Tôi từng có dịp lái xe 4.500 km xuyên qua nhiều nước châu Âu, cả chuyến đi không gặp bất cứ một vụ tai nạn nào.
Điều mà tôi tự nhận thấy khổ đường cao tốc của họ cơ bản cũng giống mình. Đường ba làn (một làn dừng khẩn cấp) cũng chạy tốc độ tối đa 130 km/h, đường hai làn (có làn dừng khẩn cấp) chạy tốc độ tối đa 100-110 km/h (trừ những đoạn không giới hạn tốc độ ở Đức). Nhưng họ chạy xe rất an toàn và thông thoáng.
Ở châu Âu quy định, làn ngoài cùng bên trái để vượt, chạy chủ yếu làn đường ở giữa. Xe tải, xe khổ lớn chỉ chạy làn trong cùng bên phải, nếu muốn vượt, chỉ vượt ở làn giữa rồi phải về làn phải.
Ý thức tham gia giao thông cao, lái xe chấp hành việc vượt, nhường đường rất tốt. Nếu đang chạy làn ngoài cùng bên trái có xe chạy nhanh phía sau, kể cả mình đang đi tốc độ tối đa, xe phía sau nháy đèn xin vượt vẫn phải chuyển làn giữa để nhường đường khi xe phía sau chạy quá tốc độ.
Việc chạy quá tốc độ có bị phạt hay không là việc của họ còn việc nhường đường là lẽ đương nhiên.
Còi chỉ dành do việc nhắc nhau đi sai hay đi chậm cản trở xe lưu thông phía sau.
Ở đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay nhiều xe đi chậm dưới tốc độ tối thiểu, chạy gây cản trở rất phổ biến và không có ý thức đi vào làn phải nhường đường. Khi phương tiện phía sau xin vượt (trong điều kiện có thể cho vượt) cố tình không thực hiện gây ứng chế cho người tham gia giao thông, dẫn tới bắt phương tiện sau phải vượt trái rất mất an toàn.
Như vậy, chúng ta nên có những điều chỉnh để giao thông không bị ùn tắc và an toàn cho người tham gia giao thông. Nên quy định và giám sát các phương tiện khổ lớn đi đúng phần đường có tốc độ thấp. Quy định làn trái ngoài cùng để vượt (trừ trường hợp đường đông không thể sử dụng làn giữa hoặc phải).
Xử lý các trường hợp cố tình chạy chậm tại các làn được đi nhanh để thay đổi ý thức vì nhiều người vẫn cho rằng đi chậm là việc của riêng mình nhưng người đi sau rất cần thời gian. Hành vi không nhường đường khi xe sau xin vượt cũng phải được giám sát trên cao tốc và xử lý vi phạm. Đồng thời, biển báo giới hạn tốc độ đặt ở những nơi dễ quan sát và cả 2 bên đường, xử lý vi phạm tự động.
Ngoài ra, chúng ta ra cao tốc hay từ đường không ưu tiên nhập vào đường ưu tiên tùy tiện dẫn tới tỷ lệ va chạm rất cao, trong khi xe đường ưu tiên (đường chính) chạy nhanh rất khó xử lý.
Ở các nước phát triển, biển báo đường ưu tiên và không ưu tiên cắm rất rõ ràng và người dân thực hiện nghiêm túc tuyệt đối, nhường nhau tốt nên tai nạn tại các điểm giao cắt rất ít. Tại các điểm vào cao tốc nên kẻ vạch liền dài qua điểm vào mới tới vạch đứt cho nhập. Ví dụ, hiện đường Đại Lộ Thăng Long nên kẻ lại tránh các xe vào ngay tại điểm giao cắt, rất nguy hiểm cho xe chạy thẳng. Nhiều phương tiện vào cao tốc chạy thẳng ra làn giữa, thậm chí làn ngoài cùng bên trái trong khi các phương tiện đi thẳng đang chạy tốc độ cao, rất khó để kịp thời xử lý.
Trên đây là những chia sẽ cá nhân mà tôi tự nhận thức được khi tham gia giao thông ở nước ngoài và từ đó nhận thấy mạn phép góp ý về một số lý do gây mất an toàn, gây ùn tắc khi tham gia giao thông nước ta hiện nay. Tôi rất mong chúng ta sẽ có sự thay đổi để việc ra cao tốc an toàn và thông thoáng, không còn cảnh tự cản trở nhau, dẫn tới bắt buộc vượt phải gây mất an toàn và giao thông xấu xí, kém văn minh.
Mạnh Hùng
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC