Từ vụ xài thẻ 8,5 triệu thành nợ gần 9 tỉ: Pháp luật quy định về lãi suất ngân hàng ra sao?

Từ vụ xài thẻ 8,5 triệu thành nợ gần 9 tỉ: Pháp luật quy định về lãi suất ngân hàng ra sao?

Vụ việc một khách hàng của Eximbank nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng sau 10 năm, số tiền lãi lên tới gần 9 tỉ đồng khiến nhiều người bị sốc. Nhiều người băn khoăn không hiểu ngân hàng tính như thế nào, pháp luật quy định về lãi suất trong giao dịch dân sự và trong hoạt động ngân hàng ra sao?

1 Tu Vu Xai The 85 Trieu Thanh No Gan 9 Ti Phap Luat Quy Dinh Ve Lai Suat Ngan Hang Ra Sao Khách hàng cần nghiên cứu kỹ các thỏa thuận về lãi suất, phí khi mở thẻ tín dụng.

Không áp dụng trần lãi suất 20%

Theo TS. LS Đặng Văn Cường, pháp luật quy định trong giao dịch dân sự thì lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20 % một năm. Cụ thể, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong quan hệ dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Như vậy, lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%/tháng, nếu lãi suất thỏa thuận vượt mức lãi suất tối đa mà pháp luật dân sự cho phép thì phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng thì mức lãi suất của tổ chức tín dụng không chịu sự điều chỉnh của quy định về mức lãi suất trần tại Bộ luật dân sự 2015 mà chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng.

Luật các tổ chức tín dụng 2024 đã được ban hành nhưng đến 1-7 tới đây mới có hiệu lực. Do đó, các tổ chức tín dụng vẫn đang thực hiện theo các quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

TS.LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh mức lãi suất của các tổ chức tín dụng có thể cao hơn mức lãi suất giới hạn trong BLDS, tuy nhiên phải tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác do cơ quan quản lý ban hành và không bị giới hạn lãi suất không quá 20%/năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, trong trường hợp tổng số tiền lãi quá lớn khiến khách hàng nghi ngờ thì cần yêu cầu ngân hàng giải thích về cách tính lãi và các giao dịch đã phát sinh trong suốt thời gian qua. Từ đó, có cơ sở để giải quyết.

Không có giới hạn lãi suất đối với cho vay tiêu dùng?

Trao đổi với PLO, luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Saigonmind dẫn chiếu các quy định của ngành ngân hàng về lãi suất. Theo đó, khoản 1 Điều 13 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa.

Tiếp đó, Khoản 2 của Điều này quy định về các trường hợp NHNN quy định giới hạn lãi suất đối với một số lĩnh vực nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn. Đó là các lĩnh vực gồm:

(1) Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

(2) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại.

(3) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(4) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

(5) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Có thể thấy, NHNN có quy định về giới hạn lãi suất cho vay nhưng giới hạn này chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực. Việc cho vay tiêu dùng trong đó có thẻ tín dụng không thuộc các trường hợp giới hạn lãi suất và phụ thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, dựa trên cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

“Nhưng thỏa thuận giữa các ngân hàng và khách hàng không chỉ bao gồm lãi suất cho vay mà còn các vấn đề khác như lãi nhập gốc, các loại phí… Đây là vấn đề quan trọng mà khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch”- luật sư Hồ Hữu Hoành nhấn mạnh.

Cần một giới hạn?

Theo Luật sư Hồ Hữu Hoành, năm 2021, Hội đồng thẩm phán tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP. Trong đó, khoản 1 Điều 2 quy định “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Tức là nếu cho vay với mức lãi suất 100% thì sẽ bị xử lý hình sự.

Trong thực tế, vẫn phát sinh các hình thức hợp đồng tín dụng tiêu dùng có tiền lãi, phí quản lý và các chi phí khác mà người vay tiêu dùng phải trả có thể trên 8-9%/tháng trở lên (tương ứng trên 100%/năm).

Do đó, luật sư Hồ Hữu Hoành đặt vấn đề có lẽ chúng ta cần quy định mức lãi trần cho hoạt động tín dụng tiêu dùng và giới hạn vấn đề lãi nhập gốc để tránh những trường hợp vay tiêu dùng 8,5 triệu đồng thành nợ gần 9 tỉ đồng như sự việc đã xảy ra.

Hoặc ít nhất, NHNN cần phải có văn bản hướng dẫn rõ quy định “thỏa thuận về mức lãi suất giữa các TCTD với khách hàng theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng” tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và phải đặt ra các tiêu chí cụ thể để điều chỉnh lãi suất và bổ sung quy định điều chỉnh lãi suất biến động.

Ở một khía cạnh khác, Điều 32c Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định: “Dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b Thông tư này không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng”.

Do đó, luật sư Hồ Hữu Hoành cho rằng nếu ngân hàng để dư nợ của khách hàng thẻ tín dụng vượt trên 100 triệu đồng trong nhiều năm mà không có bất kỳ biện pháp cảnh báo, thu hồi, ngăn chặn hoặc tái cơ cấu khoản nợ là bất hợp lý.

BÙI TRANG

Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan