Hoa hậu Philippines và chiếc váy bị rách ở đêm thi chung kết Hoa hậu Siêu quốc gia 2018.
"Siêu mẫu chỉ là hạng 2, hoa hậu mới là đổi đời" - câu nói xuất hiện trong trailer bộ phim Hoa hậu giang hồ khiến nhiều khán giả gật đầu tán thưởng. Bởi nó phản ánh đúng thực tế hiện tại ở showbiz Việt. Hai chữ "hoa hậu" vẫn là ước mơ, khao khát của rất nhiều cô gái trẻ.
Từ scandal ở các đấu trường sắc đẹp quốc tế
Năm 2015, tác giả Sally-Ann Fawcett, người từng đảm nhận vai trò giám khảo ở cuộc thi Miss Great Britain và Miss International, từng phát hành cuốn sách mang tên Misdemeanours: Beauty Queen Scandals (tạm dịch: Những bê bối của nữ hoàng sắc đẹp). Nội dung cuốn sách bóc trần những câu chuyện hậu trường ở cuộc thi hoa hậu.
Theo Sally-Ann Fawcett, từ thập niên 1960, 1970 của thế kỷ trước, các đấu trường nhan sắc đã rất được coi trọng. Các người đẹp tìm mọi cách để có thể chạm đến chiếc vương miện cao quý. Từ đó dẫn đến chuyện đấu đá, hãm hại lẫn nhau.
Trường hợp của Ingrid Marie Rivera, Hoa hậu Puerto Rico 2008, là ví dụ điển hình. Cô từng thông báo với ban tổ chức việc bị một đối thủ chơi xấu. Cụ thể, quần áo của cô bị xịt hơi cay, dẫn đến ngứa ngáy và khó chịu khi mặc. Tuy nhiên, sau khi ban tổ chức vào cuộc điều tra, kết quả lại không đúng như Rivera nói. Ngoài ra, tác giả Sally-Ann còn kể câu chuyện của Miss United Kingdom 1999 - Nicola Willoughby. Cô dự thi Miss World khi mới 18 tuổi và được đánh giá là ứng cử viên sáng giá. Tuy nhiên, những bức ảnh ngực trần sau đó bị phát tán, khiến giấc mơ hoa hậu của người đẹp tan biến. Nicola cuối cùng chỉ dừng chân ở vị trí thứ 15.
Nicola tin rằng các thí sinh khác đã truyền tay nhau bức ảnh của cô và cười hả hê. Người đẹp này cũng khẳng định chuyện thí sinh đâm sau lưng nhau xảy ra như cơm bữa. "Một thí sinh từng đề nghị ủi giúp tôi bộ suit phỏng vấn, nhưng cô ấy đã làm cháy. Họ có thể làm bất cứ điều gì để ngăn cản bạn chiến thắng" - Nicola nói. Vào cuối năm 2018, đại diện Philippines tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Jehza Huelar chia sẻ câu chuyện cô bất ngờ bị rách váy dạ hội ở đêm chung kết. Sự cố xảy ra khi Jehza Huelar vừa được gọi tên vào top 10 và chuẩn bị bước vào phần thi trình diễn đầm dạ hội. Trong khu vực hậu trường, người đẹp cố tìm cách sửa chiếc khóa kéo phía sau lưng nhưng không thành. "Nhiều người chạy đến giúp tôi nhưng dường như mọi thứ càng tồi tệ hơn. Do thời gian quá gấp, mọi người quyết định dùng kim băng để ghim chiếc váy lại. Cuối cùng, tôi đã bước lên sân khấu và làm hết sức có thể", Jehza Huelar viết trên trang cá nhân. Jehza Huelar cho biết cô không ám chỉ có ai đó hãm hại mình. Theo cô, đây là một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát vì nhiều yếu tố. Và nó giúp cô trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trên các diễn đàn sắc đẹp, không ít ý kiến đồn đoán Jehza Huelar có thể đã bị chơi xấu.
Hậu trường hoa hậu có nhiều góc khuất.
Hậu trường hoa hậu Việt Nam có "trò bẩn"?
Đó là câu chuyện thi nhan sắc ở quốc tế, còn ở Việt Nam thì sao? Chuyện đấu đá, ganh đua có tồn tại? Đến nay chưa có scandal ầm ĩ nào chỉ đích danh người này chơi xấu người kia. Song, theo bật mí từ một ông bầu lâu năm trong giới showbiz, đó là "chuyện thường ở huyện". Làm hỏng váy, phá hỏng giày, tung tin đồn xấu về đối thủ vẫn ngấm ngầm xảy ra ở nhiều cuộc thi. Đôi khi, đó còn là cuộc chiến của chính các ông bầu.
Nếu làm một phép liệt kê nhanh, gần như cuộc thi hoa hậu nào cũng vướng lùm xùm, không ít thì nhiều, nhất là sát đêm thi chung kết. Tin đồn mua giải, dao kéo, đời tư ồn ào không còn là chuyện hiếm. Những ứng viên nặng ký thường có mặt trong danh sách "đen" này. Năm 2004, tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cả hai thí sinh sáng giá là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân đều có tên trong các đơn thư tố cáo. Nội dung lá thư nói rõ Nguyễn Thị Huyền bị đánh ghen cạo trọc đầu, thí sinh Trịnh Chân Trân dùng bằng thạc sĩ giả và gia đình có vấn đề. Sau khi cử người đi xác minh, kết hợp gặp trực tiếp hai ứng viên, ban tổ chức xác nhận những lời tố trên sai sự thật. Tại Hoa hậu Việt Nam 2016, "nàng thơ xứ Huế" Lê Trần Ngọc Trân bị tố đã tham gia cuộc thi Kim Mộc Hỏa Thổ (Hoa hậu Việt Nam Thế giới 2014) tại Nhật Bản với danh hiệu á hậu.
Sau đó cô bị tước danh hiệu vì bị cho là giả mạo chữ ký của cơ quan chức năng.
Trước sự việc ồn ào, Ngọc Trân tự viết đơn xin rút lui khỏi cuộc thi. Còn với tin đồn mua giải, gần như cuộc thi nào (dù lớn hay nhỏ) đều có. Hoa hậu Biển 2016 Phạm Thùy Trang, Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu Thu Ngân, Hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên... hay mới đây là Miss World Vietnam 2019 Lương Thùy Linh đều từng có tên trong danh sách nghi vấn.
"Siêu mẫu chỉ là hạng 2, hoa hậu mới đổi đời".
Vì sao hậu trường hoa hậu luôn cạnh tranh khốc liệt như vậy? Không khó để trả lời câu hỏi này, bởi ở Việt Nam, khán giả "cuồng" hoa hậu. Hoa hậu có một thứ quyền lực ngầm, là vị trí vedette trên sàn diễn thời trang, là ngôi sao được săn đón, là cơ hội đổi đời nhanh chóng, là cuộc sống giàu sang...
Sắp tới, khi bộ phim điện ảnh Hoa hậu giang hồ của đạo diễn Lương Mạnh Hải lên sóng, khán giả sẽ có cơ hội được chứng kiến một thế giới showbiz bề ngoài tưởng bình yên nhưng bên trong đầy hỗn loạn với những mưu mô, thủ đoạn. Lương Mạnh Hải chia sẻ anh sáng tạo dựa trên những chất liệu, những câu chuyện góp nhặt được về các cuộc thi hoa hậu trong hơn 10 năm làm báo của mình.
Còn siêu mẫu Minh Tú - người đảm nhận vai chính trong phim - cho biết: "Không dám chắc mọi chi tiết trong phim có đúng hết không, nhưng những chuyện đấu đá, chơi xấu nhau không chỉ có ở Việt Nam mà ở các cuộc thi tầm quốc tế". Cũng bởi chiếc vương miện lấp lánh quá và ai cũng muốn có được hào quang của nó!
Ly Nguyễn
Nguồn: zing.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC