Tiếng Việt ngày nay rất lạ!

Tiếng Việt ngày nay rất lạ!

Thiệt tình thì bà già rất muốn biết tại sao Tiếng Việt ngày nay trở nên nghèo nàn như vậy thôi... vì không ai nhìn thấy hay do người ta luôn bị cuốn hút vào đời sống Công nghệ thông tin rồi quên mất...

Một lần chờ xe buýt, tôi có dịp trò chuyện với một người rất trẻ, ăn mặc lịch sự, tóc hớt ngắn, đeo kính trắng nhìn có vẻ trí thức, áo chemise trắng, tay manchette thắt cravats sọc careau thanh nhã...

1 Tieng Viet Ngay Nay Rat La

Bà già và Anh chàng này lại đi cùng tuyến đường, lên xe ngồi cạnh nhau.

Qua giới thiệu tôi được biết anh này là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa ngữ văn trường Đại học nhân văn, hiện anh được giữ lại trường làm trợ giảng cho các buổi dạy sinh viên... Chắc chưa tới 25 tuổi.

Tôi cũng tự giới thiệu mình là giáo viên đã về hưu gần 10 năm, lụm cụm nhưng có nhiều thắc mắc muốn hỏi, mà không biết hỏi ai, may mắn gặp được anh bạn trẻ này, tôi liền xin được trò chuyện, anh chàng rất nhiệt tình và lễ phép, tôi bắt đầu thẩm vấn:

- Con ơi, cô thấy tiếng Việt ngày xưa phong phú và cách ghép từ theo luật quy định, có phương pháp rõ ràng, sao tiếng Việt bây giờ nó nghèo nàn và thô thiển quá.

Thằng nhỏ mắt sáng lên, nhanh nhẹn.

- Cô nêu ví dụ cụ thể đi cô!

Nếu con biết con sẽ giải thích cho cô rõ.

- Cô rất vui, cám ơn con...

Tôi mạnh dạn đặt câu hỏi:

- Ngày xưa có:

  • - Từ thịnh soạn, linh đình... Để nói về một bữa ăn , bữa tiệc...
  • - Từ tráng lệ, nguy Nga... Để nói về ngôi nhà hay biệt thự đẹp.
  • - Từ lộng lẫy, sang trọng... Để nói về cách ăn mặc, những đồ vật, xe cộ...

Ngày nay người ta chỉ dùng có một từ:

"Hoành tráng" thí dụ:

chỉ Bữa tiệc; Biệt thự, Cái xe hơi… Là xong, không phải chọn lựa từ cho thích hợp...

Như vậy có phải làm cho tiếng Việt mình ngày càng nghèo nàn, thô thiển không?

Mà Hoành tráng là cái gì?

Từ này không có trong tự điển tiếng Việt Thằng nhỏ còn chưa kịp trả lời, bà già tui bồi thêm:

- Cô xem trên Tivi những game show, các giám khảo nghe và bình luận về giọng ca của thí sinh nào đó, họ nói:

- Giọng ca đẹp... Cô rất khó chịu vì giọng ca mà đẹp là sao?

Họ lặp đi lặp lại nhiều lần, mà nhiều giám khảo sử dụng từ đẹp cho một giọng ca... Là sao?

Thay vì nói một giọng ca truyền cảm, giọng ca trầm ấm, giọng ca du dương, hay trong trẻo...

Thêm một chưởng nữa bà già tui tiếp luôn:

- Vẫn là xướng ngôn viên trên Tivi đọc tin tức họ nói:

- Nào là đinh tặc, cát tặc, lâm tặc, hải tặc, không tặc, cáp tặc... Chó tặc... Họ đọc một cách hồn nhiên...

Cô nghe mà... Muốn khóc cho tiếng Việt thời nay....

Những từ như “động não, manh động, trẻ em hòa nhập...” Được nghe rất bình thường...

Cô đồng ý là từ ngữ có ngày sinh, nó xuất hiện theo thời... Và nó cũng có ngày mất do người ta quên không sử dụng nữa thì nó mất do không còn thấy xuất hiện nữa...

Thằng nhỏ ngồi nghe mà không nói được câu nào, nó nhìn bà già tui có vẻ gì khó hiểu, một lúc sau nó mới mở lời:

- Cô ơi, để con về trao đổi lại với Thầy con... Mong hôm khác gặp lại cô...

Xe dừng, không biết là nơi thằng nhỏ muốn đến, hay nó ngại ngồi nghe bà già chất vấn... Cuối cùng, Thằng nhỏ xuống xe và đi như trốn chạy! Tội nghiệp quá!

Học trò của Bà Già tới nhà thăm cô, Bà Già tui làm bánh cho tụi nó ăn, vừa ăn, nó vừa xuýt xoa:

- Bánh cô làm hơi bị ngon!

- Ngon mà sao bị? Học ở đâu ra?

Bà già tui bắt đầu giảng cho nghe một bài... Tụi nó mở mắt nhìn mà không nói, chắc là do thói quen...

Thế nhưng... Có lẽ mình đã hết thời rồi, sắp lên núi mà cứ muốn ở với đời.

Nguồn: VĂN HÓA - GIÁO DỤC


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan