Nghiên cứu cảnh báo tình trạng phân biệt ngày càng tinh vi và phổ biến
Một nghiên cứu mới công bố bởi Tổ chức Theo dõi Phân biệt đối xử và Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc quốc gia (National Discrimination & Racism Monitor) cho thấy, phân biệt chủng tộc tại Đức đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng hơn tưởng tượng.
Nghiên cứu được thực hiện trên gần 10.000 người tham gia từ khắp nước Đức cho thấy, những cá nhân bị nhìn nhận là người nhập cư hoặc người Hồi giáo có nguy cơ cao bị phân biệt đối xử – ngay cả khi họ không thuộc những nhóm này. Chỉ những yếu tố như màu da, mái tóc sẫm màu hay việc đội khăn trùm đầu cũng có thể khiến một người bị đối xử bất công.
Báo cáo được công bố tháng 3/2025 ghi nhận hơn một nửa số người từng là nạn nhân của phân biệt đối xử cho biết họ gặp tình trạng này ít nhất mỗi tháng một lần. Phụ nữ Hồi giáo và người da đen là hai nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 60% cho biết họ thường xuyên đối mặt với phân biệt trong đời sống hằng ngày.
Không chỉ là cảm nhận cá nhân, nghiên cứu còn phát hiện rằng hơn 20% dân số Đức mang tư tưởng phân biệt chủng tộc ăn sâu bám rễ. Tình trạng này không chỉ gây chia rẽ xã hội mà còn để lại hệ quả nặng nề về sức khỏe tinh thần, như lo âu, trầm cảm và mất niềm tin vào các thể chế công.
Cihan Sinanoglu, Giám đốc Racism Monitor, cho rằng hiện nay phân biệt chủng tộc đang dần trở nên tinh vi hơn. Theo ông, xã hội Đức đang tồn tại một quan điểm phổ biến cho rằng các nhóm thiểu số "đòi hỏi quá nhiều quyền", dẫn đến sự kỳ thị tiềm ẩn.
Các tác giả của báo cáo lên án việc nhiều đảng phái chính trị ở Đức vẫn xem phân biệt chủng tộc chỉ là vấn đề của các nhóm thiểu số. Naika Foroutan, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu, nhấn mạnh rằng cứ ba gia đình ở Đức thì có một gia đình liên quan đến lịch sử di cư – điều cho thấy đây là vấn đề ảnh hưởng đến một phần lớn dân số, chứ không phải một nhóm thiểu số nhỏ lẻ.
Ferda Ataman, ủy viên liên bang về chống phân biệt đối xử, khẳng định: “Đây là lời cảnh báo rõ ràng gửi đến giới chính trị.” Bà chỉ ra rằng hệ thống pháp luật hiện tại của Đức còn quá yếu trong việc bảo vệ người dân khỏi phân biệt đối xử, và kêu gọi chính phủ mới cần có những hành động mạnh mẽ hơn.
Lời kêu gọi của Ataman được đưa ra trong bối cảnh các đảng lớn như CDU và SPD đang bước vào giai đoạn đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền mới – thời điểm quan trọng để ưu tiên cải cách các chính sách chống phân biệt chủng tộc.
Lê Hải Yến - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC