Giới trẻ Việt hiện nay không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với các thế hệ cũ - những người đã có tích lũy nhất định.
Nói về câu chuyện áp lực của giới trẻ Việt thời nay, với mô hình dân số lớn (quy mô trên 100 triệu người), sẽ hai điểm bùng phát kế cận nhau mà người trẻ phải đối mặt, đó là văn minh nông nghiệp công nghệ cao và văn minh logictics.
Văn minh nông nghiệp công nghệ cao sẽ yêu cầu sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang được phân bổ lại cho các công ty nông nghiệp, nông dân hiện nay chỉ còn hai lựa chọn: một là giao đất cho công ty nông nghiệp và làm công nhân, hai là phải có nguồn lực lớn để tự vươn mình thành nhà nông dân hiện đại, sản xuất quy mô lớn. Cho nên, có thể nói, thế hệ trẻ hiện nay đã mất đi phần lớn cơ hội trở thành nông dân sống an nhàn như các thế hệ trước.
Với điểm bùng phát văn minh logictics thì không chỉ sắp xếp lại các mô hình giao thông, vận chuyển hàng hóa, mà ngay cả các chỗ ở có lợi thế cạnh tranh như nhà thành phố, nhà gần khu công nghiệp... cũng trở nên vô cùng khốc liệt. Giá cả bất động sản liên tục leo thang và gần như đã vượt ra khả năng kiếm tiền, tích lũy của một thế hệ. Điều đó có nghĩa, để sở hữu nhà và bất động sản, thế hệ trẻ ngày nay có thể phải tích lũy qua nhiều đời mới mua được.
Việt Nam vốn là một đất nước đông dân, diện tích nhỏ hẹp với mật độ dân số cao, nên gần như chúng ta sẽ phát triển theo mô hình các nước vừa và nhỏ ở châu Âu về tỷ lệ sở hữu bất động sản. Ở những nước này, tỷ lệ sở hữu nhà chỉ chiếm khoảng 50% dân số, thậm chí thấp hơn là 30%. Hầu hết người dân sẽ phải sống trong các mô hình nhà cho thuê.
Giới trẻ ngày nay áp lực hơn nhiều so với thời trước
Với công nghệ xây dựng hiện đại và chi phí thấp, người dân ở châu Âu vẫn có thể ở nhà thuê nhưng trong không gian rỗng rãi hơn. Ngược lại, với công nghệ xây dựng thấp, thế hệ trẻ Việt Nam lại đang phải gồng mình sống trong các không gian chật hẹp, thậm chí chỉ dưới 10 mét vuông.
Các vành đai đô thị đang sắp xếp lại quyền sở hữu bất động sản ở nước ta. Việt Nam đang ở những bước đầu tiên của cuộc đua sở hữu bất động sản, nhưng giá nhà, đất đã quá cao.
Sau cuộc đua này, dân số Việt Nam sẽ đi vào quỹ đạo giảm dần, vì thế thệ thua cuộc trong cuộc đua bất động sản sẽ từ chối sinh đẻ vì gánh nặng kinh tế. Điều đó cũng giống như thực trạng hiện nay ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó sẽ là một áp lực siêu lớn khi mà thời kỳ dân số vàng của Việt Nam có thời gian ngắn hơn các nước khác rất nhiều (chỉ khoảng 15 năm).
Nghĩa là, giới trẻ Việt Nam hiện nay không chỉ phải cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với cả các thế hệ cũ - những người đã có thời gian để thành công và có những tích lũy nhất định. Tất cả những điều đó gom lại, trở thành thứ áp lực khủng khiếp đè nặng lên người trẻ hiện tại.
Đông Hải
Quan điểm của bạn thế nào?
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC