Không hiểu thì đừng nói
Có câu: “Trăm cái nạn, ngàn cái hoạn cũng từ cái miệng mà ra”, thế nên đối với những sự việc không hiểu thì đừng có nói loạn bậy lung tung, đây chính là điều mà mỗi người đều nên ghi nhớ.
Cổ nhân thường nói: “Quân tử cận ngôn thận hành”. Người quân tử nhất cử nhất động, làm gì cũng chú ý lời nói và hành động của mình. Đối với bất kỳ việc gì, nếu như chưa thể hiểu được đầy đủ thì tuyệt đối không thể phát biểu lung tung. Nếu không, một khi nói sai thì trách nhiệm lại thuộc về bản thân người nói. Khi đối diện với sự việc mà có thể tĩnh lặng mà suy xét vấn đề sẽ khiến cho người khác thêm phần kính trọng và ấn tượng trong lòng.
Hiểu rồi thì đừng nói nhiều
Thuyền to thì sóng cả, cây cao thì đón gió lớn, tuy có thể hiểu nhiều biết rộng nhưng cũng vì đó mà không ngừng đón nhận những phiền phức. Làm người thì có những chuyện không nhất định nên nói ra tất cả, để lại một chút trong lòng vẫn là điều tốt nhất.
Trong “Chu Dịch – Lý Giảng” viết: “Cát nhân chi từ quả, tháo nhân chi từ đa”, tạm dịch là người tốt thì lời ít mà người nóng vội thì lời nhiều. Đôi khi biết nói chuyện chỉ là thể hiện năng lực, nhưng im lặng lại là thể hiện cảnh giới. Người trí huệ càng cao thì lại càng thâm trầm ít nói, chỉ nói khi cần thiết.
Có lời thì từ từ nói
Khi tâm phiền trí loạn mà nói chuyện thì lời lẽ cũng chẳng thể minh bạch rõ ràng. Vậy nên, khi phát sinh những điều không thuận lòng hợp ý thì con người chúng ta thường nói những lời nói sai lầm, không đúng với bản chất con người thực sự của mình khi tâm bình ý lặng.
Khi gặp chuyện không vui, trong lòng có tâm sự thì lời nói phải chậm rãi nhẹ nhàng, đó mới là người minh trí, mới không phạm phải sai lầm đáng tiếc.
Cổ nhân nói: “Ninh tĩnh trí viễn” (tĩnh lặng mới có thể nhìn xa trông rộng). Khi gặp vấn đề thì việc đầu tiên cần làm chính là phải tĩnh tâm lại để xét suy vấn đề, đường đời mới có thể tiến xa tiến rộng về phía trước.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC