Bức chân dung Tổng thống Bashar al-Assad với đầy lỗ đạn ở thủ đô Damascus - Ảnh: REUTERS
Báo New York Times đã phỏng vấn hàng loạt quan chức Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, nhân viên ngoại giao ở Damascus... để "vẽ lại" bức tranh hỗn loạn trong những ngày cuối của chính quyền ông Assad.
Ngày 7-12, khi phe nổi dậy đang rầm rộ tiến về thủ đô Damascus sau khi chiếm Homs, mọi chuyện vẫn diễn ra khẩn trương ở Dinh Tổng thống Syria khi cấp dưới chuẩn bị sẵn sàng cho bài phát biểu mang tính quyết định của ông Assad.
Ông dự kiến sẽ công bố kế hoạch chia sẻ quyền lực với các phe đối lập chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm qua.
"Có rất nhiều người trong cung điện nói rằng đã đến lúc ông ấy phải xuất hiện, để ủng hộ quân đội, để trấn an mọi người", nhân vật nội bộ kể lại. Bên ngoài dinh, người dân đổ xô tích trữ thực phẩm hoặc lên xe đi di tản.
An ninh ở thủ đô được tăng cường. Ông Assad không để lộ bất cứ điều gì bất thường. Các nhân viên của ông không nghi ngờ gì.
"Không ai nghĩ Damascus đang sụp đổ", nhân vật trên cho biết, nói rằng sau khi Homs thất thủ, mọi thứ trở nên rất căng thẳng và không ai bên ngoài hay bên trong Dinh Tổng thống nắm được tình hình gì.
Sự phản bội
Nhưng ngay khi màn đêm buông xuống, tổng thống Syria âm thầm rời dinh bay đến một căn cứ quân sự của Nga ở phía bắc và sau đó lên máy bay thẳng đến Matxcơva.
Mọi việc diễn ra bí mật đến mức nhiều cấp dưới vẫn còn ở lại dinh đến tối, chuẩn bị cho một bài phát biểu không bao giờ được lên sóng. Khi tin tức lộ ra, họ đã bỏ chạy trong hoảng loạn, để lại cánh cổng dinh mở toang cho những kẻ nổi dậy xông vào vài giờ sau đó. "Ông ta đã đánh lừa chúng tôi", một trợ lý của ông Assad phẫn nộ nói.
Bên trong quân đội, một binh sĩ tên Mohammed kể lại rằng những người lính được yêu cầu bảo vệ thủ đô cảm thấy suy sụp khi thấy hình ảnh các chỉ huy của họ tháo quân phục và bỏ chạy. Ngay sau đó, lệnh của họ đã thay đổi. "Đốt tất cả mọi thứ: tài liệu, hồ sơ và ổ cứng. Lúc này, tôi và các đồng đội đều cảm thấy chính quyền đang sụp đổ", anh Mohammed nói.
Sự sụp đổ đột ngột của ông Assad đã chấm dứt 50 năm nắm quyền của gia đình ông đối với Syria, làm xáo trộn bản đồ chiến lược ở Trung Đông và đưa Syria theo một hướng mới đầy mông lung.
Sự ra đi của ông Assad khiến kẻ thù của ông hân hoan, còn những người vẫn trung thành với ông trong nhiều năm nội chiến tức giận vì ông đã ra đi mà không nói một lời, bỏ mặc họ cho số phận.
"Vì sự an toàn của chính mình, ông ấy đã hy sinh tất cả người của mình. Đó là một sự phản bội mà tôi không thể tin nổi", một người trong dinh của tổng thống Syria kể với tờ New York Times.
Trong phát biểu nhiều ngày sau khi ra đi, ông Assad giải thích rằng ông không có ý định ra đi, nhưng buộc phải di tản đến Nga sau khi căn cứ quân sự Hmeimim của Nga ở Syria bị tấn công bằng máy bay không người lái.
Một chiến binh lục soát văn phòng trong dinh thự tổng thống Assad ở Damascus ngày 10-12 - Ảnh: REUTERS
Cầu cứu
Trong những ngày cuối cùng nắm quyền, ông Assad đã cầu xin sự giúp đỡ quân sự từ Nga, Iran và Iraq. Nhưng Iran không có nhiều sự lựa chọn bởi tình hình cuộc chiến ở Syria và giữa nhóm Hezbollah với Israel.
Tel Aviv cũng đe dọa ngăn cản các máy bay của Iran bay tới Syria và mọi sự huy động lực lượng mặt đất, điều này khiến Tehran không còn cách thực tế nào để hỗ trợ ông Assad. Trong khi đó, Nga không nghe máy các cuộc gọi của ông Assad, theo các nguồn tin.
Nhưng vô ích vì lực lượng của ông Assad đã suy sụp quá nhanh. Phe nổi dậy gây chấn động với việc chiếm thành phố trung tâm kinh tế Aleppo ngày 31-11 rồi nhanh chóng lần lượt chiếm các thành trì như Hama, Homs. Vũ khí lợi hại nhất của phe nổi dậy là máy bay không người lái, khiến quân đội Syria không thể chống đỡ nổi.
Trước đó các nhà ngoại giao từ nhiều nước đã tìm cách chấm dứt quyền lực của ông Assad một cách hòa bình để tránh một cuộc chiến đẫm máu giành quyền kiểm soát thành phố Damascus. Một đề xuất là ông chuyển giao quyền lực cho lãnh đạo quân đội, tức là chấp nhận một cuộc đảo chính. Còn các quan chức Iran tiết lộ Tehran đã gợi ý ông Assad câu giờ bằng cam kết cải tổ chính phủ với sự tham gia của các nhóm đối lập.
Tại cuộc gặp ở Qatar, các nước Ả Rập cùng Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, nhiều quan chức dường như tin rằng đã quá muộn để cứu vãn chính quyền ông Assad, nhưng cũng không chắc phe nổi dậy có thể điều hành được Syria.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC