Nhiều trung tâm luyện thi tư thục vẫn mở cửa đón học sinh bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng. Ảnh: Reuters
Choi Young-eun đã rất lo lắng về việc học tập của con mình khi các trường học ở Hàn Quốc phải đóng cửa vì dịch COVID-19, cô quyết định gửi chúng đến một trung tâm dạy học tư thục để đảm bảo con không bỏ lỡ kiến thức.
Cô Choi, người phụ nữ nội trợ và là mẹ của 2 học sinh trung học, là một trong số hàng triệu phụ huynh đã gửi con mình đến “hagwon” – các trường dạy thêm, trung tâm luyện thi tư thục tại Hàn Quốc – ngay cả khi chính phủ áp đặt quy định hạn chế các cuộc tụ họp đông người dễ có nguy cơ bùng phát virus SARS-CoV-2.
“Sẽ thật tuyệt vời nếu tất cả các trường dạy thêm đều đóng cửa và học sinh đều không phải đi học, bởi vì tôi không muốn con mình là những đứa trẻ duy nhất bỏ lỡ kiến thức”, cô Choi nói.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Hàn Quốc đã hoãn khai giảng năm học mới khoảng một tháng khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang phải chiến đấu với virus SARS-CoV-2, đã lây nhiễm cho hơn 9.700 người và khiến hơn 160 người tử vong tại quốc gia này, tính đến ngày 31/3.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chính phủ đã kêu gọi người dân ở yên trong nhà và duy trì “giãn cách xã hội”. Nhưng dường như tình hình nguy hiểm của dịch bệnh không làm giảm sự khắc nghiệt tại các trường luyện thi ở Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ chính thức quyền Seoul, có đến 9 trong số 10 trường luyện thi đã mở cửa vào tuần trước, tăng từ giữa tháng 3 và có đến 60% các trường đang hoạt động. Các trung tâm luyện thi này là một phần của hệ thống giáo dục tư nhân trị giá 17 tỷ USD mà người Hàn Quốc cho rằng nó mở ra cơ hội vào học một trường đại học danh giá để có được thành công suốt đời.
“Nhiều phụ huynh đã gọi cho chúng tôi và yêu cầu các lớp học mở cửa trở lại,” ông Lim Sung-ho, Giám đốc Học viện Jongro, một trong những thương hiệu “hagwon” lớn nhất ở Hàn Quốc với khoảng 6.000 sinh viên, cho biết.
Binh lính Hàn Quốc lau cửa bằng chất khử trùng tại một trường luyện thi ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Giống như các trường học khác, Học viện Jongro đã đóng cửa khi chính phủ ban bố tình trạng báo động đỏ vì dịch COVID-19 vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, trường này đã mở cửa trở lại và tất cả 22 lớp học hầu hết đều có đầy đủ học sinh tham dự.
Nhưng do nhà trường thực hiện các quy định “giãn cách xã hội” bắt buộc nên quy mô lớp học nhỏ hơn thông thường. Số lượng học sinh trong lớp học đã học giảm từ 60 học sinh xuống 24 học sinh, các em được xếp ngồi cách xa nhau ít nhất 1 mét. Ông Lim cho biết sự điều chỉnh này ảnh hưởng đến khoảng 1/6 doanh thu hàng năm của học viện.
“Phụ huynh học sinh cho biết họ cảm thấy an toàn hơn và hiệu quả hơn nếu con em mình được giám sát bởi các thầy cô trong các trường luyện thi tư thục”, ông Lim nói.
Theo dữ liệu của chính phủ, năm 2019, người Hàn Quốc đã chi hơn 21 nghìn tỷ won (17 tỷ USD) cho học phí tư nhân, có 3/4 trẻ em – từ lớp 1 đến lớp 12 – đã theo học tại các trường luyện thi. Năm 2019, đã có hơn 127.000 trung tâm luyện thi đăng ký giảng dạy.
Mục tiêu cuối cùng của học sinh là đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia hàng năm, sau đó là nhận được tấm bằng đại học. Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt trong công việc, thậm chí là hôn nhân, triển vọng ở quốc gia mà gần như 1/4 thanh niên từ 15 đến 29 tuổi phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.
Học sinh tại một trường trung học ở Seoul (Hàn Quốc) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Ảnh: AFP
Vào tháng 11 hàng năm, ít nhất nửa triệu học sinh Hàn Quốc tham gia dự thi đại học, cuộc thi này là nguồn động lực khiến phụ huynh chi rất nhiều tiền cho các khoản học phí. Năm nay, kỳ thi đại học dự định sẽ diễn ra vào ngày 19/11, nhưng chính phủ đang xem xét phương án hoãn lại vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Cô Choi không còn cách nào khác, ngoài việc cho con đi học thêm, cô đã tăng cường dạy kèm con tại nhà để bù đắp cho chúng những kiên thức bị bỏ lỡ.
“Tôi mong rằng kỳ thi có thể hoãn lại. Tôi đã phải chi nhiều tiền đóng học phí hơn vì dịch bệnh này”, cô Choi chia sẻ.
Theo: Báo Tin tức
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC