Đức nhận thấy việc bày biện món ăn trên đĩa phục vụ khách hàng thực sự là một quá trình sáng tạo nghệ thuật tốn không ít tâm sức của đầu bếp.
Chúng được coi như các tác phẩm có bản quyền. Do đó, du khách sẽ cần phải xin phép đầu bếp để chụp đĩa thức ăn mình gọi trong nhà hàng trước khi đăng tải lên mạng xã hội hay blog nấu ăn.
Tất nhiên, những bức ảnh này sẽ không được phép sử dụng với mục đích kiếm tiền.
Tiến sĩ Dr Niklas Haberkamm, đến từ công ty luật LHR của Đức cho biết:
“Tác giả của các món ăn đó hoàn toàn có quyền quyết định sản phẩm của mình sẽ được chụp và đăng tải như thế nào”.
Tuy nhiên, không phải khi chụp bất kỳ một món ăn nào, du khách cũng phải xin phép người sáng tạo ra nó.
Theo Anwalt.de, một trang web chuyên về dịch vụ pháp lý của Đức, bạn chỉ bị coi là phạm pháp nếu bữa ăn đó được coi là “nghệ thuật”. Do đó, khi chụp ảnh đồ ăn nhanh, bạn sẽ được thoải mái làm những gì mình thích.
Tại một số nhà hàng bình dân, có thể các món ăn không được trình bày đẹp mắt, nhưng để “ăn chắc”, du khách nên hỏi đầu bếp trước khi đăng ảnh.
Theo Anh Minh
Vnexpress
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC