Apple dường như không quan tâm mấy đến những sợi cáp điện thoại của mình. Không quá khi nói rằng cáp sạc iPhone là loại cáp dễ hỏng nhất mọi thời đại. Độ bền trong lớp vỏ cao su của nó kém xa so với cáp sạc từ các nhà sản xuất phụ kiện bên thứ ba, khiến nó rất nhanh rạn nứt và gây sờn đứt dây điện ở bên trong.
Dường như vấn đề nằm trong thiết kế dây sạc gồm hai phần của iPhone:
Phần vỏ nhựa cứng bao bọc lấy cổng sạc và chip điều khiển trong khi lớp cao su mềm bao bọc các dây điện bên trong.
Tuy nhiên, thiết kế này đã làm lớp vỏ cứng thường xuyên cắt vào lớp cao su mềm mỗi khi bị uốn cong, và cuối cùng là làm phá hủy cả lớp vỏ ngoài cũng như các dây điện bên trong.
Thiết kế sản phẩm ưu tiên thẩm mỹ
Tuy nhiên, các nhà sản xuất phụ kiện bên thứ ba đã có cách vượt qua điều này bằng các thiết kế rất đơn giản. Thay vì chỉ một lớp cao su mềm bọc ngoài dây điện, một số nhà sản xuất phụ kiện trang bị thêm một lớp vải cách điện hoặc lớp cao su dầy hơn để tránh việc bị lớp vỏ nhựa cứng cắt vào lớp bảo vệ bên ngoài.
Không những thế, để hạn chế đến mức tối đa lớp vỏ cứng này gây tổn hại cho lớp cao su mềm bọc dây điện, các nhà sản xuất phụ kiện đều làm mềm phần chuyển tiếp giữa lớp vỏ nhựa cứng bọc lấy cổng sạc và vỏ cao su mềm. Chúng có thể được làm bằng vật liệu mềm hơn hoặc sử dụng thiết kế gấp khúc để có thể uốn cong được.
Những sợi cáp được bọc thêm lớp vải cách điện cũng như phần tiếp nối được thiết kế để uốn cong dễ hơn giúp giảm tác động khi bị uốn cong.
Những điều này sẽ làm các sợi cáp được uốn cong một cách từ từ và lực uốn dàn đều ra nhiều điểm hơn, làm giảm lực cắt vào lớp vỏ mềm của dây điện.
Nhưng tại sao các kỹ sư hay các nhà thiết kế của Apple – những người đã trực tiếp làm nên chiếc iPhone đầy tinh xảo và những con chip A series đầy sức mạnh – lại không nghĩ đến?
Có lẽ ưu tiên cho tính thẩm mỹ trong thiết kế sản phẩm của Apple đã làm các thiết kế trên không được chú ý đến. Dù hiệu quả trong việc gia tăng độ bền sản phẩm, nhưng các thiết kế trên có thể làm sợi cáp dày hơn một chút, cũng như làm vẻ ngoài của lớp nhựa cứng bọc bên ngoài cổng sạc trở nên kém liền mạch hơn hiện tại.
Có lẽ ưu tiên cho tính thẩm mỹ đã làm giảm độ bền của những sợi cáp iPhone?
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân quan trọng nhưng ít ai ngờ đến đã tác động đến độ bền của những sợi cáp sạc của iPhone. Đó là vì bảo vệ môi trường.
Ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường
Từ những năm 1990, Apple đã bắt đầu loại bỏ việc sử dụng nhựa PVC (PolyVinyl Chloride) trong các sản phẩm của mình. Nhưng quá trình này đã được thúc đẩy nhanh hơn sau báo cáo của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) năm 2005 nhằm chỉ trích Apple vì sử dụng các chất độc hại trong sản phẩm của mình.
Hình ảnh cho chiến dịch vận động của Greenpeace nhằm thuyết phục Apple hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại với môi trường.
Từ năm 2007, Apple khởi động chương trình "A Greener Apple" – kế hoạch nhằm loại bỏ các hóa chất độc hại cho môi trường khỏi sản phẩm của mình. Đến năm 2010, cả Apple và báo cáo kiểm tra từ tổ chức Hòa Bình Xanh cho biết, tất cả các sản phẩm của Apple đều không sử dụng nhựa PVC cùng nhiều loại hóa chất độc hại khác.
PVC là một loại nhựa quan trọng đối với các ngành công nghiệp và tiêu dùng. Tại Mỹ, đến 66% ống hút, dây cách điện, vải chống nước cũng như găng tay y khoa có nhựa PVC trong đó. Không gây độc hại với con người, giá thành rẻ và đặc biệt khi bổ sung thêm các chất phụ gia khác, nó giúp tạo nên những loại vật liệu dai hơn, mềm dẻo hơn và chịu nhiệt tốt hơn.
Mặc dù những đặc tính này rất hữu ích cho cách tiêu dùng của con người nhưng nó lại trở nên rất độc hại với môi trường khi nó rất khó phân hủy trong tự nhiên. Thời gian phân hủy nó trong tự nhiên có thể kéo dài đến 500 năm hoặc lâu hơn nữa. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều nhà khoa học và môi trường nỗ lực tìm ra loại vật liệu thay thế cho PVC cũng như các loại nhựa khác.
Còn đối với Apple, hậu quả từ việc loại bỏ PVC ra khỏi sản phẩm của mình là làm độ bền các phụ kiện bằng nhựa sụt giảm rõ rệt, minh chứng rõ ràng nhất là việc cáp sạc iPhone tỏ ra kém bền và nhanh chóng bị đứt gãy chỉ sau vài tháng sử dụng.
Trong khi đó, các đối tác sản xuất phụ kiện bên thứ ba rõ ràng không gặp phải các ưu tiên về thẩm mỹ hay môi trường như Apple, từ đó họ có thể làm nên những phụ kiện có độ bền cao hơn so với chính của Apple.
Theo Nguyễn Hải / ttvn.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC