Ngày 8-1, trả lời phỏng vấn báo điện tử Vnmedia, về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn, Đại tá Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho rằng:
Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này.
Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào.
Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả.
Giám đốc CA TP Hải Phòng Đại tá Đỗ Hữu Ca. Ảnh: Vnexpress
2. Phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không?
Chiều 9-5, ông Bùi Huy Thanh - chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên - trả lời với phóng viên một số báo xung quanh việc hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long) xác nhận bị lực lượng chức năng hành hung gần khu vực cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) hôm 24-4.
“Quan điểm chỉ đạo về vụ việc này là xử lý nghiêm khắc nếu đúng đó là sai phạm của lực lượng chức năng. Chúng tôi mong hai nhà báo cung cấp băng gốc cho cơ quan công an vì phải có đầy đủ vật chứng, nhân chứng mới sớm xử lý được. Hơn nữa, cũng phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo? Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc” - ông Thanh nói.
3. “Tôi có bảo bối bảo vệ mình”
Ngày 21-9, trước khi bị khởi tố ông Trần Xuân Giá nói với phóng viên Tiền Phong rằng ông có bảo bối bảo vệ mình.
Ông Trần Xuân Giá trước thời điểm bị khởi tố. Ảnh: P.Cầm.
Ông nói: Bảo bối của tôi hiện nay là cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm. Tôi là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là “đứa con” sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc, tuy nó chưa hoàn chỉnh, còn phải hoàn thiện. Trước năm 1989 khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người dân làm bất kỳ việc gì miễn là nhà nước cho phép, còn sau đó, thì được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm.
Trong khi đó, Cơ quan CSĐT giải thích lý do một số cựu lãnh đạo ACB, trong đó có ông Giá, bị khởi tố như báo Tiền Phong đã đăng.
4. “Tôi chỉ ước được trở về ngày xưa”
Ngày 30-10, ngày thứ hai trở lại Quốc hội, ĐB Đặng Thành Tâm trả lời báo chí một số vấn đề về tình hình kinh tế và tập đoàn của mình.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm.
Ông Tâm nói: “Tôi chỉ ước được trở về ngày xưa. Không phải mình tôi đâu, những anh khác nằm trong danh sách giàu nhất nhì sàn chứng khoán cũng ước mơ như vậy đấy. Ngày xưa làm ít, nợ ít, không canh cánh nỗi lo nợ nần. Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài xa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo”.
5. 'Xin nhận một nửa giải Nobel'
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Ngày 13-11, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về sự điều hành kém cỏi của ngành ngân hàng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, ổn định tỷ giá và câu chuyện quản lý vàng (tại kỳ họp thứ IV quốc hội khóa XIII), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng:
“Người ta tìm ra bộ ba bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”.
6. Hãy gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi'
"Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra giải pháp để nâng cao y đức lương y.
Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong bệnh viện trong phiên trả lời chất vấn ngày 14-11 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.
7. Từ nay, các đoàn đến Bắc Trà My huyện sẽ không tiếp đón nữa
Ngày 20-11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp nghe báo cáo các vấn đề liên quan đến tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My.
Bức xúc trước việc động đất mạnh và liên tục, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, khẳng định “Hôm nay, huyện nêu quan điểm khẳng định nếu các sở ban ngành của tỉnh lên khảo sát, kiểm tra tình hình của người dân thì huyện sẽ tiếp, còn các đoàn của Bộ, ngành T.Ư vào huyện sẽ không tiếp nữa. Thời gian qua, mỗi lần động đất mạnh thì các đoàn này, đoàn nọ vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, động đất thì càng ngày càng mạnh. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương thay vì tiếp đón các đoàn” !
Động đất Thủy điện sông Tranh 2 được báo Tiền Phong bình chọn là một trong sự kiện tốn nhiều giấy mực báo chí và là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2012.
8. Đặc xá vì trại giam quá tải
Thiếu tướng Phan Anh Minh. Ảnh: Minh Đức - TTO Thiếu tướng Phan Anh Minh. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ngày 6-12, tại kỳ họp HĐND TPHCM trong phần trả lời chất vấn của mình về vấn đề trật tự an ninh,Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TPHCM: “Ít năm trước, thành phố hô hào bắt tội phạm nhưng sau đó, một năm lại phải đặc xá một đến hai lần vì trại giam quá tải chứ không phải do phạm nhân cải tạo tốt”
9. Công chức ... 100 triệu đồng
Ngày 7-12, tại phiên thảo luận của HĐ ND TP Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP 2013, ông Trần Trọng Dực - chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu HĐND TP Hà Nội cho biết: “Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện là trưởng phòng Nội vụ của các quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền chạy của các thí sinh để được đỗ công chức và số tiền không dưới 100 triệu đồng...”
10. Mượn xe của bạn bè, người thân phải có sổ hộ khẩu
“Đối với xe lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt người điều khiển. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân, phải chứng minh được chủ phương tiện là ai như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh”
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT CA TP Hà Nội
Đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng CSGT - CA TP Hà Nội trả lời về việc Nghị định 71 (sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định 34) chính thức có hiệu lực. Trên thực tế, Đại tá Đào Vịnh Thắng đã hiểu nhầm luật, bởi theo quy định của Nghị định 71, “chỉ xử phạt người sở hữu phương tiện giao thông chưa sang tên đổi chủ, chứ không phải người điều khiển”.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 còn có nhiều bất cập trong khi Bộ CA chưa có Thông tư hướng dẫn. Điều này đã gây ra sự lo lắng trong dư luận suốt một thời gian dài. Cuối cùng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an tạm dừng thực hiện xử phạt người sở hữu phương tiện giao thông chưa đổi chủ theo Nghị định 71.
* Tiền Phong Online sắp xếp sự kiện theo tuyến thời gian
Nguồn: Báo Tiền Phong Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC